Đau bụng, đầy hơi… cảnh giác với viêm túi thừa manh tràng

Đau bụng, đầy hơi là biểu hiện thường gặp của nhiều người, tuy nhiên đây cũng có thể là dấu hiệu của viêm túi thừa manh tràng và dễ nhầm với viêm ruột thừa cấp.

Nguyên nhân chính xác tại sao viêm túi thừa xảy ra vẫn chưa được biết. Nhưng phần lớn các chuyên gia y tế cho rằng do một nguyên nhân nào đó làm tổn thương lớp niêm mạc của lòng túi thừa, từ đó các vi khuẩn xâm nhập và gây viêm túi thừa.

Thông thường trong lòng ruột ở người sẽ phẳng nhẵn. Túi thừa là những cấu trúc dạng bóng, có thể nhô ra bất cứ nơi nào trong đường tiêu hóa, nhưng thường thấy nhất ở đại tràng. Túi thừa phát triển hơn xảy ra khi niêm mạc (lớp lót) của đường tiêu hóa yếu đi và hình thành một hoặc nhiều cấu trúc giống như túi dưới lớp cơ của thành ruột.

Túi thừa khá phổ biến, xảy ra ở 10% số người trên 40 tuổi, 50% số người trên 60 tuổi, 65% ở những người trên 80 tuổi. Viêm túi thừa xảy ra ở khoảng 4% những người có túi thừa. Khi túi thừa bị nhiễm trùng hoặc viêm có thể gây ra các triệu chứng khó chịu, trong một số trường hợp sẽ gây biến chứng nghiêm trọng.

Có một số yếu tố nguy cơ khác gây viêm túi thừa manh tràng cụ thể như:

Ăn ít chất xơ: Bệnh viêm túi thừa phổ biến ở các nước phát triển, chẳng hạn như Mỹ, nơi mà chế độ ăn uống giàu carbohydrate tinh chế và ít chất xơ.
Vận động thể lực: Ít vận động thể lực có liên quan đến nguy cơ hình thành túi thừa. Những lý do dẫn đến tình trạng này vẫn chưa được hiểu rõ.
Béo phì, hút thuốc lá: Làm tăng nguy cơ viêm túi thừa và chảy máu túi thừa.

Để ngăn ngừa bệnh viêm túi thừa manh tràng cần thay đổi về lối sống và chế độ ăn uống.

Để ngăn ngừa bệnh viêm túi thừa manh tràng cần thay đổi về lối sống và chế độ ăn uống.

Biểu hiện viêm túi thừa manh tràng

Viêm túi thừa có thể gây ra các triệu chứng từ nhẹ đến nặng. Chúng có thể xuất hiện đột ngột hoặc phát triển dần dần trong nhiều ngày. Các triệu chứng của viêm túi thừa có thể bao gồm: Đau bụng, đầy hơi, sốt cao, rét run, buồn nôn và nôn, tiêu chảy. Đau bụng là triệu chứng phổ biến nhất, thường gặp ở vùng bụng hố chậu phải (viêm túi thừa manh tràng) rất dễ nhầm lẫn với viêm ruột thừa.

Để chẩn đoán ngoài khám lâm sàng các bác sĩ còn chỉ định làm xét nghiệm máu để kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng. Siêu âm, CT scan ổ bụng, chụp XQ ổ bụng, nội soi đại tràng cho hình ảnh tình trạng túi thừa sẽ giúp chẩn đoán chính xác. Tuy nhiên, phương pháp này không được áp dụng trong các trường hợp cấp.

Nếu không được điều trị thì viêm túi thừa manh tràng có thể dẫn đến các biến chứng. Có khoảng 15 - 20% các trường hợp viêm túi thừa có thể gặp các biến chứng nặng nề sau:

Chảy máu đường tiêu hóa.
Tắc ruột.
Thủng đường tiêu hóa, có thể gây viêm phúc mạc.
Áp xe túi thừa.
Rò túi thừa.

Các trường này cần điều trị phẫu thuật cấp cứu can thiệp.

Điều trị và phòng ngừa viêm túi thừa manh tràng

Phần lớn trường hợp viêm túi thừa được điều trị nội khoa, bao gồm: Kháng sinh (Metronidazol, amoxicilin, moxifloxacin), giảm đau (Acetaminophen), không sử dụng các thuốc giảm đau nhóm NSAID (Aspirin, ibuprofen), nhuận tràng, chế độ đồ ăn lỏng, uống nhiều nước.

Phẫu thuật điều trị viêm túi thừa được thực hiện khi điều trị nội khoa thất bại, viêm túi thừa có biến chứng (rò, thủng, áp xe túi thừa). Phẫu thuật có thể là cắt đoạn ruột có túi thừa, nối đoạn ruột lành lại với nhau; hoặc cắt bỏ đoạn ruột và làm hậu môn nhân tạo.

Để ngăn ngừa bệnh viêm túi thừa manh tràng cần thay đổi về lối sống và chế độ ăn uống, bao gồm : Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức vừa phải; Ăn chế độ ăn nhiều chất xơ để giúp làm mềm phân, ăn ít chất béo động vật; Tập thể dục thường xuyên; Bỏ thuốc lá , hạn chế rượu.

BS Nguyễn Văn Long

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dau-bung-day-hoi-canh-giac-voi-viem-tui-thua-manh-trang-169250210195631301.htm