Chat GPT - Mối nguy hay công cụ mới của ngành Giáo dục?

ChatGPT chưa thực sự có mặt tại Việt Nam, nhưng tầm ảnh hưởng của công cụ này tới xã hội những ngày gần đây là không thể phủ nhận. Lợi - hại của ứng dụng này vẫn còn là câu chuyện bỏ ngỏ của toàn thế giới, song, bỗng dưng nhiều câu hỏi được đặt ra cho những người làm nghề giáo.

Công cụ ChatGPT gây sốt toàn cầu thời gian vừa qua.

Công cụ ChatGPT gây sốt toàn cầu thời gian vừa qua.

Chuyện là thầy cô giáo có khi lại “lâm nguy” khi mà học trò muốn biết gì thì chỉ việc “hỏi” công cụ ChatGPT. Dù chưa thật sự tối ưu cho ngôn ngữ Việt Nam nhưng nếu đặt câu hỏi bằng tiếng Việt thì ChatGPT vẫn có thể hiểu và trả lời lại bằng tiếng Việt. Bất kể lĩnh vực hay chuyên ngành gì, công cụ này cũng có thể đưa ra những đáp án làm người ta không khỏi bất ngờ về độ mạch lạc và đôi khi là độ chính xác ngoài mong đợi.

Suy nghĩ kỹ, vẫn thấy rằng nghề “dạy chữ” chưa lâm nguy. Nếu như trí tuệ nhân tạo “biết tuốt” hay hỏi gì ChatGPT trả lời ấy, học trò lại có công cụ để tìm câu trả lời nhanh hơn để thỏa mãn nhu cầu thu nhận tri thức. Phải chăng như vậy còn là đáng mừng cho công tác giáo dục? Điều này thì còn phải xem xét cẩn thận.

ChatGPT khiến chúng ta kinh ngạc vì có khả năng đưa ra những câu trả lời có vẻ như chính xác. Bởi công nghệ của ChatGPT là khả năng nén một lượng tri thức cực lớn dưới dạng văn bản thành mô hình xác suất trên máy tính. Thế nhưng, “vấn đề nổi cộm nhất của ChatGPT chính là tính minh bạch và đạo đức học thuật không được đảm bảo” - Chuyên gia Trí tuệ nhân tạo Nguyễn Như Văn cho biết. ChatGPT không bao giờ dẫn nguồn của những thông tin mình đưa ra, trong khi, đây là một yêu cầu cơ bản để chống hành vi đạo văn.

Thầy Nguyễn Như Văn, Chuyên gia trí tuệ nhân tạo, Đại học Orleans chia sẻ: “ChatGPT hiện tại cũng như Wikipedia, là nguồn tham khảo phổ biến, nhưng không được giới khoa học công nhận. Người dùng cần đặc biệt cẩn trọng trong trường hợp phải chịu trách nhiệm nếu nội dung mình đưa ra không chính xác hoặc thiên lệch”. Nếu giải quyết được vấn đề về bản quyền và đạo đức, ChatGPT hoàn toàn có thể trở thành một công cụ hữu hiệu khác bên cạnh Google, giúp học sinh, sinh viên thêm sáng tạo và học tập hiệu quả hơn.

Một vấn đề khác, dù có trở nên thông thái đến đâu, trí tuệ nhân tạo (AI) vẫn chỉ có thể là công cụ giúp ta học thêm kiến thức, không thể thay thầy cô dạy ta học làm người.

Với tốc độ phát triển như ngày nay, hoàn toàn có thể tin rằng rồi một ngày AI sẽ phân tích được những tầng cảm xúc của con người và đem lại cho chúng ta “câu trả lời”.

Tôi nhớ đến anh bạn Baymax trong bộ phim Big Hero 6, đó là một chú robot siêu việt để giúp đỡ người khác. “Tôi nghĩ bạn cần được sưởi ấm”, “tôi nghĩ bạn cần một cái ôm”. Baymax đã nói vậy khi chủ nhân rơi những giọt nước mắt thất vọng, nhưng suy cho cùng, chúng cũng chỉ là những cỗ máy vô cảm, bị mắc kẹt trong việc phân tích và thống kê. Phải làm sao với cô học trò buồn vì điểm thi còn thấp, làm gì với cậu bé mới lớn và tình yêu học trò trong veo, làm gì với cậu bé nghèo mỗi ngày vừa đi học vừa đi làm? Tất thảy những cô cậu học trò đó, đều cần một “người thầy” - người lắng nghe, sẻ chia, định hướng và đem đến những bài học mà sách giáo khoa hay trí tuệ nhân tạo không thể làm được.

Hình ảnh cỗ máy siêu thông minh Baymax trong bộ phim Big Hero 6.

Hình ảnh cỗ máy siêu thông minh Baymax trong bộ phim Big Hero 6.

Dẫu vậy, đây mới là những ngày làm việc đầu tiên của ChatGPT, mắc lỗi và chưa hoàn thiện là điều dễ hiểu. Việc ChatGPT trở thành một công cụ hữu ích hay mối đe dọa cho ngành giáo dục hoàn toàn phụ thuộc vào cách sử dụng của thầy và trò.

Hoàng Sơn

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/chat-gpt-moi-nguy-hay-cong-cu-moi-cua-nganh-giao-duc/26335.htm