Chất vấn và trả lời chất vấn: Đúng trọng tâm

Chiều 8/12, kỳ họp thứ Ba, HĐND tỉnh khóa XVI tiến hành phiên chất vấn tại hội trường. Có 6 nhóm câu hỏi được đề cập, trong đó có 3 nhóm câu hỏi được các đại biểu chất vấn trực tiếp và được lãnh đạo ngành trả lời tại hội trường. Các đại biểu nêu câu hỏi chất vấn về những vấn đề đang được quan tâm đã được lãnh đạo các ngành trả lời đúng trọng tâm, mang tính thuyết phục cao với các lập luận xác đáng.

Các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh chủ trì phiên chất vấn tại kỳ họp.

Các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh chủ trì phiên chất vấn tại kỳ họp.

Giải quyết phát sinh sau khi thủy điện vận hành

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Lý Thanh Sơn, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Bảo Yên nêu: Huyện Bảo Yên có 3 công trình thủy điện đang vận hành, báo cáo kinh tế kỹ thuật là sau khi các dự án khai thác sẽ đem lại nhiều lợi ích cho địa phương. Tuy nhiên, qua tiếp xúc cử tri, các cuộc giám sát, khảo sát cho thấy còn nhiều tồn tại liên quan giải phóng mặt bằng, vấn đề môi trường, phát sinh khác… Vậy khi lập quy hoạch đã lấy ý kiến của Nhân dân ra sao? Trách nhiệm tham mưu, quản lý của ngành chức năng? Giải pháp tháo gỡ hiện là gì?

Đại biểu Lý Thanh Sơn, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Bảo Yên chất vấn lãnh đạo Sở Công thương.

Đại biểu Lý Thanh Sơn, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Bảo Yên chất vấn lãnh đạo Sở Công thương.

Giải đáp các câu hỏi, ông Hoàng Chí Hiền, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Theo quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ của tỉnh đã được phê duyệt, huyện Bảo Yên có 8 dự án với tổng công suất lắp máy là 70,35 MW, trong đó có 3 dự án thủy điện đã hoàn thành và phát điện như đại biểu nêu.

Việc lập quy hoạch các dự án thủy điện được Sở Công thương thực hiện theo quy định tại Thông tư số 43/2012/TT-BCT ngày 27/12/2012 của Bộ Công thương về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng dự án thủy điện và vận hành khai thác công trình thủy điện. Trong giai đoạn lập quy hoạch các dự án, Sở Công thương chủ trì thực hiện nghiêm trình tự lập, thẩm định hồ sơ, trong đó có gửi hồ sơ xin ý kiến tham gia của các sở, ngành, chính quyền địa phương cấp huyện và các xã có liên quan và đề nghị doanh nghiệp tham gia phối hợp với các cấp chính quyền tham vấn ý kiến Nhân dân trong khu vực dự án. Tại huyện Bảo Yên: Thủy điện Phúc Long đã tham vấn ý kiến cộng đồng dân cư các xã Xuân Thượng, Tân Dương, Xuân Hòa, Long Phúc, Lương Sơn và thị trấn Phố Ràng; Thủy điện Tân Tiến đã tham vấn ý kiến Nhân dân xã Tân Tiến, Nghĩa Đô…

Ông Hoàng Chí Hiền, Giám đốc Sở Công thương: "Các dự án thủy điện đều có tham vấn người dân vùng dự án".

Ông Hoàng Chí Hiền, Giám đốc Sở Công thương: "Các dự án thủy điện đều có tham vấn người dân vùng dự án".

Với trách nhiệm tham mưu, Sở Công thương đã chủ trì và phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản về quản lý đầu tư xây dựng, vận hành thủy điện và tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác công trình thủy điện trên địa bàn. Việc tham mưu luôn hướng tới phương châm phát triển thủy điện bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường. Trong quá trình quản lý các dự án, Sở Công thương coi trọng việc tiếp nhận thông tin phản ánh của chính quyền địa phương, của Nhân dân để phối hợp và tham gia giải quyết bằng các giải pháp hiệu quả.

Không có hồ sơ chỉnh lý biến động đất tồn đọng

Chất vấn lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, đại biểu Bùi Văn Đức, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại thành phố Lào Cai nêu: Năm 2014, có 150 hộ tại thôn Giao Ngay, Giao Tiến xã Gia Phú (nay thuộc xã Thống Nhất, thành phố Lào Cai) được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi đó khu vực thuộc “vùng quy hoạch sân bay”, đến nay không thuộc quy hoạch này nữa nhưng người dân chưa được điều chỉnh Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đại biểu Bùi Văn Đức, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại thành phố Lào Cai chất vấn lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường .

Về nội dung này, ông Hồ Cao Khải, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường giải đáp: Khoản 3, Điều 49 Luật Đất đai năm 2013 quy định diện tích đất được công bố thu hồi phục vụ dự án mà sau 3 năm chưa có quyết định thu hồi thì kế hoạch sử dụng đất phải được điều chỉnh. Trong trường hợp cơ quan nhà nước không điều chỉnh thì người sử dụng đất không bị hạn chế các quyền cơ bản. Hiện, địa điểm xây dựng sân bay Sa Pa đã được điều chỉnh xây dựng tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, đến nay đã hơn 3 năm mà chưa có quyết định thu hồi đất thì người dân 2 thôn Giao Ngay và Giao Tiến không bị hạn chế quyền của người sử dụng đất theo quy định.

Cũng liên quan đến đến lĩnh vực này, đại biểu Bùi Văn Đức nêu: Ngày 17/2/2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 56/KH-UBND về thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính, trong đó có phân công cho Sở Tài nguyên và Môi trường “hướng dẫn tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong việc chỉnh lý biến động đất đai và hồ sơ người sử dụng đất do thay đổi địa giới đơn vị hành chính theo quy định. Không thu các loại lệ phí khi thực hiện chuyển đổi do điều chỉnh đơn vị hành chính”. Tuy nhiên, thời gian qua, cơ quan giải quyết thủ tục hành chính vẫn thu phí, lệ phí khi công dân nộp hồ sơ, tiến độ chỉnh lý hồ sơ cũng rất chậm.

Về nội dung này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hồ Cao Khải nêu: Tại Khoản 1, Điều 11, Nghị quyết 653/2019/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và văn bản số 2247/STC-TCHCSN ngày 27/9/2021 của Sở Tài chính Lào Cai có đề cập: Khi tổ chức, cá nhân đi thực hiện thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ thì không thu các loại lệ phí do thay đổi địa giới hành chính, còn phí thì trong Khoản 1, Điều 11, Nghị quyết 653/2019/NQ-UBTVQH14 không đề cập. Quy định khi thẩm định hồ sơ đăng ký biến động đất đai thuộc danh mục thu phí trong nội dung Luật Phí và lệ phí, mức thu đã được quy định cụ thể tại Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 10/7/2020 và sau đó là Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 9/4/2021 của HĐND tỉnh.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hồ Cao Khải khẳng định: Không có hồ sơ chỉnh lý đất tồn đọng.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hồ Cao Khải khẳng định: Không có hồ sơ chỉnh lý đất tồn đọng.

Về việc chỉnh lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố Lào Cai do sáp nhập xã, phường, tổ dân phố, thay đổi địa giới hành chính, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trưởng khẳng định là: Đảm bảo đúng thời gian quy định và không có hồ sơ tồn đọng. “Các trường hợp được cho là chậm chỉnh lý chủ yếu do người dân đang thế chấp quyền sử dụng đất tại các ngân hàng, các tổ chức tín dụng hoặc thuộc trường hợp giấy chứng nhận đã cũ, nhàu, rách phải chờ cấp đổi...”, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trưởng giải đáp.

Chứng thực hợp đồng, văn bản liên quan đất đai tiếp tục do cơ sở hành nghề công chứng đảm nhận

Đại biểu Phạm Ngân Hà, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại thành phố Lào Cai khi chất vấn lãnh đạo Sở Tư pháp có nêu: Ngày 17/11/2009, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3818/QĐ-UBND trong đó quy định chuyển giao việc chứng thực các hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất từ UBND các xã, phường trên địa bàn thành phố Lào Cai cho các tổ chức hành nghề công chứng.

Đại biểu Phạm Ngân Hà, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại thành phố Lào Cai chất vấn lãnh đạo Sở Tư pháp.

Đại biểu Phạm Ngân Hà, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại thành phố Lào Cai chất vấn lãnh đạo Sở Tư pháp.

Theo đại biểu Phạm Ngân Hà, quy định này là chưa đúng với Khoản 3, Điều 167, Luật Đất đai và các quy định về chứng thực, điều này đã hạn chế quyền lựa chọn của công dân khi sở hữu tài sản là đất đai tại thành phố Lào Cai. UBND thành phố Lào Cai nhiều lần đề nghị sửa đổi quy định nhưng chưa có kết quả. Đề nghị lãnh đạo Sở Tư pháp giải đáp.

Được Thường trực kỳ họp chỉ định trả lời, ông Lê Ngọc Quỳnh, Giám đốc Sở Tư pháp khẳng định: Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa chủ trương, trong đó có nội dung giao thẩm quyền chứng nhận hợp đồng, văn bản về quyền sử dụng đất của UBND cấp xã sang các tổ chức hành nghề công chứng.

Dẫn chứng căn cứ, Giám đốc Sở Tư pháp nhắc tới: Luật Công chứng năm 2006; Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký; Quyết định số 2104/QĐ-TTg ngày 29/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020”; Bộ Tư pháp có văn bản số số 4800/BTP-BTTP ngày 21/11/2014 về việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất…

Ông Lê Ngọc Quỳnh, Giám đốc Sở Tư pháp: Chứng thực hợp đồng, văn bản liên quan đất đai cần tiếp tục do cơ sở hành nghề công chứng đảm nhận.

Ông Lê Ngọc Quỳnh cũng nhấn mạnh, hoạt động công chứng trên địa bàn thành phố Lào Cai đang ổn định, góp phần giảm thiểu rủi ro trong quản lý, giải quyết tranh chấp đất đai, nhà ở nên Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh không chuyển giao việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất từ tổ chức hành nghề công chứng sang UBND cấp xã trên địa bàn thành phố Lào Cai.

Ngoài 3 nhóm câu hỏi nêu trên, đại biểu Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Bát Xát, thị xã Sa Pa đã đề cập 3 nhóm câu hỏi liên quan đến đến lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, HĐND tỉnh đã yêu cầu lãnh đạo ngành có liên quan là Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa - Thể thao và Du lịch trả lời đại biểu, chính quyền và cử tri bằng văn bản.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/350429-chat-van-va-tra-loi-chat-van-dung-trong-tam