Chất lượng nguồn nhân lực: Động lực phát triển bền vững

Xác định nguồn lực con người là yếu tố quan trọng, tạo động lực cho sự bứt phá đi lên của địa phương, Quảng Bình đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển nguồn nhân lực (NNL) và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025. Nhiều chủ trương, quyết sách, chương trình hành động về đào tạo, phát triển NNL đã được các cấp, ngành, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề (ĐTN) trên địa bàn tỉnh nỗ lực triển khai hiệu quả thông qua Kế hoạch số 463/KH-UBND của UBND tỉnh (Kế hoạch 463) về thực hiện Chương trình hành động số 04-CTr/TU, ngày 9/12/2020 (Chương trình hành động số 04) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển NNL và nâng cao chất lượng công tác cán bộ. Năm 2023, UBND tỉnh phân bổ 1,7 tỷ đồng cho các trường đại học, CĐ, TC trên địa bàn để thực hiện đổi mới xây dựng chương trình, giáo trình và chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, quản lý, đánh giá chất lượng giáo dục. Cụ thể, phân bổ cho Trường đại học Quảng Bình 500 triệu đồng, Trường CĐ kỹ thuật Công-Nông nghiệp Quảng Bình 500 triệu đồng, Trường CĐ Nghề Quảng Bình 500 triệu đồng, Trường CĐ Y tế Quảng Bình 200 triệu đồng.

Rút ngắn mục tiêu

Chương trình hành động số 04 đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 70% lao động (LĐ) qua đào tạo, 75-80% LĐ đã qua đào tạo làm việc trong các lĩnh vực du lịch, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tuyển sinh, đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp (TC), cao đẳng (CĐ) cho 60.000 người, 75-80% học sinh, sinh viên (HS, SV) tốt nghiệp CĐ, TC (tại các trường trên địa bàn) có việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo; đưa từ 17.000-18.000 LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó, LĐ qua ĐTN chiếm 60%…

Để cụ thể hóa chủ trương, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 463, trong đó xác định mục tiêu chung là xây dựng và phát triển NNL đáp ứng cả về số lượng và chất lượng, bảo đảm đội ngũ nhân lực phát triển toàn diện, có kỹ năng lao động, làm việc trong môi trường hội nhập, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của tỉnh.

Kế hoạch cũng xác định các nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai thực hiện, gồm: Công tác chỉ đạo, điều hành; nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của NNL với sự phát triển KT-XH; đổi mới công tác quản lý nhà nước về NNL và đào tạo NNL; chất lượng giáo dục, đào tạo NNL; phát huy tiềm lực của đội ngũ doanh nhân; huy động các nguồn lực đầu tư phát triển NNL…

Các cơ sở GDNN luôn chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo.

Các cơ sở GDNN luôn chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo.

Trên cơ sở đó, toàn hệ thống chính trị đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Đối chiếu với mục tiêu được đặt ra tại Chương trình hành động số 04, có thể thấy, chặng đường phát triển NNL của tỉnh đang ở giai đoạn “nước rút” với nhiều chỉ tiêu đạt kế hoạch đề ra và tiệm cận hoặc vượt với mục tiêu chung của cả nhiệm kỳ.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phát triển NNL tỉnh, năm 2023, toàn tỉnh có 68,9% LĐ qua đào tạo (đạt 100,3% so với kế hoạch), trong đó, 29,6% LĐ có bằng cấp, chứng chỉ (đạt 100,34%); các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh tuyển sinh, đào tạo trình độ sơ cấp, TC, CĐ cho 18.006/17.000 người (đạt 105,92%), 84% HS, SV tốt nghiệp CĐ, TC (tại các trường trên địa bàn) có việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo; đưa 6.042 LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, trong đó LĐ qua ĐTN chiếm trên 70%...

Những con số này thực sự là “quả ngọt” cho một hành trình dài đầy nỗ lực, cố gắng, là minh chứng cho những bước đi hiệu quả trong việc cụ thể hóa Kế hoạch 463 của các cấp, ngành, đơn vị, cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh.

Hành trình nỗ lực

Ngay sau khi Kế hoạch 463 được ban hành, HĐND, UBND tỉnh đã bố trí nguồn lực triển khai; các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện. Các chỉ tiêu về LĐ qua đào tạo được đưa vào nghị quyết, kế hoạch phát triển KT-XH cả giai đoạn và hàng năm của các địa phương.

Hầu hết các hoạt động của kế hoạch đều được các đơn vị cấp tỉnh, huyện tích cực triển khai với nhiều cách làm mới, bảo đảm chất lượng và hiệu quả, tạo nhiều chuyển biến tích cực trong công tác đào tạo, phát triển NNL. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, NNL của tỉnh ngày càng phát triển cả về lượng và chất. Số lượng tuyển sinh học nghề năm sau cao hơn năm trước, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Tỷ lệ HS, SV có việc làm đạt 84%.

Để nâng cao chất lượng đào tạo NNL, tỉnh đã huy động các nguồn lực, hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở đào tạo để thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, quản lý, đánh giá toàn diện. Đến nay, các trường đã hoàn thành xây dựng chương trình, giáo trình và các thủ tục đầu tư mua sắm, xây dựng phần mềm quản lý đào tạo.

Hiệu trưởng Trường CĐ kỹ thuật Công-Nông nghiệp Quảng Bình Đào Hoài Linh cho biết, đơn vị hiện đã hoàn thành đầu tư các phần mềm quản lý, bao gồm: Bổ sung hiệu chỉnh tính năng quản lý đào tạo TC, CĐ; bổ sung mô đun quản lý tuyển sinh điện tử vào phần mềm đào tạo; phần mềm quản lý đào tạo lái xe ô tô; phần mềm cấp phát vật tư, vật liệu thực hành của các khoa; quản lý thu phí qua ngân hàng…

Trước đòi hỏi ngày càng cao của thực tế, các cơ sở GDNN luôn chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo; chuyển đổi phương thức đào tạo linh hoạt theo nhu cầu người học, thị trường LĐ và điều kiện thực tế. Các mô hình hỗ trợ ĐTN gắn với doanh nghiệp, làng nghề, hợp tác xã theo hình thức liên kết giữa ĐTN với giải quyết việc làm, ĐTN với cung cấp nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm đã mang lại hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững...

Nhờ đó, số lượng tuyển sinh và chất lượng đào tạo của hệ thống GDNN có bước chuyển mình quan trọng, dần đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Công tác phát triển NNL giai đoạn 2020-2025 của tỉnh đã đi được gần 2/3 chặng đường. Những chủ trương, quyết sách đúng đắn, kịp thời đã được đưa ra và cụ thể hóa trong thực tiễn, tạo nên bước chuyển quan trọng trong việc nâng cao chất lượng NNL, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường LĐ.

Tuy nhiên, càng gần đích đến, khó khăn, thách thức ngày càng lộ diện, đòi hỏi những “người trong cuộc” phải thẳng thắn nhìn nhận để có thể vượt qua các “chướng ngại vật”, đưa lộ trình “cán đích” thành công. Để làm được điều đó, cần nhận diện đúng những khó khăn, thách thức phải đương đầu.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình phát triển NNL do UBND tỉnh tổ chức vào đầu tháng 5/2024, đại diện lãnh đạo sở, ngành, các trường đại học, CĐ, TC, trung tâm GDNN-giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh đã cùng nhau thảo luận, thẳng thắn chỉ rõ những lực cản trên lộ trình phát triển NNL tỉnh.

Đó là những khó khăn trong công tác tuyển sinh, thu hút HS, người LĐ vào học tại hệ thống GDNN và Trường đại học Quảng Bình; khó khăn của DN do không tuyển được LĐ có tay nghề, nhất là LĐ có tay nghề cao trong các lĩnh vực du lịch, kỹ thuật, xây dựng. Tỷ lệ phân luồng HS sau khi tốt nghiệp THCS, THPT chưa đạt mục tiêu đề ra. Công tác tư vấn, định hướng cho HS THCS, THPT chưa thực sự hiệu quả. Một số cơ sở GDNN gặp khó khăn trong việc đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo. Hoạt động dự báo nhu cầu nhân lực, gắn kết đào tạo với thị trường LĐ hiệu quả chưa cao...

Sau khi nghe đại diện các địa phương, đơn vị, cơ sở GDNN “hiến kế”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Tân khẳng định, để “gỡ khó” cho công tác đào tạo, phát triển NNL cần tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả các nội dung của Kế hoạch 463. Trước mắt, cần tập trung làm tốt công tác phân luồng HS; đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển NNL; tăng cường công tác truyền thông, xây dựng hệ sinh thái truyền thông phong phú, đa dạng, có sự vào cuộc của các cấp, ngành; đồng thời tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở GDNN; tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương; lồng ghép bố trí nguồn lực để hỗ trợ người LĐ sau đào tạo, đẩy mạnh liên kết với nước ngoài trong ĐTN…

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/xa-hoi/202407/chat-luong-nguon-nhan-luc-dong-luc-phat-trien-ben-vung-2219874/