Chất vấn nhiều vấn đề được cử tri quan tâm
Nhiều vấn đề được đông đảo cử tri và các tầng lớp nhân dân quan tâm như quản lý dự án, đầu tư lò hỏa táng, an toàn vệ sinh thực phẩm, dân tộc và miền núi,… đã được đại biểu HĐND tỉnh chất vấn trực tiếp tại phiên họp; lãnh đạo các sở, ban, ngành trả lời, giải trình, tiếp thu và đưa ra giải pháp thực thi.
Chiều 10/12, Kỳ họp thứ 29, HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, tiếp tục chương trình làm việc, tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Cao Phúc và Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tấn Đức.
Dự phiên họp có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang; Phó Bí thư Tỉnh ủy Đinh Thị Hồng Minh; các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đại biểu Quốc hội khóa XV của tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và các đại biểu HĐND tỉnh khóa XIII.
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUY HOẠCH, QUẢN LÝ NGHĨA TRANG, LÒ HỎA TÁNG
Điều hành phiên chất vấn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân nhấn mạnh, chất vấn và trả lời chất vấn là nội dung quan trọng tại kỳ họp được cử tri và nhân dân quan tâm. Qua các nội dung chất vấn, nhiều vấn đề tồn tại, vướng mắc trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quản lý, điều hành của cơ quan hành chính Nhà nước được kịp thời xem xét, giải quyết; nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được đề ra để tháo gỡ các tồn tại, bất cập trước mắt và các giải pháp có tính chiến lược, căn cơ, lâu dài.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trả lời chất vấn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri và nhân dân trong tỉnh để làm rõ những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan và phương hướng, giải pháp tiếp tục thực hiện để tạo chuyển biến căn bản, thực chất trong từng lĩnh vực được chất vấn.
Bày tỏ băn khoăn về công tác quy hoạch và quản lý nghĩa trang trên địa bàn tỉnh hiện nay, đại biểu Trần Văn Luật đặt vấn đề, hiện nay toàn tỉnh hiện có khoảng hơn 1.081 nghĩa trang, trong đó có hơn 818 nghĩa trang nhân dân tự phát, nhỏ lẻ, chiếm tỷ lệ hơn 75%. Các nghĩa trang hiện hữu không đảm bảo các quy định về khoảng cách an toàn môi trường phải thực hiện đánh giá tác động môi trường để bổ sung các giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh theo quy định.
Đại biểu Trần Văn Luật nêu câu hỏi, trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch nghĩa trang trên địa bàn tỉnh, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh định hướng về việc đóng cửa, di dời các nghĩa trang nhỏ lẻ hiện hữu như thế nào? Kết quả thực hiện đóng cửa, di dời và việc đánh giá tác động môi trường đối với nghĩa trang không đảm bảo quy định về khoảng cách môi trường. Nguyên nhân chưa thực hiện và giải pháp để quản lý trong thời gian đến.
Cũng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Mạnh Thắng nêu thực trạng, hiện nay, các địa phương gặp nhiều khó khăn trong bố trí đất làm nghĩa trang, chôn cất người mất. Cử tri nhiều địa phương kiến nghị tỉnh cần xây dựng lò hỏa táng để phục vụ nhu cầu của nhân dân; đồng thời tiêu chí về tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng trong phân loại đô thị yêu cầu ngày càng cao; cùng với đó, trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao cũng yêu cầu tiêu chí sử dụng hình thức hỏa táng.
Do vậy, việc đầu tư xây dựng lò hỏa táng trên địa bàn tỉnh là rất bức thiết nhưng đến nay tỉnh ta vẫn chưa thu hút, đầu tư xây dựng được lò hỏa táng. Đề nghị làm rõ nguyên nhân và giải pháp trong thời gian tới; dự kiến khi nào thì tỉnh ta mới có lò hỏa táng để giải quyết vấn đề hỏa táng đối với người đã mất?
Trả lời các nội dung này, Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng Nguyễn Hữu Hồng cho biết, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch nghĩa trang trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Theo đó, xây mới và nâng cấp 42 nghĩa trang; xây mới 6 cơ sở hỏa táng; xây mới 8 nhà tang lễ, nâng cấp 2 nhà hiện có. Nội dung này đã được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Các địa phương đã và đang thực hiện đầu tư mở rộng các nghĩa trang hiện trạng, đầu tư xây dựng mới các công viên nghĩa trang để đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện dự án xây dựng gặp không ít khó khăn, việc đóng cửa và di dời các nghĩa trang nhỏ lẻ đã được đưa vào quy hoạch, nhưng triển khai còn chậm.
Đến nay chỉ mới có 33 nghĩa trang không đảm bảo quy định về khoảng cánh môi trường đóng cửa hoặc di dời. Nguyên nhân do thiếu kinh phí thực hiện di dời và xây dựng nghĩa trang mới; một số khu vực chưa có quỹ đất phù hợp để xây dựng nghĩa trang tập trung thay thế; ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, chưa đồng thuận với các chính sách di dời; công tác quản lý, kiểm soát nghĩa trang nhỏ lẻ chưa được thực hiện chặt chẽ.
Giải pháp trong thời gian đến, các cấp cần huy động nguồn vốn từ ngân sách và xã hội hóa để đầu tư xây dựng nghĩa trang tập trung; quy hoạch quỹ đất phù hợp tại các khu vực ưu tiên di dời và đóng cửa nghĩa trang nhỏ lẻ; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận từ người dân; có chế tài xử lý mạnh mẽ đối với các trường hợp xây dựng nghĩa trang trái phép hoặc không tuân thủ quy định môi trường.
Trả lời về việc thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hỏa táng trên địa bàn tỉnh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng Nguyễn Hữu Hồng khẳng định, hình thức hỏa táng người mất là hình thức văn minh, tích cực và cần được khuyến khích và việc xây dựng cơ sở hỏa táng là rất cần thiết. UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng phối hợp với UBND TP.Quảng Ngãi tổ chức rà soát, cập nhật vị trí xây dựng cơ sở hỏa táng vào Quy hoạch Nghĩa trang nhân dân TP.Quảng Ngãi (tại xã Tịnh Ấn Đông), đã được UBND TP.Quảng Ngãi phê duyệt tại Quyết định 7375 năm 2023.
Hiện nay đã có nhà đầu tư với tổng mức đầu tư 75 tỷ đồng trên diện tích 6.000m2. Sở Xây dựng sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan để xin phép UBND tỉnh đấu thầu dự án và xây dựng, đến năm 2027 sẽ đưa vào sử dụng cơ sở hỏa táng này.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng thông tin thêm, trong thời gian trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở hóa táng, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 29 ngày 02/8/2024 Quy định chính sách khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Đến ngày 30/10/2024, đã hỗ trợ cho 53 trường hợp, với kinh phí hỗ trợ khoảng 530 triệu đồng.
Liên quan đến vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, đánh giá thực trạng việc đảm bảo khoảng cách môi trường đối với các nghĩa trang nhỏ lẻ để có định hướng, giải pháp quản lý theo đúng quy định, chúng ta tôn trọng các phong tục, tập quán về mai táng ở địa phương nhưng vẫn phải đảm bảo các yêu cầu về môi trường và sử dụng đất đai hiệu quả, tiết kiệm; tích cực phối hợp, hỗ trợ về thủ tục tạo điều kiện để nhà đầu sớm triển khai thực hiện xây dựng cơ sở hỏa táng đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của cử tri, tăng tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng trên địa bàn tỉnh theo tiêu chí phân loại đô thị.
CẦN TẬP TRUNG ĐẦU TƯ CHO VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
Chất vấn nhóm vấn đề về dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, đại biểu Hoàng Anh Ngọc nêu vấn đề, Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (gọi tắt là Chương trình) thực hiện từ năm 2021 đến nay, nhưng công tác giải ngân vốn đầu tư và vốn sự nghiệp đạt thấp.
Đề nghị Ban Dân tộc tỉnh cho biết nguyên nhân vì sao? Giải pháp căn cơ để triển khai thực hiện hiệu quả chương trình, vì chỉ còn 1 năm nữa là hết giai đoạn I của Chương trình và có khả năng không đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hồ Ngọc Thịnh cho biết, tổng ngân sách trung ương và tỉnh đã phân bổ để thực hiện Chương từ 2021 - 2024 là 1.798 tỷ đồng. Tổng vốn đã giải ngân từ năm 2021 đến nay là 924 tỷ đồng, đạt 51,4%; trong đó vốn đầu tư công giải ngân đạt 78,8%, vốn sự nghiệp đạt 25%.
Từ nguồn vốn này đã thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung của Chương trình, qua đó giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS trong 2 năm (2022 và 2023) đã đạt và vượt mục tiêu kế hoạch được cấp thẩm quyền giao, trong đó năm 2024 dự kiến tỷ lệ hộ nghèo giảm 7%. Đến nay, có 9 xã thuộc các huyện miền núi đạt chuẩn nông thôn mới.
Tuy nhiên, đây là chương trình mới, các dự án, tiểu dự án rất đa dạng về nội dung, hình thức thực hiện; các quy định, hướng dẫn thực hiện của các Bộ, ngành trung ương còn chậm ban hành, nội dung hướng dẫn chưa rõ ràng, thiếu đồng bộ, phải sửa đổi nhiều lần dẫn tới sự lúng túng, chậm trễ trong việc triển khai thực hiện các dự án và chậm giải ngân…
Để nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình và đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn, thời gian đến, tỉnh tiếp tục rà soát, kiến nghị Bộ, ngành Trung ương hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình.
Đồng thời, các địa phương cần phải tăng tính chủ động trong thực hiện Chương trình; chủ động giải quyết những khó khăn, vướng mắc ở cấp mình quản lý; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện đảm bảo đúng đối tượng, đúng nội dung, đúng chế độ. Đẩy mạnh công tác truyên truyền, vận động người dân tham gia thực hiện Chương trình.
Kết luận nhóm vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân nhấn mạnh, để các chương trình MTQG đạt được hiệu quả, nhất là tác động mạnh mẽ đến đời sống cũng như thực hiện công tác giảm nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi, đề nghị UBND tỉnh có các chỉ đạo để các sở ngành, các địa phương có giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của 3 chương trình MTQG trên địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi; tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chương trình MTQG.
Đồng thời huy động và lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực khác để đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ đời sống nhân dân; chú trọng thực hiện tốt công tác hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động ở vùng đồng bào DTTS,…Từ đó, đảm bảo kết quả thực hiện chỉ tiêu đến năm 2025 “thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020” theo Nghị quyết 06 năm 2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác dân tộc.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu HĐND tỉnh cũng nêu ra những vấn đề về tình trạng nhiều dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư nhưng không thực hiện được các bước tiếp theo để thực hiện giao đất, cho thuê đất ảnh hưởng đến môi trường thu hút đầu tư của tỉnh, gây lãng phí đất đai; tình hình ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh còn xảy ra khá nhiều, nguyên nhân và giải pháp để giảm số vụ ngộ độc thực phẩm, nhất là các vụ việc có nguy cơ gây chết người trong thời gian đến; công tác tuyên truyền, phổ biến quy định về an toàn thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người dân; giải pháp để nâng cao ý thức người dân trong sản xuất, buôn bán, sử dụng thực phẩm; tình hình triển khai, kết quả cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; công tác kiểm tra, đánh giá định kỳ sau cấp Giấy chứng nhận,…
Lãnh đạo các Sở: KH&ĐT, TN&MT, Y tế, NN&PTNT đã trả lời và làm rõ các vấn đề cử tri và đại biểu HĐDN tỉnh quan tâm.
Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân ghi nhận tinh thần trách nhiệm, nỗ lực cố gắng của lãnh đạo sở, ngành và các đại biểu tham gia chất vấn, trả lời chất vấn thể hiện được tinh thần thẳng thắn, cầu thị, mang tính xây dựng cao và tập trung đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương ghi nhận và tiếp thu tối đa các ý kiến, những vấn đề được đại biểu HĐND tỉnh đặt ra tại phiên chất vấn để triển khai thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình trong thời gian đến; đồng thời, tham mưu và tổ chức thực hiện ngay việc giải quyết các tồn tại, vướng mắc, các vấn đề được chất vấn; có các giải pháp rõ nét, mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả hơn.
“Chúng ta tin tưởng rằng, với sự đồng hành của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh, những khó khăn, vướng mắc nói chung và những vấn đề khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trong 3 nhóm vấn đề đặt ra trong phiên chất vấn sẽ sớm được tháo gỡ, khắc phục để tạo động lực và nguồn lực cho sự phát triển”, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân tin tưởng.