Chất lượng tài sản tốt, TPBank tiếp tục được Moody's đánh giá 'tích cực'
Báo cáo tài chính TPBank ghi nhận sự cải thiện bền vững của nhà băng với chất lượng tài sản và khả năng sinh lời ổn định. Nhờ đó, ngày 29/8, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm B1, triển vọng tích cực cho TPBank.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s Investors Service (Moody’s) vừa qua đã giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm B1, "triển vọng tích cực" cho Ngân hàng TMCP Tiên Phong - TPBank (HoSE: TPB).
Cụ thể, tổ chức này giữ nguyên xếp hạng rủi ro đối tác của TPBank ở mức Ba3 - mức cao nhất trong bảng xếp hạng của đơn vị này với hệ thống ngân hàng tại Việt Nam; xếp hạng tín dụng cơ sở, tiền gửi dài hạn và nhà phát hành dài hạn ở mức B1.
Theo Moody’s, mức xếp hạng tín nhiệm tích cực này phản ánh sự cải thiện bền vững về vị thế vốn của TPBank với chất lượng tài sản và khả năng sinh lời ổn định.
Ngoài ra, hãng xếp hạng cũng có những đánh giá tích cực về chất lượng tín dụng của ngân hàng như chất lượng tài sản mạnh mẽ và bảo hiểm tổn thất khoản vay phù hợp, mức độ thanh khoản cao cũng như kỳ vọng chất lượng tài sản của ngân hàng sẽ cải thiện tốt hơn nữa trong thời gian tới.
Đại diện Moody's cho biết, tổ chức kỳ vọng NIM sẽ cải thiện dần khi ngân hàng tái cho vay với lãi suất cao hơn và thoát khỏi các khoản vay được tái cơ cấu, phù hợp với sự phục hồi kinh tế của Việt Nam và khả năng sinh lời của TPBank sẽ cải thiện trong khoảng 12-18 tháng tới.
Bên cạnh đó, Moody’s cũng kỳ vọng TPBank sẽ tiếp tục tập trung vào mảng cho vay bán lẻ bằng cách khai thác thị trường đại chúng, bên cạnh thị trường khách hàng trẻ mà ngân hàng này vẫn đang tập trung hướng tới.
Trong quý II/2022, lợi nhuận tại nhà băng đã tăng gần 600 tỷ đồng so với quý I đạt gần 2.200 tỷ đồng, tương ứng tăng 34%, sự bứt phá này đã đưa lợi nhuận lũy kế 6 tháng đầu năm tại nhà băng đạt 3.788 tỷ đồng, tăng gần 26% so với cùng kỳ năm trước.
Kết thúc ngày 30/6/2022, tổng tài sản của TPBank đạt hơn 310.000 tỷ đồng, tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành gần 89% kế hoạch mục tiêu. Mức tăng trưởng này cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng trong kỳ của ngân hàng cho thấy TPBank không tập trung quá nhiều vào tín dụng mà có sự gia tăng lợi nhuận ở hoạt động dịch vụ và phi tín dụng.
Bên cạnh đó, TPBank đang là ngân hàng duy nhất tại Việt Nam đang áp dụng theo chuẩn Basel III. Theo đó, các chỉ số về an toàn vốn và thanh khoản được ngân hàng quản lý rất chặt chẽ. Tỷ lệ an toàn vốn theo Basel III (CAR) tại 31/5/2022 đạt 13,1%, cao hơn nhiều so với quy định tối thiểu 8% của Ngân hàng Nhà nước.
Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát chặt chẽ ở mức dưới 1% phản ánh chất lượng tín dụng và chất lượng tài sản an toàn của TPBank, với danh mục tín dụng được đa dạng hóa, giảm thiểu rủi ro tập trung, đặc biệt trước tác động của đại dịch Covid-19.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2022, TPBank đặt mục tiêu tổng tài sản là 350.000 tỷ đồng, tăng 20% so với thời điểm cuối năm 2021.
Cùng với đó, tổng huy động mục tiêu đạt 292.579 tỷ đồng, tương đương tăng 13%. Trong đó, tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá dự kiến đạt 201.212 tỷ đồng, tiền gửi và vay của tổ chức tín dụng khác dự kiến đạt 91.367 tỷ đồng, lần lượt tăng 15% và tăng 5% so với mức thực hiện năm 2021.
Ngoài ra, ngân hàng cũng cho biết trong năm 2022 sẽ chú trọng việc nâng tỷ lệ CASA nhằm giảm chi phí vốn, gia tăng NIM để tăng thêm hiệu quả kinh doanh và tăng cường kiểm soát, thu hồi, xử lý nợ xấu. Trong năm vừa qua, ngân hàng có thành tích tăng trưởng mạnh về tỷ lệ CASA, đạt 23,3% với tốc độ tăng trưởng đạt 27%.