'Chất vấn' Chánh án vì tòa bất nhất trong xác định trị giá thiệt hại của tài sản
Cùng một tài sản song hai bản án phúc thẩm xác định giá trị thiệt hại chênh nhau 5 lần khiến cử tri bức xúc, theo phản ánh của đại biểu Quốc hội.
Sáng 20/11, mở đầu đợt 2 của Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV.
Cử tri kiến nghị, đại biểu băn khoăn
Nêu ý kiến, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết liên tục nhận được nhiều đơn thư của cử tri (không chỉ của người nhà các bị cáo mà cả của người dân) về hai vụ án liên quan đến đất đai xảy ra tại thành phố Đà Nẵng trong các năm 2010 và 2011. Qua nghiên cứu đơn và các bản án, vị đại biểu Đà Nẵng nhận thấy có những điểm khó hiểu, khó lý giải về các bản án đã tuyên.
Thứ nhất là vụ Phan Văn Anh Vũ và các bị cáo phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, được TAND thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm (Bản án số 346 ngày 13/6/2019) xác định thiệt hại của vụ án là 7 tài sản Nhà nước đã mua/thuê trái phép, trị giá thiệt hại của tài sản được xác định tại thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội ( là năm 2010 và năm 2011).
Viện trưởng VKSND tối cao đã kháng nghị bản án nói trên và đề nghị Hội đồng thẩm phán (HĐTP) TANDTC sửa bản án theo cách xác định trị giá thiệt hại tại thời điểm khởi tố vụ án.
Ngày 5/9/2019, HĐTP TAND tối cao đã bác kháng nghị của Viện trưởng VKSND tối cao vì cho rằng “tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm xác định thiệt hại của vụ án là 7 tài sản đã mua/thuê trái phép, đang bị kê biên là đầy đủ, đúng bản chất vụ án và giá trị của nó được xác định tại thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội là đúng pháp luật”.
Vụ án thứ hai là Trần Văn Minh và các bị cáo phạm tội “Vi phạm quy định về sử dụng, quản lý tài sản của Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí” và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”. Trong vụ án này, cả bản án sơ thẩm của TAND thành phố Hà Nội và bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại Hà Nội lại xác định trị giá tài sản thiệt hại tại thời điểm khởi tố (năm 2018).
Theo đại biểu, “2 vụ án đều được TAND thành phố Hà Nội và TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử, đều liên quan đến 3 tài sản Nhà nước tại thành phố Đà Nẵng, đó là: nhà đất số 319 đường Lê Duẩn, Dự án Vệt ven biển đường Trường Sa và Công viên An Đồn cũ, nhưng lại không thống nhất trong cách xác định trị giá thiệt hại của tài sản. Một vụ thì trị giá thiệt hại xác định tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội; còn một vụ thì trị giá thiệt hại xác định tại thời điểm khởi tố vụ án, trong khi HĐTP TANDTC đã ban hành Quyết định Giám đốc thẩm số 14 (trước thời điểm xét xử vụ án Trần Văn Minh và đồng phạm) là xác định thiệt hại phải được tính từ thời điểm thực hiện hành vi phạm tội”.
Bà Thúy cho biết, nội dung này bà đã chất vấn Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình vào đầu năm 2023. Khi đó, Chánh án cho biết sẽ xem lại cụ thể các vụ án, còn theo quy định của luật hiện hành cũng như nguyên tắc khoa học pháp lý, hậu quả của các vụ án được xác định tại thời điểm phạm tội.
Tuy nhiên, sau phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong thư trả lời chất vấn của đại biểu ghi ngày 29/3/2023, Chánh án cho rằng những vụ án này xét xử đúng pháp luật, được dư luận, nhân dân đồng tình, đánh giá cao.
“Theo tôi, ý kiến này không thuyết phục, vì cùng tài sản ấy, cùng tòa án ấy nhưng mỗi vụ án lại tùy nghi xác định thiệt hại tại một thời điểm khác nhau là trái với khoa học pháp lý và luật hiện hành”, bà Thúy nêu quan điểm và đề nghị Chánh án TAND tối cao trả lời rõ vì sao có áp dụng không thống nhất việc xác định trị giá tài sản thiệt hại đối với 3 tài sản Nhà nước ở 2 vụ án nói trên.
“Vì thời gian có hạn, tôi chỉ xin lấy một ví dụ tính giá trị thiệt hại một trong 3 tài sản, Ví dụ như đất công viên An Đồn cũ, bản án phúc thẩm số 346 xác định giá trị thiệt hại tại thời điểm vi phạm năm 2010 chỉ có 32 tỷ 875 triệu đồng nhưng bản án phúc thẩm số 158 lại tính giá trị thiệt hại tại thời điểm khởi tố vụ án, tức là thời điểm năm 2018 giá trị là 167 tỷ 600 triệu đồng, gấp hơn 5 lần”, đại biểu dẫn chứng.
Xem xét phải theo trình tự luật định
Trả lời đại biểu sau đó, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, về cơ sở khoa học, các yếu tố cấu thành tội phạm đều phải xác định tại cùng một thời thời điểm sự kiện tội phạm xảy ra.
“Không thể có việc hành vi, động cơ, mục đích, thủ đoạn thì xác định ở thời điểm sự kiện tội phạm xảy ra, riêng hậu quả thì lại xác định tại thời điểm phát hiện vụ việc. Như vậy là không công bằng”, ông Nguyễn Hòa Bình lý giải.
Theo chánh án, hậu quả của hành vi phạm tội gây ra cho xã hội phải do chính hành vi đó gây ra, chứ không phải do các yếu tố bên ngoài. Ví dụ một lô đất tăng giá, ở năm này là 100 tỷ đồng, sang năm lên 200 tỷ đồng, sang năm nữa lên 300 tỷ đồng. Đó là do thị trường, chứ không phải do hành vi phạm tội gây ra. Nếu xác định giá trị đất tại thời điểm phát hiện thì trong thực tế sẽ có những bất cập khác.
Ông Nguyễn Hòa Bình cũng phân tích có nhiều loại vụ án xử các tội khác nhau như buôn lậu máy tính điện thoại hay các tội hối lộ, trộm cắp, tham ô… Đất tăng theo thời gian, còn máy tính thì giảm giá trị theo thời gian. Nếu xác định tại thời điểm phát hiện vụ án thì có loại tội sẽ tăng hậu quả, có loại loại tội sẽ giảm, như vậy là không hợp lý.
Về hành lang pháp lý, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã có nghị quyết theo yêu cầu Quốc hội, hướng dẫn tất cả các vụ án sẽ xử xác định hậu quả tại thời điểm xảy ra hành vi phạm tội, không phải theo thời điểm phát hiện. Vì có thể hành vi phạm tội xảy ra nhưng nhiều năm sau mới phát hiện.
Những vụ án xảy ra trước khi có nghị quyết của hội đồng thẩm phán, trái với nghị quyết, không đúng sẽ phải xem xét lại. Tuy nhiên, trình tự xem xét lại các vụ án đã xác định không đúng thời điểm xác định hậu quả phải theo trình tự của luật định.
“Việc xem xét một vụ án phải theo trình tự của luật định. chúng tôi không thể căn cứ vào ý kiến phát biểu tại hội trường hay là của ai đó mà xem xét lại, việc này không đúng trình tự tố tụng ông Nguyễn Hòa Bình phát biểu trước Quốc hội.