Lý do ngứa mắt

Nếu mắt bị ngứa kéo dài, kèm đỏ, nhiều vảy bám ở mi, khô cộm hoặc hay mọc chắp, lẹo tái đi tái lại, bạn nên đi khám sớm tại cơ sở chuyên khoa mắt.

 Việc dụi mắt nhiều không những không đỡ ngứa mà còn dễ làm mắt đỏ, viêm nặng hơn. Ảnh: Optimuminfo.

Việc dụi mắt nhiều không những không đỡ ngứa mà còn dễ làm mắt đỏ, viêm nặng hơn. Ảnh: Optimuminfo.

Bác sĩ chuyên khoa II Trần Huyền Trang, Bệnh viện Mắt Trung ương, cho biết ngứa mắt là triệu chứng rất thường gặp, gây khó chịu và khiến nhiều người có thói quen dụi mắt. Việc dụi mắt nhiều không những không đỡ ngứa mà còn dễ làm mắt đỏ, viêm nặng hơn.

Ngứa mắt có thể xuất hiện trong nhiều bệnh lý như viêm kết mạc dị ứng, khô mắt hay viêm bờ mi - một trong những bệnh mắt mạn tính phổ biến nhất, gây bất tiện lớn trong sinh hoạt và giao tiếp hàng ngày.

Viêm bờ mi là gì?

Viêm bờ mi là tình trạng viêm mạn tính ở mép mi mắt, có thể ảnh hưởng da mi, lông mi, kết mạc hay các tuyến Meibomius của sụn mi. Bình thường, tuyến Meibomius tiết ra lớp dầu phủ bề mặt nước mắt, ngăn nước mắt bay hơi quá nhanh. Khi tuyến này rối loạn, mắt sẽ khô và dễ viêm hơn.

Có hai dạng viêm bờ mi:

Viêm bờ mi trước: Thường do vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng (như demodex, rận mi) bám ở chân lông mi, gây ngứa, đỏ, vảy bám quanh lông mi.
Viêm bờ mi sau: Hay gặp ở người lớn tuổi, do rối loạn chức năng tuyến sụn mi (tuyến Meibomius) làm tuyến bị tắc, dễ hình thành chắp, lẹo.

Triệu chứng thường gặp là ngứa mắt, đỏ mắt, vảy bám ở gốc lông mi, cảm giác khô cộm nhất là khi vừa ngủ dậy, thậm chí có thể dính bờ mi.

Các phương pháp điều trị viêm bờ mi

Theo bác sĩ Huyền Trang, với viêm bờ mi trước, bạn cần làm xét nghiệm vi sinh để xác định nguyên nhân, từ đó bác sĩ sẽ chỉ định thuốc điều trị đặc hiệu. Người bệnh nên vệ sinh bờ mi sạch sẽ hàng ngày bằng gạc tẩm thuốc chuyên dụng hoặc có thể dùng bông tẩy trang thấm nước ấm sạch, lau dọc theo bờ mi 5-6 lần, ngày 2 lần vào sáng và tối.

Với viêm bờ mi sau, người bệnh cần làm thông tuyến Meibomius bằng cách chườm ấm và massage mi. Cụ thể, dùng túi chườm chuyên dụng hoặc khăn sạch nhúng nước ấm áp lên mắt ít nhất 10 phút, sau đó massage nhẹ theo chiều vuốt từ trên xuống với mi trên, vuốt lên với mi dưới. Việc này giúp tuyến mở ra, tăng tiết lớp dầu tự nhiên, giảm khô mắt.

Bác sĩ cũng có thể chỉ định thêm kháng sinh, thuốc chống viêm hoặc nước mắt nhân tạo tùy mức độ bệnh.

"Khi viêm bờ mi sau không được xử lý tốt, tuyến bị tắc dễ hình thành chắp. Nếu có dấu hiệu sưng đau, người bệnh nên tích cực chườm ấm ngay từ đầu. Một mẹo dân gian an toàn là luộc quả trứng gà, để nguyên vỏ, bọc trong khăn giấy, thử nhiệt độ cho vừa rồi chườm lên vùng mí mắt sưng", bác sĩ Trang hướng dẫn.

Vị chuyên gia cũng khuyến cáo người dân tuyệt đối không nặn, day, bóp chắp để tránh viêm lan rộng. Chườm ấm kịp thời kết hợp dùng thuốc đúng cách có thể giúp chắp tan hoàn toàn, không cần can thiệp tiểu phẫu. Khi bị viêm bờ mi, bạn nên đi khám sớm để có chẩn đoán và điều trị hiệu quả.

Phương Anh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/ly-do-ngua-mat-post1566119.html