'Chất vàng mười' của thầy giáo áo lính
Đến với Khoa Chỉ huy Hậu cần, Học viện Hậu cần vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), tôi thực sự ấn tượng với không khí thi đua sôi nổi, tích cực của đội ngũ cán bộ, giảng viên nơi đây. Bất chợt gặp và nói vui với một đồng chí giảng viên của Khoa theo cách nói của nhà văn Nguyễn Tuân thuở trước rằng: Tôi muốn đưa vào những dòng bút của mình 'chất vàng mười' của thầy giáo áo lính giữa thời bình. Biết được ý tưởng đó, đồng chí đã giới thiệu tôi với Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sơn, Phó chủ nhiệm Khoa Chỉ huy Hậu cần.
Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sơn sinh ra và lớn lên tại quê hương Ninh Bình. Năm 1996 anh đã thi đỗ vào Học viện Hậu cần. Những năm tháng học tập và rèn luyện dưới mái trường Học viện Hậu cần với anh thật đáng nhớ. Anh nung nấu quyết tâm: “Học tập và rèn luyện tốt, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, sẵn sàng đi bất cứ đâu khi Tổ quốc cần”. Tháng 8-2001, anh tốt nghiệp và được Học viện giữ lại công tác.
Sau khi chủ động bám nắm đơn vị, học hỏi đồng đội, các thầy đi trước và được bồi dưỡng kiến thức, Nguyễn Ngọc Sơn từng bước bắt nhịp và dần hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Những năm sau đó, anh được điều động làm trợ lý hậu cần tiểu đoàn, làm cán bộ chỉ huy đại đội và được cử đi đào tạo nâng cao trình độ. Trên mỗi cương vị công tác, anh luôn tận tâm, tận tụy, hăng say với công việc, tích cực, chủ động học tập tích lũy kiến thức, kinh nghiệm và phương pháp, tác phong công tác. Học xong, anh được điều động về khoa làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, năm 2018 anh vinh dự được nhận bằng Tiến sĩ.
Trên cương vị được giao, đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn đã cùng với cấp ủy, chỉ huy bộ môn xây dựng tinh thần đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo và chỉ huy, điều hành bộ môn không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng giảng dạy và các mặt công tác, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Niềm vui, phấn khởi xen lẫn tự hào khi năm học vừa qua anh được Thường vụ Đảng ủy Học viện bổ nhiệm giữ chức Phó chủ nhiệm Khoa Chỉ huy Hậu cần, được Bộ Quốc phòng thăng quân hàm Đại tá trước niên hạn. Niềm vui nối tiếp niềm vui khi những ngày gần đây anh đã được Hội đồng Giáo sư các cấp đề nghị xét, đạt tiêu chuẩn Phó giáo sư năm 2023.
Qua đồng đội, tôi biết rất nhiều về thành tích tiêu biểu của Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn, đặc biệt năm học 2022 - 2023 vừa qua, anh đã tham gia 1 đề tài cấp Bộ Quốc phòng nghiệm thu đạt Xuất sắc; 1 đề tài Bộ Tổng Tham mưu nghiệm thu đạt Khá; chủ biên 1 đầu bài tập và 2 tài liệu hướng dẫn; viết và đăng 10 bài báo khoa học trên các tạp chí; thực hành giảng dạy 639 tiết quy đổi. Với kết quả giảng dạy và nghiên cứu khoa học của bản thân, trong 4 năm học liên tiếp, Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn đều được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; Bằng khen của Bộ Tổng Tham mưu (năm 2022); Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân (2023).
Trong câu chuyện, Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn đã chia sẻ với tôi 4 kinh nghiệm quý mà anh coi đó là hành trang trong suốt quá trình công tác. Đó là luôn tích cực, chủ động trong công việc, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; nêu cao tinh thần cầu thị, nỗ lực học tập, nâng cao trình độ mọi mặt; mẫu mực, tự giác chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật, nền nếp, chế độ quy định; gương mẫu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể và tích cực hòa mình vào các phong trào thi đua.
Nắm chặt bàn tay anh trước khi ra về, tôi thầm cảm ơn vì những gì anh đã chia sẻ trong lần gặp gỡ này. Không hẳn là vì tôi đã tìm được “chất vàng mười” cho bài viết của mình mà quan trọng hơn là tôi lại tìm thêm được hình ảnh người lính Cụ Hồ giữa thời bình như anh đang ngày đêm miệt mài bên từng trang giáo án, nỗ lực không ngừng, dồn hết tâm sức phụng sự cho Đảng, phụng sự Tổ quốc và nhân dân.
Bài và ảnh: ĐẮC HUY
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.