Chất lượng GDĐH là điều cả hệ thống giáo dục mong muốn nhưng nó không 'tự đến'
Giáo sư Nguyễn Đức Chính: 'Muốn có chất lượng giáo dục, phải nhận diện được chất lượng, và có các biện pháp để thiết lập, duy trì và phát triển chất lượng'.
Đầu năm 2022 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình "Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022 - 2030" (Quyết định 78/QĐ-TTg).
Trong cuộc trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nhà giáo nhân dân – Giáo sư Nguyễn Đức Chính (nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định, cùng với Luật số 34/2018/QH14 – Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Quyết định 78/QĐ-TTg đã góp phần tạo nên hệ thống hành lang pháp lý khá rõ ràng, chặt chẽ về vấn đề bảo đảm chất lượng giáo dục đại học.
Xác định chu trình bảo đảm chất lượng
Theo Giáo sư Nguyễn Đức Chính, Điều 49, Luật Giáo dục đại học sửa đổi đã làm rõ hơn khái niệm “chất lượng giáo dục đại học”. Cụ thể, khoản 1 và khoản 2, Điều 49 của Luật số 34 đã xác định rõ: “Chất lượng giáo dục đại học được duy trì và phát triển bởi hệ thống bảo đảm chất lượng”, trong đó có “hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong và hệ thống bảo đảm chất lượng bên ngoài thông qua cơ chế kiểm định chất lượng giáo dục đại học”.
“Tôi cho rằng, chất lượng một cơ sở giáo dục không hiện diện như chính bản thân nó, mà chỉ xuất hiện như những điều kiện đảm bảo chất lượng. Người quản lí có nhiệm vụ nhận diện được những điều kiện này và có các biện pháp quản lí (các thủ tục, qui trình đảm bảo chất lượng bên trong), tác động để các điều kiện đó tạo ra chất lượng của dịch vụ mà cơ sở đó cung cấp.
Để đánh giá và duy trì hệ thống bảo đảm chất lượng, sự can thiệp của bên ngoài được chú trọng (Bảo đảm chất lượng bên ngoài) thông qua các hình thức phổ biến như Thanh tra chất lượng (Quality Inspection), Kiểm toán chất lượng (Quality Audit) và Kiểm định chất lượng (Quality Accreditation).
Điều 49 còn qui định “đối tượng của kiểm định chất lượng” là kết quả hoạt động của hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong. Điều này hoàn toàn chính xác, bởi lẽ chất lượng là cái chúng ta mong muốn, nhưng chất lượng không tự đến. Chất lượng chỉ có thể là kết quả của một quá trình nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống cũng như của từng thành viên trong hệ thống, thông qua các chính sách cơ chế, tiêu chuẩn, quy trình, biện pháp nhằm duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục đại học”, Giáo sư Nguyễn Đức Chính khẳng định.
Khoản 1, 2, 3, Điều 50 của Luật số 34 cũng đã qui định trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học trong việc bảo đảm chất lượng, bao gồm: xây dựng và phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong phù hợp với sứ mạng, mục tiêu, và điều kiện thực tế của cơ sở giáo dục, xây dựng các chính sách, kế hoạch đảm bảo chất lượng và tự đánh giá kết quả hoạt động đảm bảo chất lượng, đăng kí kiểm định chất lượng.
Ngoài ra, Điều 50 cũng nêu rõ các cơ sở giáo dục đại học phải làm gì và làm như thế nào để có thể thiết lập, duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục đại học.
Việc đầu tiên là xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, trong đó có khung đảm bảo chất lượng trên cơ sở các bộ chuẩn chất lượng do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, các chính sách, kế hoạch đảm bảo chất lượng. Tiếp theo là tổ chức vận hành hệ thống, thực thi các chính sách, kế hoạch chất lượng, và bước cuối cùng là tự đánh giá hiệu quả của các hoạt động bảo đảm chất lượng và đăng kí kiểm định chất lượng như một biện pháp bảo đảm chất lượng bên ngoài nhằm giúp hoàn thiện hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong và cũng là để công nhận/không công nhận đạt chuẩn, tức là có chất lượng.
Hai là, hoạt động bảo đảm chất lượng được tiến hành theo một chu trình: Bảo đảm chất lượng bên trong – Tự đánh giá - Bảo đảm chất lượng bên ngoài (kiểm định chất lượng) – Cải tiến, hoàn thiện hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, và tiếp tục như vậy.
Bằng cách này chất lượng giáo dục đại học được thiết lập, duy trì, bền vững và liên tục cải tiến sau mỗi kì kiểm định chất lượng.
Bảo đảm chất lượng là khâu then chốt trong quản lý chất lượng
Giáo sư Nguyễn Đức Chính cho biết, Quyết định 78/QĐ-TTg tiếp tục khẳng định bảo đảm chất lượng là điều kiện để cơ sở giáo dục đại học được công nhận có chất lượng, bảo đảm chất lượng bao gồm bảo đảm chất lượng bên trong và bảo đảm chất lượng bên ngoài.
Văn bản này cũng làm rõ hơn cấu trúc hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong. Các cấu phần của hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong có thể được chia thành 4 nhóm gồm: mục tiêu, chính sách, kế hoạch chất lượng; Các qui trình bảo đảm chất lượng trên cơ sở bộ chuẩn chất lượng; Hệ thống thông tin đảm bảo chất lượng; Các nguồn lực khác.
Hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, với một cấu phần quan trọng là khung bảo đảm chất lượng với các thủ tục, qui trình, hướng dẫn công việc trên cơ sở bộ chuẩn chất lượng cùng với các cấu phần khác có chức năng thiết lập và duy trì chất lượng cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo.
Bảo đảm chất lượng bên ngoài bao gồm kiểm định chất lượng, thanh tra chất lượng, giám sát của các bên liên quan… có chức năng tư vấn, giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, giúp hoàn thiện hệ thống, cải tiến cách vận hành hệ thống để nâng cao chất lượng giáo dục, công nhận/không công nhận đạt chuẩn chất lượng.
Mục tiêu cụ thể và các chỉ số phát triển IQA đặt ra tại Quyết định 78 thể hiện một bước tiến và quyết tâm trong việc phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, là một khâu then chốt của bảo đảm chất lượng. Nếu các cơ sở giáo dục trên cả nước tập trung để đạt được chỉ tiêu này chắc chắn sẽ nâng cao được chất lượng của giáo dục đại học.
Đồng thời cần tiếp tục củng cố, phát triển cơ chế bảo đảm chất lượng bên ngoài, đồng bộ với cơ chế bảo đảm chất lượng bên trong, hoạt động hài hòa để không những có thể thiết lập, duy trì chất lượng một cách bền vững, mà còn liên tục cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục đại học.
Quyết định của Chính phủ cũng đánh dấu một mốc quan trọng trong nhận thức về một phương thức quản lí mới đối với hệ thống giáo dục nước nhà: quản lí chất lượng, trong đó bảo đảm chất lượng được xem là khâu then chốt.
Theo Giáo sư Nguyễn Đức Chính, để bảo đảm chất lượng thực sự đi vào thực tiễn, cần tiếp tục thực hiện 5 nhiệm vụ quan trọng.
Thứ nhất, cần cụ thể hóa hơn nữa và thống nhất các cấu phần của hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong.
Thứ hai, cần hướng dẫn hoặc gợi ý các cơ sở giáo dục đại học xây dựng từng cấu phần, trong đó có khung bảo đảm chất lượng trên cơ sở bộ tiêu chuẩn chất lượng.
Thứ ba, qui định mốc thời gian hoàn thiện xong hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong.
Thứ tư, qui định thời gian để các cơ sở kịp vận hành hệ thống, thực thi các chính sách, kế hoạch bảo đảm chất lượng (tránh đánh giá ngay sau khi có bộ chuẩn).
Thứ năm, hoàn thiện cơ chế kiểm định chất lượng cho đồng bộ với hoạt động bảo đảm chất lượng bên trong.
Chất lượng giáo dục đại học là điều cả hệ thống giáo dục mong muốn, là nhân tố quyết định chất lượng nguồn nhân lực trong một xã hội hội nhập sâu rộng như Việt Nam. Nhưng chất lượng không “tự đến”, mà là kết quả của quá trình phấn đấu không ngừng của cả hệ thống cũng như của từng thành viên trong hệ thống.
Điều quan trọng là hiện tại các cơ sở giáo dục đã nhận diện được những việc cần làm để thiết lập, duy trì và nâng cao chất lượng.
Nhiệm vụ của quản lí nhà nước là hướng dẫn cụ thể, chi tiết, hỗ trợ kiên trì để các cơ sở giáo dục đại học, các thành viên trong các cơ sở đó hoàn thiện hệ thống rồi vận hành hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong nhằm thiết lập và duy trì chất lượng của cơ sở mình. Tiếp đến là tổ chức để các cơ sở tự đánh giá và đăng kí đánh giá ngoài, kiểm định chất lượng để cải tiến hệ thống, cách vận hành hệ thống để nâng cao chất lượng.