Chất vấn tại phiên họp Thường trực HĐND cấp huyện: Giải quyết nhiều vấn đề cấp bách
Hoạt động giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp Thường trực HĐND cấp huyện đã thực hiện tại 4 địa phương bước đầu tạo chuyển biến tích cực, giải quyết kịp thời nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc.
Đây là nét mới trong hoạt động của HĐND cấp huyện và bước đầu mang đến những chuyển biến tích cực.
Giám sát, đôn đốc kịp thời
Theo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, đại biểu HĐND có quyền chất vấn trực tiếp tại phiên họp Thường trực HĐND hoặc gửi chất vấn bằng văn bản đến người bị chất vấn. Hoạt động chất vấn, giải trình trong thời gian giữa hai kỳ họp của Thường trực HĐND là một hình thức giám sát hiệu quả của HĐND nhưng hiện chỉ có 4 địa phương trong tỉnh là TP Hải Dương, TP Chí Linh, các huyện Gia Lộc và Cẩm Giàng tổ chức được hoạt động chất vấn trong phiên họp này. Hoạt động này bước đầu mang đến những chuyển biến tích cực, nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc được giải quyết thông qua chất vấn, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cử tri.
Thời gian qua, HĐND TP Hải Dương tổ chức chất vấn trong phiên họp thường trực HĐND về việc giải quyết ý kiến cử tri. Sau khi các đại biểu trả lời chất vấn, HĐND thành phố tiến hành rà soát lại các ý kiến từ kỳ họp trước đã được giải quyết chưa, tiến độ thực hiện đến đâu để đến phiên họp tiếp theo tiếp tục chất vấn. HĐND thành lập các đoàn khảo sát thực tế hiện trạng để giám sát chặt chẽ nhất. Bằng cách làm quyết liệt này, hàng trăm ý kiến cử tri được rà soát, phân loại và từng bước giải quyết hiệu quả. Chẳng hạn, ý kiến cử tri về việc xuất hiện nhiều quảng cáo rác trên đường phố, các khu vực công cộng gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Sau chất vấn, HĐND TP Hải Dương giao Phòng Văn hóa thông tin vào cuộc xử lý. Kết quả đã tháo dỡ trên 85% số bảng, biển quảng cáo di động gắn vuông góc với công trình, gắn trên cây, cột điện, tường rào. Một số hộ có bảng quảng cáo tấm lớn bị xử lý vi phạm hành chính và yêu cầu thay theo quy định. Phòng Văn hóa thông tin đã rà soát các số điện thoại quảng cáo rác và đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông kiên quyết dừng cung cấp đường truyền đối với các số điện thoại này.
Trong nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND TP Chí Linh đã tổ chức 97 phiên họp thường trực, trong đó có 17 phiên họp có nội dung chất vấn. Nhiệm kỳ này, Chí Linh đã tổ chức 41 phiên họp thường trực HĐND, trong đó có 3 phiên họp có nội dung chất vấn. Nhiều phiên họp được lồng ghép kết hợp hoạt động chất vấn nhằm quyết định những vấn đề phát sinh.
Thông qua hình thức chất vấn, HĐND TP Chí Linh đã kịp thời giải quyết nhiều vấn đề phát sinh trong khoảng thời gian giữa hai kỳ họp. "Sau chất vấn, cách nhìn nhận của đại biểu HĐND về những vấn đề chất vấn có sự chuyển biến rõ rệt. UBND thành phố và các cơ quan liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện và đã mang lại kết quả tích cực. Những chỉ đạo quyết liệt trong công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, đầu tư công trên địa bàn thành phố được ban hành. Việc xem xét giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, xử lý đất cấp trái thẩm quyền tồn đọng từ những năm trước đã được quan tâm xử lý. Từ năm 2020, tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép giảm mạnh. Về công tác đầu tư công, tình trạng nợ công đã được quan tâm chỉ đạo, bố trí nguồn ngân sách để thực hiện chi trả", bà Nguyễn Thị Hường, Phó Chủ tịch HĐND TP Chí Linh cho biết.
Nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn của đại biểu
Thực tiễn việc tổ chức hoạt động chất vấn trong phiên họp Thường trực HĐND cấp huyện trong thời gian qua cho thấy để phiên họp chất vấn thực sự hiệu quả, tạo được những hiệu ứng tích cực trong việc giải quyết nhiệm vụ của địa phương thì việc chọn và đưa ra nội dung chất vấn, thời điểm chất vấn là rất quan trọng.
Liên quan đến xác định nội dung chất vấn, Phó Chủ tịch HĐND TP Chí Linh Nguyễn Thị Hường cho rằng việc này cần được Thường trực HĐND xem xét, chọn lọc từ nhiều kênh, từ giám sát của đại biểu và các ban của HĐND và từ dư luận xã hội, kiến nghị của cử tri. Các đại biểu HĐND cần nghiên cứu nội dung, qua thực tế giám sát, đi sâu và nắm chắc địa bàn, nắm vững các quy định của pháp luật để đưa ra những câu hỏi chất vấn có chất lượng. Nội dung chất vấn phải cụ thể, rõ ràng, có căn cứ và phải liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của người bị chất vấn. Thường trực HĐND, các ban, tổ và các đại biểu HĐND cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc triển khai thực hiện nghị quyết của UBND cùng cấp, đặc biệt là giám sát việc giải quyết các "lời hứa" sau phiên chất vấn, giải trình.
Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức về chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu HĐND và người bị chất vấn để đúng với mục đích, ý nghĩa của hoạt động này. Thực tế cho thấy nhiều đại biểu chưa cởi mở, đặt câu hỏi còn ít, chỉ tập trung vào một số đại biểu chuyên trách. Một số thủ trưởng đơn vị trả lời còn chung chung, né tránh trách nhiệm, chưa đi sâu vào trọng tâm vấn đề đại biểu chất vấn, chưa làm rõ nguyên nhân, thực trạng, giải pháp khắc phục hoặc nếu có cũng không đưa ra mốc thời gian cụ thể.