Chất thép trong 'Nhớ và ghi lại' của Anh hùng Hồ Đắc Thạnh

Ấp ủ từ lâu và được nhiều đồng đội gợi nhắc, nhưng đến nay Anh hùng lực lượng vũ trang (LLVT) Hồ Đắc Thạnh mới cho ra mắt tập hồi ký 'Nhớ và ghi lại' với sự liên kết giữa Nhà xuất bản Văn học và Tạp chí Văn nghệ Quân đội trong chương trình đầu tư sáng tác văn học của Bộ Quốc phòng năm 2024.

Cuốn hồi ký gồm 300 trang được chính người trong cuộc tái hiện lịch sử hào hùng bằng lối kể chuyện nhẹ nhàng, bình dị của một cựu binh 91 tuổi đời, 70 năm tuổi đảng và hơn 30 năm binh nghiệp.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đắc Thạnh kể chuyện chỉ huy tàu không số vào bến Vũng Rô.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đắc Thạnh kể chuyện chỉ huy tàu không số vào bến Vũng Rô.

Vẫn phong thái đậm chất lính biển năm xưa và nét cười nhân hậu, ông tiếp phóng viên tại nhà riêng bên đường Trần Mai Ninh, phường 5, TP Tuy Hòa trong buổi sáng giữa tháng sáu mênh mang nắng gió. Điều bất ngờ là ông nhắc đến một đoạn trong bút ký “Người Anh hùng với những ký ức lửa và hoa” trên Báo CAND và trong tuyển tập “Ký ức Vũng Rô” của Hội VHNT tỉnh Phú Yên 2016: “Hơn 30 năm là lính biển, từng làm thuyền phó, thuyền trưởng 12 chuyến tàu không số, Trung tá, Anh hùng LLVT Hồ Đắc Thạnh không lạ gì sóng gió, biển cả, thế nhưng mỗi khi ra biển ông vẫn thấy bồi hồi xúc động. Chẳng phải vì biển mênh mông ẩn chứa nhiều tiềm tàng bí ẩn, chẳng phải vì nỗi trăn trở của những con sóng bạc đầu, mà trong tâm thức ông luôn đau đáu nhớ thương những đồng đội đã nằm lại với biển”.

Chính nỗi đau đáu đó và đặc biệt là khi Thủ tướng Phạm Minh Chính viếng thăm Khu Di tích lịch sử quốc gia bến tàu không số Vũng Rô đầu năm 2023 đã nhắn nhủ ông rằng: “Bác phải cố nhớ và ghi lại những gì mà đoàn tàu không số vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là tại bến Vũng Rô. Nếu chậm trễ thì con cháu mai sau sẽ không hiểu được thế hệ cha ông đã đánh giặc giành lại độc lập tự do thống nhất nước nhà như thế nào”.

Động lực đó đã thôi thúc ông ngồi trước trang viết đầy ắp hình ảnh và những kỷ niệm đẹp về “Quê hương tuổi thơ” cho đến chuyến đi đầu tiên vào Cà Mau “Nhờ dân dẫn luồng đưa tàu vào bến”, rồi “Tàu vượt cạn ở Hoàng Sa” và sau đó là chuyến đi về nơi chính ông sinh ra để “Mở đường vào bến Vũng Rô” gắn với kỷ niệm “Một cái Tết ở chiến trường” rồi “Sự kiện Vũng Rô và chuyến đi vào Bãi Ngang”, hay khi “Anh lính thủy trên đường Trường Sơn” cùng câu chuyện lý thú với “Chuyến đi được máy bay và tàu khu trục của Mỹ hộ tống”, cho tới lúc “Tạm biệt hành trình thuyền trưởng tàu không số”…

Không phải là nhà văn và chưa từng viết văn, nhưng hồi ký của Anh hùng Hồ Đắc Thạnh đậm chất văn trong câu chữ và giàu chất lịch sử hào hùng trong mỗi tình tiết, sự kiện dẫn dắt người đọc từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác giữa bối cảnh chiến tranh khốc liệt, có lúc tưởng chừng sinh tử nằm trong gang tấc khi bị địch phát hiện, bao vây, chặn đánh, nhưng những chiến binh lính biển của Quân chủng Hải quân Việt Nam vẫn mưu trí, dũng cảm, linh hoạt triển khai những phương án tác chiến bằng trí tuệ, khoa học quân sự tài tình để thoát khỏi vòng vây của địch.

Nhiều hình ảnh sáng đẹp tái hiện từ chuyến tàu không số mang mật số 41 vào bến Vũng Rô đúng vào Tết Nguyên đán Ất Tỵ - 1965: Ông Trần Suyền, bí danh Sáu Râu, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, Trưởng bến Vũng Rô lên tàu chúc mừng Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh cùng đồng đội đúng vào thời khắc giao thừa. Mọi người xúc động lắng nghe Bác Hồ chúc Tết qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, rồi thưởng thức kẹo lạc, bánh chưng và ngắm nhìn cành đào Nhật Tân mang theo trên tàu không số.

Thêm một bất ngờ nữa là gần 3h sáng mùng 1 Tết Ất Tỵ, khi tàu chuẩn bị rời bến thì một nữ dân công trao cho thuyền trưởng nắm đất gói trong khăn tay, rồi bày tỏ: “Bà con quê hương Phú Yên xin gửi theo tàu nắm đất Vũng Rô, mảnh đất kiên cường bất khuất, giặc càn đi xéo lại nhiều lần, bụng đói phải ăn trái sung thay cơm, nhưng vẫn một lòng theo Đảng và Bác Hồ. Có súng đạn của miền Bắc chi viện, mảnh đất này sẽ là điểm tựa của những chiến công”.

Và “Sự kiện Vũng Rô” được Anh hùng Hồ Đắc Thạnh điểm lại từ chuyến tàu không số mang mật số 143 do thuyền trưởng Lê Văn Thêm chỉ huy vận chuyển 63 tấn vũ khí vào bến Lộ Diêu, tỉnh Bình Định, nhưng vì nguy cơ mất an toàn, nên Bộ Tư lệnh Hải quân chỉ đạo chuyển hướng vào bến Vũng Rô trong đêm 15/2/1965. Mặc dù phải đón chuyến hàng ngoài kế hoạch, bộ đội, dân công ở bến vẫn nỗ lực bốc dỡ vũ khí trước 3h30 sáng 16/2/1965 thì hệ thống kéo neo bị hỏng, đến 5h sáng mới sửa chữa xong.

Ra biển lúc đó dễ bị lộ, nên tàu phải neo lại Bãi Chùa và được che kín bằng lưới, phủ dày lá rừng nối liền chân núi để ngụy trang, nhưng sáng hôm đó, phi công Mỹ lái trực thăng từ Quy Nhơn vào Sài Gòn phát hiện “mõm núi” lạ nhô ra Bãi Chùa, nên Bộ Tư lệnh Vùng II Quân lực Việt Nam Cộng Hòa điều máy bay chụp ảnh và nhận ra nét khác biệt với những tấm không ảnh trước đó. Địch huy động máy bay phóng rốc két cháy lá ngụy trang, tàu 143 chao nghiêng, không thể kích hoạt chất nổ bên trong. Đại đội K60 cùng dân quân địa phương kiên cường chống trả các cuộc tấn công của địch, vận chuyển nửa tấn thuốc nổ phá hủy tàu trong đêm 17/2/1965. Cũng từ đó chiến sự nơi này diễn ra ác liệt, nên bến Vũng Rô khép lại nhiệm vụ tiếp nhận vũ khí chi viện từ miền Bắc.

Bằng lối kể chuyện dí dỏm, Anh hùng Hồ Đắc Thạnh ghi lại hải trình 25 ngày của tàu không số mang mật số 54 do ông làm thuyền trưởng vượt qua 5 vùng biển Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia và Nam Việt Nam nhưng không đến được bến Vàm Lũng, Cà Mau, vì tàu tuần duyên 717 của địch và khu trục của Mỹ đeo bám, án ngữ các cửa sông rạch, nên tàu phải trở ra hải phận quốc tế. Theo mệnh lệnh của ông, quốc kỳ Đài Loan (Trung Quốc) được treo lên boong tàu để đánh lừa địch, thoát khỏi tầm nguy hiểm, trở về Hải Phòng an toàn.

Anh hùng Hồ Đắc Thạnh ký tặng hồi ký “Nhớ và ghi lại” cho thế hệ sau là cán bộ Công an tỉnh Phú Yên.

Anh hùng Hồ Đắc Thạnh ký tặng hồi ký “Nhớ và ghi lại” cho thế hệ sau là cán bộ Công an tỉnh Phú Yên.

Câu chuyện “ngược nghề” trong “Anh lính thủy trên đường Trường Sơn” được ông ghi lại với hành trình gian nan khổ ải. Ấy là sau hải trình tàu 41 vận chuyển 40 tấn vũ khí vào bến Phổ An, tỉnh Quảng Ngãi trong đêm 27/1/1966. Tàu bị hư hỏng chưa kịp khắc phục thì tàu chiến địch bao vây, nên ông chỉ đạo kích hoạt chất nổ phá tàu. Trong lúc bơi vào bờ dưới tầm đạn địch, thuyền phó Dương Văn Lộc và thủy thủ Trần Nhợ vĩnh viễn nằm lại ở bến Phổ An, ông cùng 18 thủy thủ ngược đường Trường Sơn về lại Hải Phòng, tiếp tục làm người lính biển. Ngoài gạo và muối được người dân, binh trạm giao liên… hỗ trợ, phải dè sẻn từng hạt, thì bữa ăn chính của ông cùng đồng đội xuyên suốt hành trình dài vẫn là củ chuối rừng, khoai mài, môn dóc… Ốm đau, thương tích thì uống lá, rễ cây rừng, một ít thuốc tây, cồn bạc hà mang theo phải để dành khi cấp thiết…

Bên cạnh những trang văn xuôi, hồi ký còn có một “điểm nhấn” dung dị bởi những câu thơ trong bốn bài thơ dài hơi do chính tác giả sáng tác, bày tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ đồng đội, dân quân bến Vũng Rô của một thời hào hùng và ông Trần Suyền, cựu Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên năm xưa.

Chia sẻ tại buổi ra mắt hồi ký “Nhớ và ghi lại” hôm 7/6/2024, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội cho biết, tập hồi ký hướng đến kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và kỷ niệm 60 năm tàu không số cập bến Vũng Rô (11/1964 - 11/2024).

Hồi ký của Anh hùng Hồ Đắc Thạnh viết ngắn nhưng không sơ sài, thể hiện sự cô đúc, tinh tế của người viết. Tác giả chọn lọc thời điểm, sự kiện, chi tiết quan trọng nhất để viết lại, nên không sa vào dông dài. Những trang viết trong hồi ký giúp cho chúng ta hình dung được tinh thần anh dũng của cán bộ, chiến sĩ hải quân góp phần lập nên nhiều chiến công huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển, tạo sức lan tỏa sâu rộng với độc giả trong và ngoài quân đội. Đây không chỉ là những trang văn mà còn là những bài học lịch sử có giá trị giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Đọc hồi ký “Nhớ và ghi lại”, độc giả không chỉ tìm thấy giá trị lịch sử hào hùng của những người lính trong huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển, mà còn cảm nhận chất thép sáng ngời trong đời binh nghiệp của chính tác giả và đồng đội của ông. Ngày 10/10/2011, Trung tá Hồ Đắc Thạnh được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2011). Tàu 41 do Trung tá Hồ Đắc Thạnh làm thuyền trưởng đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT; đến ngày 25/12/2017, Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là bảo vật quốc gia.

Phan Thế Hữu Toàn

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/chat-thep-trong-nho-va-ghi-lai-cua-anh-hung-ho-dac-thanh-i737150/