Chất vấn tại Quốc hội: Gay gắt về thủy điện và chất lượng rừng
Trong phiên chất vấn chiều 6/11, nữ đại biểu Ksor H'Bơ Khắp (Gia Lai) chất vấn và tranh luận sôi nổi với Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà về thủy điện nhỏ, việc mất rừng và câu chuyện trách nhiệm.
Đại biểu Ksor H'Bơ Khắp (Gia Lai): Bộ trưởng nói "thủy điện nhỏ không có lỗi trong bão lũ, sạt lở ở miền Trung vừa qua mà là do địa chất bị đứt gãy. Vậy Bộ trưởng cho biết thời gian tới bộ trưởng vẫn tiếp tục ủng hộ việc xây dựng, phát triển thủy điện nhỏ đúng không? Theo Bộ trưởng, ông trời, mẹ thiên nhiên và rừng có quan hệ gì với thực trạng bảo vệ rừng hiện nay ở Việt Nam. Với tư cách chuyên gia, đơn vị tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng thấy mình có trách nhiệm như thế nào với thực trạng đó?
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà: Tôi muốn nói với đại biểu rằng khi trả lời tôi không nói thủy điện là nguyên nhân hay thủy điện không là nguyên nhân. Tôi nói rằng con người là nguyên nhân. Khi quyết định làm thủy điện thân thiện với môi trường như nhiều quốc gia văn minh khác, như Na Uy rất nhiều thủy điện, họ dựa trên thế năng tự nhiên. Còn nếu chúng ta tận dụng mọi cơ hội để khai thác thủy điện và chúng ta chấp nhận bỏ rừng thì khi đó là nguyên nhân con người.
Đại biểu nói với tôi rằng rừng quan trọng như thế nào. Tôi nghĩ rừng còn quan trọng hơn cả trời. Bởi vì tôi thở không khí từ oxy. Rừng cung cấp 70% các tài nguyên cung cấp cho cuộc sống của con người. Về vấn đề đại biểu nêu thì tôi nói thủy điện không phải là nguyên nhân. Mà hậu quả là do chúng ta khai thác tài nguyên thiên nhiên mà không dựa vào quy luật tự nhiên, việc này chúng ta có thể khắc phục được.
Thứ hai, mất rừng không có nghĩa là cứ nghĩ đến thủy điện. Mất rừng là do tư duy sai trái, trong nhà toàn dùng đồ gỗ, sử dụng các động vật hoang dã. Mất rừng là do đã thay thế rừng tự nhiên bằng những cánh rừng sản xuất bình thường như cây cà phê - không thể thay thế được hệ sinh thái rừng tự nhiên.
Tôi muốn nói rằng chúng ta phải hiểu là mất rừng còn do nhiều nguyên nhân khác. Từ góc độ này, với tư cách là người làm môi trường, chúng tôi sẽ cùng với Bộ NN&PTNT xem xét, cùng Quốc hội rà soát từng mét vuông nếu chuyển đất rừng . Với rừng phòng hộ đặc dụng, nếu nơi nào không còn rừng nhưng có chức năng bảo vệ, phòng hộ con người thì phải phục hồi lại rừng, mà phải phục hồi rừng nguyên sinh, rừng tự nhiên. Tôi rất mong đại biểu nghe lại băng tôi trả lời để có sự hiểu hơn.
ĐB Ksor H’Bơ Khắp: Tôi đã chăm chú lắng nghe và cố gắng thấu hiểu. Nhưng Bộ trưởng thì có nghe, nhưng không hiểu tôi hỏi gì. Tôi hỏi rằng việc Bộ trưởng có tiếp tục ủng hộ xây dựng thủy điện nhỏ không, Bộ trưởng chưa trả lời. Tôi hỏi Bộ trưởng xem trời, mẹ thiên nhiên và rừng có mối quan hệ thế nào đối với sạt lở, lũ lụt hiện nay nhưng Bộ trưởng cũng chưa trả lời. Không tự nhiên mà trời mưa được, không tự nhiên mà địa chất đứt gãy. Cây rừng ở đó đã mất lâu rồi, không cải tạo đất và điều này đã gây ra địa chấn về môi trường. Trách nhiệm của Bộ TN&MT trong việc đánh giá tác động môi trường đối với các dự án, công trình rõ ràng có sự sai sót nên mới gây hậu quả như ngày hôm nay.
Cuối cùng tôi hỏi, với tư cách là đơn vị tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng nhận thấy trách nhiệm thế nào đối với thực trạng bảo vệ môi trường hiện nay. Bộ trưởng chỉ tập trung vào “rừng” vì có lẽ mọi người nhìn thấy tên tôi đã nghĩ đến rừng rồi.