Chất vấn của Thường vụ Quốc hội: Kịp thời gỡ vướng để phát triển kinh tế - xã hội

Chương trình Chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung. Trong 1,5 ngày đã có 75 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó 66 lượt đại biểu chất vấn, 9 lượt đại biểu tranh luận; còn 11 đại biểu đăng ký nhưng chưa được phát biểu do hết thời gian.

Phát biểu Bế mạc, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Phiên Chất vấn đã đánh giá toàn diện việc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023; đảm bảo cho các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc; tiếp tục góp phần thúc đẩy, xây dựng hoàn thiện thể chế, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc để phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá, các đại biểu Quốc hội đã thể hiện trách nhiệm cao, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề. Các thành viên Chính phủ, trưởng ngành nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, cơ bản trả lời đầy đủ, thẳng thắn, làm sáng tỏ nhiều vấn đề. Phiên chất vấn cho thấy, về cơ bản, các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được các cơ quan triển khai nghiêm túc, tạo được chuyển biến tích cực và đạt được kết quả cụ thể ở hầu hết các lĩnh vực. Bên cạnh đó, việc triển khai một số nghị quyết, nhiệm vụ còn chậm, một số nội dung, chỉ tiêu trong các nghị quyết chưa hoàn thành, chưa đạt yêu cầu, chậm chuyển biến, cần phải sớm giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ một số nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm liên quan trực tiếp đến trách nhiệm chính của từng bộ, ngành. Theo đó, Bộ Công Thương cần đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng. Hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu; sớm có phương án xử lý trong dài hạn việc thực hiện bảo quản riêng về xăng dầu dự trữ quốc gia. Tập trung thực hiện phòng, chống các hành vi tiêu cực, tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh trong xuất nhập khẩu hàng hóa.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về nhãn hiệu, thương hiệu nông sản chủ lực; kiểm soát chặt chẽ việc quản lý, sử dụng và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa; thực hiện các giải pháp khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; phòng chống dịch bệnh gia cầm mới phát sinh ở một số địa phương.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương nghiên cứu, xây dựng quy định điều chỉnh một số lĩnh vực về văn hóa, nghệ thuật; có cơ chế khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho văn hóa, công nghiệp văn hóa; có giải pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về chuẩn mực đạo đức xã hội.

Đề nghị Bộ Nội vụ hoàn thành việc sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư và quản lý tài sản sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021. Khẩn trương rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch liên quan để hoàn thành việc xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025.

Đề nghị Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự. Triển khai toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đối với Bộ Tư pháp, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần chủ động rà soát, dự kiến các nhiệm vụ lập pháp, làm cơ sở đề xuất xây dựng Định hướng Chương trình lập pháp cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI; khắc phục triệt để tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Giám định tư pháp, kịp thời khắc phục khó khăn, vướng mắc trong hoạt động giám định tư pháp; có giải pháp khắc phục hạn chế trong công tác thi hành án hành chính; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng.

Đối với Thanh tra Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài và không để phát sinh vụ việc phức tạp, kéo dài mới; đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xét xử; thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm; tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/chat-van-tai-thuong-vu-quoc-hoi-kip-thoi-go-vuong-de-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-233362.htm