Chất hydroquinone trong 2 sản phẩm dưỡng da Obagi nguy hại thế nào?

Hai lô sản phẩm dưỡng trắng da Obagi bị đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy trên toàn quốc do phát hiện có chứa hoạt chất hydroquinone. Vậy dùng sản phẩm chứa chất này nguy hại ra sao?

Công ty Obagi bị “tuýt còi” vì kinh doanh 2 lô sản phẩm dưỡng da không đạt chất lượng

Ngày 31/12, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) công bố hai thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy trên toàn quốc hai lô sản phẩm dưỡng da của thương hiệu mỹ phẩm Obagi do phát hiện có chứa hoạt chất hydroquinone.

Cụ thể, lô sản phẩm Obagi-C Fx CClarifying Serum - Hộp 1 chai 30 ml. Trên nhãn ghi Số lô: 81262; NSX: 17/3/2023; HSD: 17/3/2026; do Công ty Swiss-American CDMO LLC (2055 Luna Road # 126, Carrollton, TX 75006, USA) sản xuất; Tổ chức chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường bởi Công ty TNHH MTV thương mại xuất nhập khẩu Obagi Việt Nam (Công ty Obagi, địa chỉ 12-12A Núi Thành, Phường 13, Quận Tân Bình, TP HCM).

Trong mẫu sản phẩm do Viện Kiểm nghiệm thuốc TP HCM kiểm nghiệm, phát hiện Obagi-C Fx CClarifying Serum - Hộp 1 chai 30 ml có chất hydroquinone với hàm lượng 0,027%.

Tương tự, cơ quan chức năng cũng phát hiện hydroquinone với hàm lượng 0,019% trong sản phẩm Obagi Nu-Derm Blend Fx - Chai 57g. Sản phẩm này trên nhãn ghi số lô: 88011; HSD: 12/9/2026; do Công ty G.S. Cosmeceutical USA, Inc (131 Pullman Street, Livermore, CA 94551, USA) sản xuất; Tổ chức chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường bởi Công ty Obagi.

 Một phần công văn của Cục Quản lý Dược thông báo về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lô sản phẩm Obagi Nu-Derm Blend Fx - Chai 57g - Ảnh chụp màn hình

Một phần công văn của Cục Quản lý Dược thông báo về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lô sản phẩm Obagi Nu-Derm Blend Fx - Chai 57g - Ảnh chụp màn hình

 Một phần công văn của Cục Quản lý Dược thông báo về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lô sản phẩm Obagi-C Fx CClarifying Serum - Hộp 01 chai 30 ml - Ảnh chụp màn hình

Một phần công văn của Cục Quản lý Dược thông báo về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lô sản phẩm Obagi-C Fx CClarifying Serum - Hộp 01 chai 30 ml - Ảnh chụp màn hình

Theo phiếu công bố đã được Cục Quản lý Dược cấp số tiếp nhận cho các sản phẩm Obagi-C Fx CClarifying Serum và Obagi Nu-Derm Blend Fx, trong thành phần công thức sản phẩm kê khai trên phiếu công bố không có thành phần hydroquinone, nhưng có thành phần có arbutin.

Theo các tài liệu khoa học về arbutin (Tên khoa học (INCI name): 4- Hydroxyphenyl-β-D-glucopyranoside; tên khác: Beta arbutin; số CAS 497-76-7) khi hòa tan trong nước có thể bị thủy phân, tạo ra một lượng rất nhỏ hydroquinone.

Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng lô sản phẩm Obagi-C Fx C-Clarifying Serum - Hộp 1 chai 30 ml và sản phẩm Obagi Nu-Derm Blend Fx - Chai 57g trả lại cơ sở cung ứng sản phẩm; Tiến hành thu hồi lô và tiêu hủy lô sản phẩm vi phạm nêu trên; Kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện thông báo này; Xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành.

Yêu cầu Công ty Obagi phải gửi thông báo thu hồi tới những nơi phân phối, sử dụng lô sản phẩm ObagiC Fx C-Clarifying Serum - Hộp 1 chai 30 ml và lô sản phẩm Obagi Nu-Derm Blend Fx - Chai 57g nêu trên; Tiếp nhận sản phẩm trả lại từ các cơ sở kinh doanh và tiến hành thu hồi, tiêu hủy toàn bộ lô sản phẩm không đáp ứng quy định.

Ngoài ra, Cục quản lý Dược đề nghị Sở Y tế TP HCM giám sát Công ty Obagi trong việc thực hiện thu hồi và tiêu hủy các lô sản phẩm không đáp ứng quy định; Kiểm tra Obagi trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý mỹ phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm; Xử lý, xử phạt vi phạm theo quy định hiện hành.

Thiếu trung thực, lừa người tiêu dùng?

Trao đổi với PV Tri thức & Cuộc sống về vấn đề này, ThS.DS Lê Quốc Thịnh, Giảng viên khoa Dược Đại học Thành Đô cho biết, chất hydroquinone vẫn được phép sử dụng trong mỹ phẩm, không bị cấm. Công ty Obagi bị “tuýt còi” vì khi kê khai đăng ký ghi không có chất đó nhưng thực tế sản phẩm lại có thì vi phạm, thuộc vào tội không trung thực.

Theo ThS.DS Lê Đức Thịnh, hydroquinone là một chất được ứng dụng rất nhiều trong các sản phẩm chăm sóc da ngày nay. Tác dụng hydroquinone là tẩy trắng da và dùng để điều trị tăng sắc tố trong nhiều trường hợp khác nhau.

Hydroquinone khá an toàn và có thể sử dụng được trên da, tuy nhiên vẫn có một số ít các tác dụng phụ xảy ra. Theo FDA (cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ), hydroquinone có thể được sử dụng an toàn và bán như một loại thuốc không kê đơn với nồng độ là 2%.

Hydroquinone có tác dụng tẩy trắng bằng cách làm giảm lượng tế bào hắc tố, giúp da được sáng màu hơn... Tuy nhiên, khi dùng nhiều sản phẩm có hydroquinone và dùng kéo dài thì có nguy cơ bị phản ứng phụ như sạm da, kích ứng da...

Đặc biệt, hydroquinone mà bôi nhiều ở quanh vùng da nhạy cảm như mắt, mũi, miệng nó có thể gây ngứa, đau rát hoặc khô...

Không nên sử dụng hydroquinone cho phụ nữ mang thai, không được dùng liên tục sản phẩm có hydroquinone kéo dài trên 4 tháng. Nhiều chị em dùng mỹ phẩm có hydroquinone giúp trắng sáng mà cứ dùng thoải mái, dùng liên tục, không có giới hạn thì cũng nguy hại...

Một số tác dụng phụ khác khi sử dụng hydroquinone bao gồm khó thở, phát ban, sưng tấy ở mặt, môi, lưỡi hoặc họng. Những triệu chứng này có thể xảy ra nếu hydroquinone không được sử dụng đúng cách, như bôi liên tục, bôi kem lên những chỗ nhạy cảm.

Những người dễ bị dị ứng với ánh sáng mặt trời hoặc mẫn cảm với hoạt chất hydroquinone cũng nên tránh sử dụng... Bôi sản phẩm có chứa chất này ra nắng nhiều có thể gây ung thư da.

BS. Phạm Thị Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, trong các thuốc bôi làm trắng được lựa chọn đầu tiên trong điều trị rám má, hydroquinone được xem là tiêu chuẩn vàng do tác dụng làm trắng vượt trội.

Hydroquinone là một loại thuốc ngăn ngừa các tế bào sắc tố trong da sản xuất melanin và thường được sử dụng để điều trị rám má. Tuy nhiên, hydroquinone có thể gây kích ứng da và chỉ nên được sử dụng trong thời gian ngắn theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát, hạn chế tác dụng phụ của hydroquinone.

Bởi vì có khả năng hấp thụ toàn thân, gây ung thư, ochronosis ngoại sinh, hydroquinone bị cấm sử dụng ở châu Âu trong các sản phẩm mỹ phẩm và ở Mỹ chúng chỉ được phép sử dụng với nồng độ dưới 2%.

Hoạt chất hydroquinone được sử dụng nhiều trong hỗ trợ giảm sạm nám bởi khả năng ức chế sắc tố Melanocyte mạnh mẽ. Nhưng hydroquinone lại tồn tại khá nhiều khuyết điểm gây trở ngại cho quá trình điều trị lâu dài.

Trước hết là những tác dụng phụ liên tiếp trong quá trình sử dụng như nóng rát nhẹ, mỏng đỏ, kích ứng... cho đến tình trạng rối loạn sắc tố da như hiện tượng Ochronosis (da đen sạm) hoặc mất sắc tố pháo hoa sau một thời gian sử dụng với nồng độ cao (từ 4%).

Hydroquinone bị cấm sử dụng ở châu Âu, Úc và Nhật vì nguy cơ gây ung thư da. Tại Mỹ dù được cấp phép nhưng nồng độ trong mỹ phẩm từ 1% trở xuống và chỉ được dùng tối đa trong 4 tháng.

Thúy Nga

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/doi-song/chat-hydroquinone-trong-2-san-pham-duong-da-obagi-nguy-hai-the-nao-2069326.html