Chắt chiu từng cơ hội…
Ở bất cứ công việc nào, sự cống hiến, tận tụy đều mang lại những kết quả tốt đẹp
Tôi chạm mắt phải bìa báo số cuối tuần, phát hành cuối tháng 6-2025 và cũng là số sau cùng kết thúc một chặng đường dài, được đăng trên mạng xã hội, lòng lặng lại, chẳng thể gọi đúng tên cảm xúc ngay lúc này.
Thông tin sáp nhập tỉnh, thành, trong đó có báo chí, đã chính thức từ mấy tháng nay, nhưng đến khi nhìn những số báo cuối cùng được đội ngũ phụ trách chăm chút thực hiện để gửi đến bạn đọc, trong đó kèm theo thư tòa soạn, tôi vẫn không khỏi chạnh lòng.
Ở cương vị một người cộng tác, tôi nhìn từng tờ báo thân quen - nơi đã chắp cánh cho câu chữ của mình đến với bạn đọc, giờ thì mọi thứ khép lại.
Biết rằng, chẳng riêng gì báo chí mà nhiều công việc liên quan cũng phải gói ghém lại từ đây. Những thay đổi đó không gói trọn thành nỗi buồn mà còn là nỗi canh cánh với biết bao lo toan bởi ở trong đó, rất nhiều người còn gánh nặng cơm áo gạo tiền. Bài toán chi tiêu đã khó lại càng thêm khó. Không như tôi, chỉ ngổn ngang một chút rồi sẽ qua đi. Tôi ru lòng mình rằng mọi thứ vô thường, để bước tiếp chặng đường mới với niềm hy vọng luôn xanh như những tán lá gặp mưa.
Tôi rất thích một câu trong Kinh Thánh, rằng: "Mỗi người mang trên vai thập giá vừa với sức mình". Mỗi khi gặp chuyện khó khăn, hay nhói lòng trước những hoàn cảnh khốn cùng mình nhìn thấy, tôi lại vịn vào câu nói ấy để tin rằng: Mọi thứ rồi sẽ ổn!
Cuộc sống khó khăn thì mình càng phải chắt chiu từng cơ hội. Nhìn chung quanh mình, tôi thấy ai cũng đang tất bật cho công việc họ đảm trách. Từ anh chạy xe ôm công nghệ đến những shipper giao hàng, những người bán rong, chủ quán cà phê, các cửa hàng tạp hóa truyền thống… Trong thời buổi khó khăn chung của toàn xã hội, tôi nhận ra sự tận tụy của mỗi người trong công việc của họ.

Minh họa: VFA
Hôm nọ, tôi ra chợ. Khu chợ gần nhà ngày càng vắng người vì bây giờ số người đi chợ bị chia ra, họ đến siêu thị hoặc mua đồ online. Mua đồ online rất tiện, chẳng quản ngại mưa nắng, càng không phải chen chúc gì. Chỉ cần ngồi một chỗ chọn món, có người vận chuyển đến tận nhà, nhanh - gọn - lẹ. Vậy nên, chợ ngày càng đìu hiu. Vắng khách nhưng nét mặt anh bán rau vẫn tươi rói khi thấy có khách. Một bó rau chừng hơn nắm tay, có giá 5.000 đồng. Hôm nay, anh cho thêm mỗi khách hàng vài quả khế nhà trồng được; hôm trước thì anh cho nắm ớt đỏ au, cũng của nhà trồng được.
Một lần, nhận được cả nải chuối nho nhỏ, tôi nán lại hỏi anh sao không bán để kiếm thêm chút tiền, anh thật thà chia sẻ: "Của nhà trồng được nên cũng không tốn kém gì, với lại khuyến mãi cho khách để khách nhớ đến mình, chị à!". Khách nhận thêm chút quà cũng vui. Lại là "của nhà trồng" nên yên tâm ăn. Quả thật, gian hàng rau của anh luôn thu hút các chị, các cô. Mua bó rau thôi cũng được cho thêm ít hành, ngò, rau thơm… toàn những thứ thông dụng trong nhà bếp, còn gì thích bằng. Nhờ vậy, anh bán hết sớm, lại tranh thủ về tưới cây, chăm vườn, thu hoạch chuẩn bị cho phiên chợ sáng mai.
Ở bất cứ công việc nào, sự tận tụy đều mang lại kết quả tốt đẹp.
Hôm nọ, tôi cùng nhóm bạn đi du lịch ở một thành phố cao nguyên mà mình rất thích. Cũng đã lâu rồi tôi không trở lại, nên đã không còn kết nối với khách sạn thường hay ở trước đây. Tôi thử trải nghiệm một khách sạn nhỏ, nằm vùng ven trung tâm, gần như không chạy quảng cáo trên các kênh mạng xã hội.
Trong không gian nhỏ nhưng sạch tinh tươm, tôi cảm nhận được sự chăm chút của chủ nhân nơi này, từ việc đặt những chậu hoa bé xinh trong nhà tắm, nơi góc nhà, ngoài ban công… tạo cảm giác dễ chịu cho du khách. Cô gái, với dáng người cũng nhỏ nhắn, mỗi lần gặp chúng tôi ở quầy lễ tân đều lễ phép cúi đầu chào, rồi hỏi chúng tôi có cần thêm gì không? Và rồi, bất cứ yêu cầu nào của chúng tôi đều được cô đáp ứng.
Cũng đêm đó, khách sạn đột nhiên bị cúp nước. Gặp chúng tôi đi ăn tối về, cô gái cúi đầu xin lỗi vì sự bất tiện này. Lời xin lỗi chân thành ấy, chúng tôi rất ít gặp được ở những nơi lưu trú khác. Đó là chưa kể việc điện, nước đôi khi chẳng thể chủ động được, chúng tôi đều hiểu điều đó.
Sự tử tế, chân thành và tận tâm của cô gái ở khách sạn khiến chúng tôi cảm động. Không nói ra, nhưng chúng tôi đồng lòng với ý định nếu lần sau đến sẽ chọn nơi này để lưu trú. Giữa ngồn ngộn thông tin về khách sạn của thành phố du lịch, chúng tôi sẽ vẫn chọn nơi đây, vì ngoài những tiện ích các nơi khác cũng có, chúng tôi còn nhận thêm món quà là tấm lòng hiếu khách của cô gái ở khách sạn.
Lần khác, tôi chọn một quán cà phê yên tĩnh để thay đổi không gian làm việc. Trên mỗi bàn, anh chủ quán cà phê đặt một chậu cây xanh lạ mắt. Cây trồng từ hạt thanh long. Mỗi mầm vươn ra hai chiếc lá be bé nhưng dày, bóng mượt, tạo thành thảm xanh nhìn tràn đầy sức sống. Thấy tôi mân mê chậu cây mãi, anh chủ quán tiến lại gần bắt chuyện. Anh tỉ mẩn chia sẻ cách lấy hạt thanh long, trồng vào chậu đất, để ở nơi khô ráo có ánh nắng nhẹ chờ hạt nảy mầm. Sau một hồi nhiệt tình chia sẻ, anh chốt lại bằng câu: "Lần sau em đến, đem theo cái chậu mà em ưng ý, anh sẽ trồng hạt vào cho em". Bữa đó, tôi ra về mà lòng reo vui. Thì ra, niềm vui mà ta có thể cho đi hay nhận lại cũng giản đơn thôi, chẳng cầu kỳ hay tốn kém gì.
Trước cơn bão thất nghiệp của bối cảnh xã hội hiện tại, tôi càng trân trọng công việc đang có của mình. Tự hứa với lòng sẽ làm tốt nhất có thể, nâng niu từng cơ hội đến với mình.
Nếu như sau này, một ngày nào đó phải nói lời chào tạm biệt, tôi cũng sẽ đón nhận bằng nụ cười thật tươi…
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chat-chiu-tung-co-hoi-196250705175406679.htm