Chất lượng sản phẩm hàng hóa nhìn từ chính sách - Bài 1: Tạo sức cạnh tranh của doanh nghiệp

Chất lượng sản phẩm hàng hóa được coi là chìa khóa tạo sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Người dân mua sắm tại Co.opmart Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Người dân mua sắm tại Co.opmart Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Quản lý tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm hàng hóa trong quá trình sản xuất, lưu thông, cung ứng là nhiệm vụ quan trọng của ngành chức năng và doanh nghiệp nhằm ổn định thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý những sai phạm, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Qua hơn 15 năm triển khai Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, quá trình đưa Luật vào thực tiễn cũng xuất hiện nhiều bất cập và vướng mắc từ hệ thống pháp luật, chưa đáp ứng được nhu cầu thay đổi và hội nhập quốc tế trong thời kỳ tự do hóa thương mại và thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Từ thực tế cho thấy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là cần thiết. Phóng viên TTXVN thực hiện hai bài viết chủ đề: "Chất lượng sản phẩm hàng hóa nhìn từ chính sách" nhằm đưa ra cách nhìn đa chiều về một dự án Luật có nhiều ảnh hưởng đến kinh tế-xã hội của đất nước ta trong tình hình mới.

Bài 1: Tạo sức cạnh tranh của doanh nghiệp

Hiện nay, sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường được các ngành chức năng quản lý chặt chẽ về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng thông qua Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa cùng nhiều văn bản pháp luật liên quan. Từ đó, tạo thuận lợi cho nhà quản lý trong việc ngăn chặn những sai sót do hàng hóa không bảo đảm chất lượng gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng quyền lợi, uy tín của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; đồng thời, tạo đòn bẩy cho doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh nhờ môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. Quan trọng hơn là quyền lợi của người tiêu dùng ngày càng được đảm bảo.

Từ thực tiễn...

Hiện nay, Việt Nam đang tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, mở ra những cơ hội cũng như thách thức cho các doanh nghiệp. Khó khăn chung của các doanh nghiệp là việc đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường. Nhiều doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình quản trị, tiết giảm chi phí; quản lý chặt nguyên vật liệu đầu ra, đầu vào nhằm đưa chất lượng sản phẩm hàng hóa Việt Nam đạt được các quy định về tiêu chuẩn đo lường chất lượng của khu vực và thế giới.

Theo bà Lê Thị Chuyên, Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư và phát triển Đông Dương xanh, đây là khó khăn chung cho tất cả các công ty. Để vượt qua trở ngại này, góp phần tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, Công ty Đông Dương xanh đã tăng cường ứng dụng, đổi mới công nghệ, thay đổi phương thức quản trị, tiết giảm chi phí cho các sản phẩm; từ đó khách hàng tin tưởng hơn với sản phẩm đóng gói và phụ trợ công nghiệp.

Trong khi đó, với việc đổi mới công nghệ để đáp ứng yêu cầu khắt khe của khách hàng trong nước cũng như thế giới, ngày càng nhiều nông sản Việt tiếp cận được với thị trường nước ngoài. Tại vùng vải thiều Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, vải thiều đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGap, GlobalGap đều được dán tem QR. Người mua nông sản có thể dùng ứng dụng trên điện thoại để quét mã QR kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng sản phẩm.

Nông dân Phạm Văn Thành (xã Thúy Lâm, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) cho biết: “Dùng mã QR truy xuất nguồn gốc này với sản phẩm vải Thanh Hà giúp chúng tôi đảm bảo được thương hiệu, nâng uy tín chất lượng trên thị trường; tránh được tình trạng hàng nhái thương hiệu vải Thanh Hà”.

Còn theo nông dân Đặng Văn Hùng cùng vùng vải thiều Thúy Lâm, Thanh Hà, việc sử dụng công cụ truy xuất nguồn gốc bằng mã QR giúp khách hàng nắm rõ thông tin về chất lượng, quy trình sản xuất; chất lượng nông sản, từ đó, tin tưởng và tiếp tục mua hàng lâu dài. “Thao tác sử dụng mã QR cũng không quá khó, chỉ bằng chiếc điện thoại thông minh kết nối với mạng internet là người tiêu dùng biết hết thông tin về sản phẩm. Chúng tôi cũng vui mừng khi khách hàng biết rõ chất lượng sản phẩm vải thiều Thanh Hà chính hiệu”, ông Hùng nói.

Tuy nhiên, theo các nhà quản lý chính sách, điểm bất cập hiện nay là Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa hiện hành chưa cập nhật một số nội dung về giải pháp, công nghệ mới đã và đang được các doanh nghiệp sử dụng cũng như người tiêu dùng đón nhận. Điều này gây khó khăn cho việc tạo hành lang pháp lý trong kiểm soát chất lượng sản phẩm hàng hóa cũng như việc xây dựng chế tài cho những hành vi vi phạm trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa cần được sửa đổi bổ sung theo hướng toàn diện, sâu rộng trong thời gian tới.

... đến yêu cầu thống nhất, đồng bộ từ chính sách

Sản xuất tơ sợi cho ngành dệt may tại huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Sản xuất tơ sợi cho ngành dệt may tại huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa được Quốc hội thông qua năm 2007 là dấu mốc quan trọng, giúp thay đổi toàn bộ cấu trúc của hệ thống các văn bản pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa của nước ta, chuyển từ hệ thống các văn bản pháp luật đơn hành, với quy định còn thiếu tính thống nhất và đồng bộ thành một đạo luật chuyên ngành thống nhất, làm nền tảng pháp lý cơ bản để điều chỉnh các vấn đề có liên quan đến quản lý và thực thi quy định về chất lượng sản phẩm, hàng hóa của nước ta.

Qua hơn 15 năm thực hiện các quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, hệ thống các văn bản hướng dẫn Luật đã được hoàn thiện, góp phần thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển hoạt động chất lượng, quản lý nhà nước về chất lượng phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế; góp phần bảo đảm quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trước nhà nước và người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm và hàng hóa của mình.

Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành 57 Nghị định, 3 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; ban hành theo thẩm quyền của các bộ, ngành 201 Thông tư, 4 Quyết định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; phối hợp ban hành 7 Thông tư liên tịch có liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Công tác quản lý, phối hợp thanh tra, kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa giữa các bộ quản lý ngành, lĩnh vực cũng được triển khai chặt chẽ, bài bản; kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn các hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng lậu; có sự thông tin kịp thời về chất lượng sản phẩm, hàng hóa giữa các cơ quan quản lý nhằm thực hiện tốt công tác phối hợp, góp phần đảm bảo và nâng cao chất lượng hàng hóa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên cả nước.

Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa đã giúp Việt Nam từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế thông qua việc ban hành các tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức thẩm định hơn 900 dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Các bộ quản lý chuyên ngành đã ban hành và đăng ký tại Bộ Khoa học và Công nghệ gần 800 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, trong đó có gần 300 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm, hàng hóa nhóm 2. Các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này đã trở thành công cụ và phương tiện quan trọng để duy trì các chuẩn mực trong các quan hệ kinh tế, hỗ trợ quản lý nhà nước, đảm bảo an toàn, vệ sinh, sức khỏe cho con người; bảo vệ động vật, thực vật và môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và xã hội. Ngoài ra, đối với tiêu chuẩn quốc gia, hiện nay, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hiện hành có hơn 13.500 tiêu chuẩn quốc gia với tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt khoảng 62%.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế với các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hệ thống các văn bản pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa mà trọng tâm là Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa cũng cần được đánh giá một cách toàn diện để không chỉ đáp ứng các nghĩa vụ trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia mà còn phù hợp với lộ trình hội nhập trong thời gian tới.

Bài cuối: Chuyển mình để thích ứng

Thu Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/chat-luong-san-pham-hang-hoa-nhin-tu-chinh-sach-bai-1-tao-suc-canh-tranh-cua-doanh-nghiep-20240624205100261.htm