Chất lượng tài sản ngành Ngân hàng dần cải thiện
Giai đoạn xấu nhất của nền kinh tế đã đi qua, tỷ lệ nợ xấu cũng có dấu hiệu chững lại, không tăng thêm, chất lượng tài sản các ngân hàng vì thế được cải thiện.
Nợ xấu đã qua giai đoạn khó khăn nhất
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), nợ xấu và nợ tiềm ẩn rủi ro có dấu hiệu cải thiện từ cuối quý III/2024. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng hệ thống ngân hàng đi ngang đạt 2,2% trong 3 quý liên tiếp. Tỷ lệ nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) liên tục giảm còn 1,7%. Tỷ lệ nợ gốc tái cơ cấu theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước tương đối thấp, ước tính dưới mức 0,5%.
Tỷ lệ nợ ngoại bảng VAMC của các ngân hàng niêm yết ở mức 0,2%. Các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi bão số 3 ghi nhận khoảng 192.000 tỷ đồng, chiếm hơn 1% dư nợ toàn hệ thống. Theo đánh giá của VCBS, nợ xấu đã đạt đỉnh và dự kiến đi ngang trong quý IV/2024. Cơ sở của đánh giá này dựa trên yếu tố mùa vụ, khi dư nợ tín dụng tăng đột biến vào tháng cuối năm, chưa phát sinh nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu mới hình thành trong quý IV thường thấp.
Ngoài ra, các ngân hàng thường đẩy mạnh trích lập xóa nợ xấu trong những tháng cuối năm. Ngày 4/12 Chính phủ ban hành Quyết định số 1510/QĐ-TTg cho phép giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với cho khách hàng chịu thiệt hại do bão số 3 giúp giảm mức độ gia tăng nợ xấu và áp lực trích lập cho các ngân hàng. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư số 53/2024/TT-NHNN hướng dẫn việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Trong khi đó, VCBS ước tính tỷ lệ nợ tái cơ cấu chuyển thành nợ xấu sau khi Thông tư số 02/2023/TT-NHNN hết hiệu lực vào ngày 31/12/2024 sẽ ở mức thấp. Dự báo, tỷ lệ nợ xấu kỳ vọng giảm dần trong năm 2025 nhờ tỷ lệ nợ xấu tiềm tàng (nợ nhóm 2, nợ tái cơ cấu) hạ thấp dần giúp giảm áp lực chuyển nhóm nợ trong thời gian tới.
Thêm vào đó, kỳ vọng các khoản nợ tái cơ cấu trong giai đoạn thử thách ở nhóm 2 và nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) sẽ chuyển về nhóm nợ thông thường từ quý II/2025, khi dòng tiền và hoạt động kinh doanh của khách hàng phục hồi.
Áp lực gia tăng chi phí tín dụng và bộ đệm dự phòng
Bộ đệm dự phòng của toàn ngành Ngân hàng tiếp tục thu hẹp trong năm 2024 với tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLCR) trung bình toàn Ngành giảm về mức thấp nhất trong 5 năm qua.
Theo quy định, các doanh nghiệp sẽ phải trích lập dự phòng 100% cho nợ tái cơ cấu vào ngày 31/12/2024. Bộ đệm dự phòng mỏng làm hạn chế khả năng xử lý nợ và gia tăng áp lực trích lập, đặc biệt ở những ngân hàng có tệp khách hàng rủi ro cao và có tỷ lệ nợ tái cơ cấu trên tổng dư nợ cao.
Các ngân hàng có tệp khách hàng đa dạng, có bộ đệm dự phòng vững chắc, tỷ trọng cho vay bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp trong tổng dư nợ tín dụng ở mức vừa phải, do đó, sẽ có khả năng kiểm soát tốt chi phí tín dụng.
Tỷ lệ phải thu trên tổng dư nợ giảm dần từ mức đỉnh 5% trong quý IV/2022 do giảm sử dụng trích lập xóa nợ xấu và nợ tái cơ cấu theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN được đưa ra theo dõi ngoại bảng. Dự kiến, tỷ lệ Phải thu duy trì ổn định quanh mức 3,5 - 4% trong các quý sắp tới.
Hoạt động thu hồi nợ xấu thuận lợi hơn khi thanh khoản và mặt bằng giá của các tài sản bào đảm chính là bất động sản tăng lên. Trong quý III/2024, một số khoản nợ quy mô lớn được thu hồi thành công giúp tỷ lệ phải thu giảm đột biến. Kỳ vọng quá trình xử lý nợ dễ dàng hơn khi nền kinh tế và thị trường bất động sản tiếp tục ấm lên.
Trong khi đó, các ngân hàng vẫn đang chờ đợi văn bản hướng dẫn mới để lấp khoảng trống pháp lý cho việc xử lý nợ xấu sau khi Nghị quyết số 42/2020/NQ-CP hết hạn vào cuối năm 2023.
Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/chat-luong-tai-san-nganh-ngan-hang-dan-cai-thien.html