Chất lượng không khí Hà Nội ô nhiễm mức rất xấu

Theo IQAir, sáng 11/02 chỉ số ô nhiễm không khí tại nhiều quận, huyện của Hà Nội AQI trên 200, màu tím- mức rất xấu, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Chất lượng không khí của Hà Nội ô nhiễm trở lại

Theo ba trạm đo do Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường- VN Air) ghi nhận, tại trạm 556 đường Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên chỉ số AQI 176 mức xấu; tại trạm đo ĐHBK cổng Parabol đường Giải Phóng, quận Hai Bà Trưng, chỉ số AQI 157 mức xấu; tại trạm đo Công viên Nhân Chính - Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân: chỉ số AQI 152 mức xấu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo trang IQAir, chỉ số ô nhiễm không khí ghi nhận cao nhất tại khu vực quận Tây Hồ là 260 AQI- màu tím, mức rất xấu; quận Bắc Từ Liêm là 205 AQI- màu tím, mức rất xấu; quận Nam Từ Liêm là 192 AQI- màu đỏ, mức xấu; quận Cầu Giấy: 208 AQI- màu tím, mức rất xấu; quận Long Biên là 216 AQI- màu tím, mức rất xấu; quận Hoàn Kiếm là 207 AQI- màu tím, mức rất xấu; quận Hai Bà Trưng là 203 AQI- màu tím, mức rất xấu; quận Ba Đình 203 AQI- màu tím, mức rất xấu; quận Đống Đa là 198 AQI- màu đỏ, mức xấu; Thanh Xuân là 151 AQI- màu đỏ, mức xấu; quận Hà Đông là 163 AQI màu đỏ, mức xấu; huyện Hoài Đức là 173- màu đỏ, mức xấu; huyện Gia Lâm là 237 AQI- màu tím, mức rất xấu...

Chất lượng không khí của đã Hà Nội ô nhiễm trở lại, đa phần các quận, huyện ở màu tím - mức rất xấu, tương đương với cảnh báo mọi người bị ảnh hưởng sức khỏe.

Người chết do ô nhiễm không khí nhiều hơn tai nạn giao thông, COVID-19

Theo Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP), có đến 9 trong số 10 người đang hít thở không khí có chứa mức độ ô nhiễm vượt quá giới hạn cho phép của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo.

UNEP cho biết, hằng năm trên thế giới có khoảng 7 triệu người tử vong do các bệnh lý, nhiễm trùng liên quan đến ô nhiễm không khí. Đáng lưu ý, số người tử vong do ô nhiễm không khí cao gấp năm lần số người tử vong do tai nạn giao thông, và nhiều hơn số người tử vong chính thức do COVID-19.

Ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu cũng liên quan chặt chẽ đến nhau vì các chất gây ô nhiễm tồn tại trong thời gian ngắn như: metan, carbon đen và ozone mặt đất…

UNEP cho hay, có năm chất gây ô nhiễm nguy hiểm nhất trong môi trường không khí đó là: bụi mịn PM2.5, ozone mặt đất, nitơ dioxide, carbon đen, metan.

Được biết, các hạt bụi mịn PM2.5 được sinh ra từ việc đốt nhiên liệu không sạch để nấu ăn hoặc sưởi ấm, đốt chất thải - phụ phẩm nông nghiệp, các hoạt động công nghiệp và giao thông vận tải... Khi các hạt PM2.5 xâm nhập sâu vào máu, phổi sẽ làm tăng nguy cơ tử vong cho bệnh tim, phổi, đột quỵ, ung thư.

Bên cạnh đó, việc tiếp xúc với ozone mặt đất gây ra ước tính 472.000 người tử vong sớm mỗi năm trên thế giới.

Nghiên cứu của GS.TS Nguyễn Văn Phước (Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật TP.HCM) cùng các cộng sự đã công bố với nhiều con số đáng chú ý.

Theo đó, tại TP.HCM năm 2017, trong tổng 1.397 ca tử vong, số người tử vong do bệnh tim và phổi là cao nhất (841 người, chiếm 60,20%), đứng thứ hai là bệnh tim thiếu máu cục bộ (483 người, chiếm 34,57%) và cuối cùng là ung thư phổi (73 người, chiếm 5,23%).

Cũng theo nghiên cứu chỉ ra rằng, có ảnh hưởng nhiều nhất tới sức khỏe là bụi mịn PM2.5, đây là nguyên nhân tử vong của 1.137 người (81,32%), sau đó đến NO2 (171 người, chiếm 12,31%) và cuối cùng là SO2 (88 người, chiếm 6,37%).

Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây tử vong khoảng 13,46% số ca tử vong tại TP.HCM.

Theo WHO, hơn 60.000 người tử vong năm 2016 do bệnh tim, đột quỵ, ung thư phổi, phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phổi ở Việt Nam đều có liên quan tới ô nhiễm không khí.

Người dân cần hạn chế tối đa hoạt động ngoài trời. Nếu cần thiết phải ra ngoài, người dân cần đeo khẩu trang đạt tiêu chuẩn.

Nên bố trí thời điểm ít bị ô nhiễm trong ngày, tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao. Nhóm người nhạy cảm được khuyến cáo nên ở trong nhà và giảm hoạt động mạnh.

Khi xuất hiện các triệu chứng cấp tính như khó thở, ho, sốt cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ với chính quyền địa phương (ngày 8/1/2025), Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết năm 2025 Chính phủ sẽ xây dựng, triển khai đề ắn khắc phục ô nhiễm không khí ở các đô thị.

Trong khi đó, cuối năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho hay, trong khoảng 10 năm trở lại đây tình trạng ô nhiễm không khí đã gia tăng ở mức đáng lo ngại ở một số đô thị như Hà Nội, TP.HCM.

Bích Ngọc

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/chat-luong-khong-khi-ha-noi-o-nhiem-muc-rat-xau-96552.html