Chật vật khi lương không theo kịp giá cả
Dự kiến trong tháng 8 tới đây, phiên họp thứ 2 Hội đồng Tiền lương Quốc gia được tổ chức lại để thống nhất phương án tăng lương tối thiểu vùng và thời điểm áp dụng. Tại phiên họp thứ nhất ngày 26/6 vừa qua, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã đề xuất 2 phương án là tăng 8,3% và 9,2%, thời điểm áp dụng từ 1/1/2026.
Các bên chưa đạt được sự đồng thuận, và câu chuyện tăng lương tối thiểu vùng đang nhận được sự quan tâm từ hàng triệu công nhân lao động. Lương không theo kịp giá và đời sống của công nhân, người lao động vẫn luôn rất chật vật.
Lương chưa tăng, giá đã tăng
Làm công nhân may mặc tại Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội hơn 10 năm nay, chị Đoàn Thị Oanh (quê ở Thái Nguyên) cho hay, với chi phí sinh hoạt đắt đỏ như hiện nay cuộc sống đang ngày càng áp lực. Lương của chị được hơn 7 triệu đồng/tháng, cộng với cả tiền tăng ca, thu nhập hàng tháng khoảng 8,5 triệu đồng. Chồng chị cũng làm công nhân ở Khu công nghiệp Bắc Thăng Long thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng.
“2 con nhỏ gửi ở quê nên vợ chồng tôi phải tằn tiện lắm mỗi tháng mới gửi về 3 – 4 triệu đồng cho ông bà chăm cháu. Thu nhập không cao, nhưng giờ giá cả cái gì cũng đắt đỏ, nên khó càng thêm khó. Tiền điện hiện nay chủ trọ cũng đã tăng lên 3.500 đồng/kWh, vì thế nhiều hôm đi làm về dù mệt nhưng vợ chồng không dám dùng điều hòa. Bữa ăn thi thoảng mới có thịt bởi giá thịt hiện đã tăng 20.000 – 30.000/kg, đến chai dầu ăn, mắm muối đều tăng cả. Phải cố gắng tiết kiệm lắm mới có đồng dư gửi về quê nuôi con. Chính vì thế tăng lương là mong muốn chính đáng của công nhân lao động chúng tôi hiện nay, nếu không cứ đà này giá cả sinh hoạt sẽ vượt quá xa thu nhập, sợ rằng công nhân xa quê như chúng tôi không trụ nổi”, chị Oanh chia sẻ.
Thực tế, thời gian qua không ít gia đình công nhân đã phải rời nhà máy trở về quê do mức chi phí cuộc sống tại các thành phố, trung tâm công nghiệp lớn ngày càng cao. Trong khi đó, mức lương tối thiểu tháng vùng I hiện chỉ 4,96 triệu đồng; vùng II là 4,41; vùng III là 3,86 và vùng IV là 3,45 triệu đồng. Người lao động đang chật vật khi mức lương hiện nay không đủ sống.
Theo khảo sát do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện mới đây, có 54,9% người lao động cho biết tiền lương, thu nhập của họ vừa đủ chi tiêu cơ bản của gia đình; 26,3% người lao động phải tằn tiện, chi tiêu kham khổ; 7,9% người lao động không đủ sống, phải làm thêm các công việc khác để có thêm thu nhập. Không ít trường hợp phải vay mượn để chi trả cho các nhu cầu phát sinh đột xuất. Con số đáng suy nghĩ nữa là chỉ có 55,5% người lao động có đủ điều kiện ăn thịt, cá trong tất cả các bữa ăn chính (không kể bữa ăn ca tại doanh nghiệp).
Rồi có tới 72,6% tổng số người chưa lập gia đình cho biết tiền lương là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến quyết định lập gia đình của họ. Họ không dám lập gia đình khi không đảm bảo được chi phí sinh hoạt và nuôi con. Có nhiều trường hợp còn cho biết, thu nhập không đủ để khám chữa bệnh. Chính vì thế, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, việc sớm điều chỉnh lương tối thiểu vùng là quan trọng, cấp bách và hết sức cần thiết đối với người lao động và gia đình họ.

Cuộc sống của công nhân lao động ngày càng khó khi giá cả tăng nhanh.
Yêu cầu cấp thiết
Từng đứng trước Quốc hội đề đạt nguyện vọng của công nhân lao động về sớm nâng lương tối thiểu vùng tại kỳ họp vừa qua, bà Thái Thu Xương, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho hay, người lao động đang rất khó khăn. Đặc biệt là công nhân tại các khu công nghiệp đang phải đối mặt với sức ép rất lớn khi giá điện, giá vàng tăng, kéo theo giá lương thực, thực phẩm cũng tăng theo. Vậy nhưng tình trạng việc làm của không ít người lao động hiện không ổn định, thu nhập giảm sút, đời sống bấp bênh.
“Tính từ năm 2023 đến nay, giá điện đã điều chỉnh tăng 4 lần với tỉ lệ tăng là 17%, trong khi đó lương tối thiểu vùng của công nhân chỉ tăng một lần với mức tăng là 6%. Đáng nói là mỗi lần giá điện tăng thì giá tất cả các mặt hàng nhu yếu phẩm đều tăng. Thu nhập thấp nên đời sống của người công nhân lao động, những người trực tiếp làm ra của cải cho xã hội càng lúc càng khốn khó”, bà Xương phân tích.
Theo bà Xương, thu nhập không đủ trang trải cho nhu cầu thiết yếu hàng ngày thì nói gì đến tiết kiệm hay đầu tư cho tương lai. Chính vì thế, người lao động rất mong Chính phủ có giải pháp kiểm soát lạm phát bình ổn các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là giá điện và lương thực, thực phẩm. Cùng với đó khẩn trương xem xét, điều chỉnh, tăng lương tối thiểu vùng. Đây là yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn của đời sống người lao động. Mức lương tối thiểu vùng cần thực sự đáp ứng mức sống tối thiểu, đúng với tinh thần quy định trong Bộ luật Lao động.
Là thành viên trong phiên họp bàn phương án tăng lương tối thiểu vùng trong phiên họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia vừa qua, ông Nhạc Phan Linh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và Tạp chí Lao động - Công đoàn cho hay, 2 phương án tăng lương tối thiểu vùng được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất trên cơ sở không chỉ đến từ các yếu tố kinh tế vĩ mô mà còn gắn với chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về việc cải thiện điều kiện sống và an sinh xã hội cho người lao động khi đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, thành nước phát triển vào năm 2045.
"Muốn đạt được mức thu nhập bình quân đầu người khoảng 15.000 USD vào năm 2045, trong khi hiện tại mới chỉ khoảng 4.700 USD, thì khoảng cách còn rất lớn. Như vậy, mức lương và thu nhập phải được nâng lên đều đặn mỗi năm để theo kịp mục tiêu đó. Đây là động lực, cũng là cơ sở để Hội đồng Tiền lương quốc gia tiếp cận vấn đề lương tối thiểu theo một cách mới.
Tăng trưởng GDP năm 2024 đạt 7,9%, năm nay đặt mục tiêu tối thiểu 8%, hướng tới tăng trưởng hai con số trong tương lai. Vậy thì lương và thu nhập của người lao động cũng phải được tính toán để tăng cho tương xứng. Nếu mức tăng lương tối thiểu thấp hơn 8% thì người lao động đang không được hưởng đúng phần của mình từ thành quả tăng trưởng", ông Linh phân tích.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/chat-vat-khi-luong-khong-theo-kip-gia-ca-i774149/