Chất lượng không khí Thủ đô có xu hướng giảm

Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, chất lượng không khí trên địa bàn Thủ đô trong tuần (từ ngày 8/9 đến ngày 14/9) có xu hướng giảm xuống so với tuần trước đó. Tại các trạm quan trắc, chỉ số chất lượng không khí dao động từ 37 – 129, trong đó, số ngày có chỉ số chất lượng không khí ở mức tốt giảm mạnh.

Cụ thể, tại các trạm quan trắc không khí nền đô thị như Trung Yên 3, Kim Liên, Tân Mai, Mỹ Đình và Tây Mỗ, trong tuần tuy vẫn có những ngày chỉ số chất lượng không khí đạt mức tốt nhưng đã giảm nhiều so với tuần trước.

Đối với các trạm quan trắc nội đô như Hàng Đậu, Hoàn Kiếm và Thành Công, chỉ số chất lượng không khí chủ yếu ở mức trung bình.

Chất lượng không khí Thủ đô trong tuần qua có xu hướng giảm

Chất lượng không khí Thủ đô trong tuần qua có xu hướng giảm

Tại 2 điểm quan trắc chất lượng không khí giao thông tại Ủy ban nhân dân phường Minh Khai và Phạm Văn Đồng, là 2 khu vực chịu nhiều tác động từ các phương tiện giao thông.

Trong tuần này, 2 trạm có xu hướng tương tự nhau, trạm Minh Khai và trạm Phạm Văn Đồng đã không còn ngày nào có chỉ số chất lượng không khí đạt mức tốt. Chỉ số chất lượng không khí cao nhất tại 2 trạm Minh Khai và Phạm Văn Đồng lần lượt là 129 và 117.

Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, có thể thấy, điều kiện thời tiết trong tuần có sự chênh lệch rõ rệt giữa đầu tuần và cuối tuần đã ảnh hưởng đến chất lượng không khí.

Theo đó, vào đầu tuần xuất hiện rải rác những cơn mưa, khi hậu mát mẻ, điều khí tượng thuận lợi, nền nhiệt ngày và đêm không có sự chênh lệch đáng kể, sáng sớm không còn xuất hiện sương mù nên chỉ số chất lượng không khí có xu hướng giảm mạnh so với tuần trước.

Tuy nhiên, đến cuối tuần bắt đầu nắng to, trời oi bức, có sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn khiến chỉ số chất lượng không khí tăng cao.

Để góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội khuyến cáo người dân cần hạn chế đốt rác, giảm thiểu đun nấu bằng than tổ ong. Rác cần được thu gom và xử lý theo quy định, người dân không tự ý đốt rác thải tại nơi mình sinh sống.

Cạnh đó, người dân nên tham gia các phương tiện công cộng như xe bus, xe điện, hạn chế sử dụng các phương tiện cá nhân và nên sử dụng các nhiên liệu sạch trong giao thông… để hạn chế phát thải chất gây ô nhiễm ra môi trường.

Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội khuyến cáo, với điều kiện chất lượng không khí ở mức trung bình, nhóm nhạy cảm (trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp) nên hạn chế thời gian ở ngoài. Trong điều kiện chất lượng không khí ở mức kém, nhóm nhạy cảm cần hạn chế thời gian ở ngoài.

Mạnh Quân

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/chat-luong-khong-khi-thu-do-co-xu-huong-giam-96415.html