Câu chuyện về người liệt sĩ trẻ giữa thời bình

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, hàng triệu người con ưu tú đã anh dũng ngã xuống. Ở thời bình, cũng có không ít các chiến sĩ đã hi sinh khi làm nhiệm vụ để giữ vững chủ quyền quốc gia, bảo vệ bình yên cho nhân dân.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng trong thời hòa bình, vẫn còn có cán bộ, chiến sĩ anh dũng ngã xuống trong khi thực hiện nhiệm vụ. Sau mất mát không gì có thể bù đắp ấy, những người mẹ liệt sĩ thời bình lặng lẽ nuốt nước mắt vào trong, kiên cường vượt khó, tích cực cống hiến cho xã hội.

Ký ức về đứa con trai ngoan hiền

Những ngày cuối tháng 7/2024, trong không khí cả nước đang tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa, thiết thực đền ơn, đáp nghĩa những người đã cống hiến, hi sinh cho Tổ quốc, chúng tôi về thăm gia đình bà Trần Thị Hà (SN 1976, mẹ liệt sĩ Trần Bá Diệu, ở tổ dân phố (TDP) Kiến Thành, thị trấn Đồng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh).

Bà Trần Thị Hà mỗi lần kể về con nước mắt lại tuôn trào.

Bà Trần Thị Hà mỗi lần kể về con nước mắt lại tuôn trào.

Đã hơn 2 năm trôi qua kể từ ngày con trai hi sinh, nhưng mỗi khi nhắc đến đứa con ngoan ngoãn, giỏi giang, trong ánh mắt của người phụ nữ năm nay đã gần tuổi ngũ tuần vẫn hiện lên nỗi buồn sâu thẳm xen lẫn tự hào.

"Cứ mỗi lần nghĩ đến đứa con trai, tôi đau xót lắm, biết là con nằm xuống vì bình yên Tổ quốc tôi cũng rất tự hào và đó cũng là niềm động viên an ủi lớn nhất để tôi vượt qua nỗi đau này. Mỗi lần nhớ con tôi lại lấy mấy tầm hình nó ra ngắm, cảm giác như con còn đâu đây vẫn vẹn nguyên", giọt nước mắt của người mẹ liệt sĩ này cứ trào dâng khi kể về con trai.

Tiếp câu chuyện với chúng tôi, bà Hà kể, khi Diệu lên 8 tuổi bố em lên núi kiếm củi bị lũ cuốn trôi, tử vong. Kể từ đó, hoàn cảnh gia đình đã khó còn khổ bội lần, một mình bà phải gồng gánh nuôi 3 đứa con ăn học. Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình nên các con của bà rất ngoan.

"Diệu là con trai đầu, sau nó còn 2 em. Biết gia đình khó khăn nên sau mỗi buổi đến trường Diệu lại về phụ giúp tôi mọi công việc trong gia đình. Con tôi ngoan, học giỏi lắm, xóm làng đều rất thương nó", bà nhớ lại.

Những lúc nhớ con bà Hà lại mang ảnh ra ngắm.

Những lúc nhớ con bà Hà lại mang ảnh ra ngắm.

Sau khi học xong 12, Diệu chọn thi vào Trường Sĩ quan Lục quân 1. Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn không đủ khả năng để lo cho em học đại học nên Diệu đã chọn trường này để đỡ tốn chi phí học. Với sự nỗ lực cố gắng sau khi học xong Diệu được phân công vào Vùng 3 hải quân Đà Nẵng. Vài năm sau em chuyển vào công tác tại tỉnh Khánh Hòa, đóng quân tại đảo Trường Sa.

Tưởng rằng mọi chuyện sẽ yên bình với gia đình bà, bỗng ngày định mệnh ập đến. Trong lúc đi làm đồng bà Hà nhận được hung tin con trai hi sinh trong khi làm nhiệm vụ. Đó là một buổi chiều bà không bao giờ muốn nghĩ, muốn nhắc tới.

"Tôi vẫn nhớ như in cái ngày tận cùng đớn đau ấy, tưởng như mới diễn ra hôm qua. Chiều ngày 20/6/2022, khi tôi đang đi làm bỗng nhận được tin con trai hi sinh, lúc đó tôi như chết lặng, tôi không chấp nhận nổi sự thật bởi trước đó 1 ngày nó còn gọi về hỏi thăm gia đình, mẹ con đang chuyện trò vui vẻ", nói xong bà khóc nghẹn.

Mỗi lần nhắc về người con trai ngoan ngoãn đã ra đi mãi mãi hơn 2 năm trước, bà Hà lại khắc khoải nỗi nhớ. Lật giở từng trang trong cuốn album ảnh, biết bao kỷ niệm về con ùa về khiến bà bật khóc. Nỗi đau mất con vẫn chưa bao giờ nguôi ngoai trong lòng...

Lỡ mẹ một lời hứa

Chiếc tủ nằm dưới bàn thờ liệt sĩ Trần Bá Diệu, nơi đựng những món đồ mà người mẹ coi như báu vật - là những vật dụng của đứa con trai khi còn sống. Từ những bộ quần áo anh mặc hàng ngày, sách vở cấp 3,... và những tấm ảnh của con lúc đang là người lính.

Bà kể, Diệu là con trai nhưng rất tình cảm, có chuyện gì lớn nhỏ đều thủ thỉ tâm sự cùng mẹ. Trước ngày hi sinh Diệu gọi điện thoại về khoe với mẹ đã có bạn gái. "Tôi giục con cưới vợ nhưng nó chỉ cười trừ, còn hứa với mẹ là cố gắng kiếm tiền để về sửa sang lại căn nhà xập xệ lâu nay. Thấy con nói thế bà Hà động viên: 'Con cố gắng lo cho các em ăn học giúp mẹ, còn chuyện sửa sang nhà cửa tính sau'. Chưa kịp hoàn thành tâm nguyện thì con đã bỏ tôi mà đi", bà Hà tâm sự.

Rưng rưng dòng lệ, bà Hà thắp hương cho chồng và con trai.

Rưng rưng dòng lệ, bà Hà thắp hương cho chồng và con trai.

Diệu chưa một ngày nào được sung sướng, sống chỉ nghĩ cho gia đình. Hai đứa em của Diệu noi gương anh nên học rất giỏi, cả 2 hiện đang học đại học. "Bố mất sớm, là anh cả trong nhà nên từ nhỏ Diệu biết nhường nhịn các em lắm. Lớn lên khi đi làm có tiền nó gửi hết về lo cho các em ăn học, gửi về phụ giúp mẹ. Sau khi bố mất nó là trụ cột chính của gia đình, giờ nó cũng bỏ mẹ và các em đi theo bố, nghĩ mà xót xa quá. Tương lai hai đứa em đang học đại học không biết sẽ ra sao", bà Hà khóc nghẹn.

Với những cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa, ngày 2/7/2024, Đảng ủy Lữ Đoàn 146 - Vùng 4 Hải quân phối hợp cùng chính quyền địa phương và gia đình tổ chức Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Trần Bá Diệu.

Lễ trao bằng Tổ quốc ghi công cho gia đình liệt sĩ Trần Bá Diệu.

Lễ trao bằng Tổ quốc ghi công cho gia đình liệt sĩ Trần Bá Diệu.

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc, sự hi sinh của biết bao thế hệ cha anh đã ngã xuống cũng là sự hi sinh thầm lặng, vĩ đại của những người mẹ Việt Nam anh hùng trên mọi miền. Trong thời bình cũng vậy, các chiến sĩ ngã xuống khi làm nhiệm vụ cũng là sự hi sinh của các Mẹ. Tất cả, vì sự bình yên của đất nước và hạnh phúc của nhân dân.

Chia tay chúng tôi, đôi mắt bà Hà vẫn còn đỏ hoe, sâu thẳm trong đôi mắt ấy là tận cùng của nỗi đau thế nhưng vẫn hé lên một niềm tự hào. Bởi trong cuộc chiến giữ vững chủ quyền quốc gia, bảo vệ bình yên cho nhân dân có một phần xương máu của con trai bà.

Nguyễn Sơn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/xuc-dong-cau-chuyen-ve-nguoi-liet-si-tre-giua-thoi-binh-169240721064207801.htm