Chật vật trồng hơn 227 ha rừng thay thế ở Tuyên Quang

Được tỉnh giao trồng hơn 227 ha rừng thay thế khi thực hiện 8 dự án, nhưng đến nay Quỹ bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh Tuyên Quang vẫn đang chật vật đi tìm quỹ đất trồng rừng.

Tháng 12/2023, UBND tỉnh Tuyên Quang ban hành Quyết định số 508/QĐ-UBND về việc giao Ban quản lý rừng phòng hộ Lâm Bình và Ban Quản lý dự án Bảo vệ và Phát triển rừng huyện Lâm Bình làm chủ đầu tư thực hiện việc trồng rừng thay thế cho các dự án triển khai trên địa bàn.

Cụ thể, thực hiện trồng mới 39,65 ha rừng từ nguồn kinh phí do 8 chủ dự án đã chấp thuận nộp tiền trồng rừng thay thế.

Đồng thời, giao Ban Quản lý dự án Bảo vệ và Phát triển rừng huyện Chiêm Hóa làm chủ đầu tư thực hiện trồng 188,14 ha rừng từ nguồn kinh phí do chủ dự án chấp thuận nộp tiền trồng rừng thay thế để triển khai thực hiện Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) - đoạn qua tỉnh Tuyên Quang.

Diện tích này là một phần trong tổng diện tích phải trồng rừng thay thế của toàn bộ dự án.

Để thực hiện dự án Cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang giai đoạn 1, tỉnh Tuyên Quang phải trồng thay thế số rừng đã chuyển đổi sang mục đích khác là 188,14ha. (ảnh chụp tại đoạn đi qua huyện Hàm Yên).

Để thực hiện dự án Cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang giai đoạn 1, tỉnh Tuyên Quang phải trồng thay thế số rừng đã chuyển đổi sang mục đích khác là 188,14ha. (ảnh chụp tại đoạn đi qua huyện Hàm Yên).

Tuy nhiên, kể từ khi Quyết định trên được ban hành vẫn chưa có diện tích rừng nào được trồng để thay thế số rừng đã mất để thực hiện các dự án quan trọng trên địa bàn.

Đáng nói, theo đại diện Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Tuyên Quang, đến thời điểm hiện tại mới chỉ có 16 hộ gia đình và 1 cộng đồng ở xã Phú Bình, huyện Chiêm Hóa đăng ký trồng với diện tích 18,5ha trong tổng số diện tích 188,14ha được giao.

Lí giải về vấn đề này, ông Triệu Đăng Khoa – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang (phụ trách lĩnh vực phát triển rừng) cho biết: “Việc trồng rừng thay thế thực tế hiện nay cực kỳ khó khăn và nhiều vướng mắc. Đến nay, thời hạn chỉ còn 6 tháng, cái khó là không nhận trồng thay thế thì không thể thực hiện kịp thời tiến độ các dự án mà tỉnh được giao, chẳng hạn như cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang”.

Theo ông Khoa, đến thời điểm hiện tại chủ đầu tư của 4 dự án gồm: Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang, Dự án đường dây đường dây 110 kV đấu nối nhà máy Thủy điện Sông Lô 7 vào hệ thống điện Quốc gia và Dự án nhà máy sản xuất gỗ huyện Yên Sơn đã nộp tiền trồng rừng thay thế là hơn 21 tỷ đồng.

Ông Khoa cũng cho hay, thực tế qua rà soát tại huyện Lâm Bình có rất ít quỹ đất để thực hiện dự án trồng rừng thay thế. Hoặc rà soát có diện tích nhưng người dân không đồng ý trồng.

Hạt Kiểm lâm huyện Chiêm Hóa vận động nhân dân xã Phú Bình trồng rừng thay thế để thực hiện dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang.

Hạt Kiểm lâm huyện Chiêm Hóa vận động nhân dân xã Phú Bình trồng rừng thay thế để thực hiện dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang.

Ông Khoa ví dụ, đợt vừa rồi ông có đi thực tế tại một số xã của huyện Lâm Bình tiếp xúc với 2 trưởng thôn người Mông. Đoàn công tác vận động họ trồng rừng thì họ trả lời, khu vực đất trống mà ngành chức năng rà soát là nơi chăn thả gia súc nhiều năm nên khi trồng rừng vào người dân không có nơi chăn thả. Thêm vào đó, nhiều diện tích được rà soát là đất trống nhưng xa khu dân cư, khi trồng sẽ khó chăm sóc, bảo vệ.

Cũng theo ông Khoa, thời điểm các chủ dự án thực hiện nghĩa vụ nộp tiền vào Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh để trồng rừng thay thế buộc phải thực hiện theo Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT khiến đơn vị thực hiện trồng rừng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

“Song, vấn đề này đã được Bộ NN&PTNT điều chỉnh tại Thông tư số 22/2023/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ 01/02/ 2024 hy vọng sẽ gỡ khó trong công tác trồng rừng tại địa phương”, ông Khoa chia sẻ thêm.

Ông Kim Ngọc Tuyên – Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Chiêm Hóa (phụ trách lĩnh vực phát triển rừng) cho hay: “Thời gian theo quy định 1 năm để trồng là quá ngắn. Đối với diện tích trồng được giao lớn như địa phương còn phải đấu thầu, riêng thời gian đăng tải mời thầu trên mạng đã hết 3 tháng nên không thể kịp thời vụ trồng trong năm, nếu làm nhanh thì sai quy định của pháp luật”.

Cũng theo tìm hiểu của PV, tình trạng tương tự cũng diễn ra tại huyện Lâm Bình, đến nay vẫn chưa thể rà soát được diện tích cụ thể để trồng rừng thay thế.

Cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang giai đoạn 1, tỉnh Tuyên Quang phải trồng thay thế số rừng đã chuyển đổi sang mục đích khác là 188,14ha.

Cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang giai đoạn 1, tỉnh Tuyên Quang phải trồng thay thế số rừng đã chuyển đổi sang mục đích khác là 188,14ha.

Để giải quyết vấn đề này, theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang, thời gian tới đây Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ đề xuất UBND tỉnh cho điều chỉnh kế hoạch trồng rừng thay thế năm 2024 sang thực hiện trong năm 2025 do đã hết thời vụ trồng rừng đối với loài cây mỡ.

Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh giao chỉ tiêu trồng rừng thay thế cho UBND các huyện, thành phố để tổ chức thực hiện và phải hoàn thành trong năm 2025.

Đồng thời đề nghị điều chỉnh giảm 1,47 ha diện tích phải trồng rừng thay thế của Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải Tâm Hà do đã chấm dứt hoạt động.

Thêm vào đó, đơn vị sẽ tiếp tục đôn đốc 3 chủ dự án khẩn trương thực hiện nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Tuyên Quang theo quy định.

Ngoài ra, Sở cũng yêu cầu, Ban Quản lý dự án bảo vệ và phát triển rừng huyện Lâm Bình, Ban Quản lý dự án bảo vệ và Phát triển rừng huyện Chiêm Hóa tiếp tục phổ biến tuyên truyền về ý nghĩa, lợi ích của trồng rừng thay thế, vận động các hộ gia đình trên địa bàn tham gia trồng rừng thay thế.

Theo quyết định của UBND tỉnh Tuyên Quang, 8 dự án trồng rừng thay thế gồm:

1. Dự án Đường Hang Khào đi qua Lũng Trúc đến thôn Lũng Giang, xã Năng Khả, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang; diện tích chấp thuận nộp tiền trồng rừng thay thế là 3,507 ha.

2. Dự án công trình đường dây 110 kV đấu nối Nhà máy Thủy điện Sông Lô 7 vào hệ thống điện Quốc gia; diện tích chấp thuận nộp tiền trồng rừng thay thế là 0,01574 ha.

3. Dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải Tâm Hà; diện tích chấp thuận nộp tiền trồng rừng thay thế là 1,47 ha.

4. Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn (đoạn qua tỉnh Tuyên Quang); diện tích chấp thuận nộp tiền trồng rừng thay thế là 12,2701 ha.

5. Tiểu dự án 2: Giải phóng mặt bằng địa phận huyện Yên Sơn, thuộc dự án Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Tuyên Quang (Khu dân cư - Tái định cư xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang); diện tích chấp thuận nộp tiền trồng rừng thay thế là 1,1781 ha.

6. Dự án Nhà máy sản xuất gỗ huyện Yên Sơn; diện tích chấp thuận nộp tiền trồng rừng thay thế là 3,9038 ha.

7. Dự án khai thác sét làm gạch ngói và đất làm vật liệu san lấp mỏ Kỳ Lãm 1, phường Đội Cấn, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang; diện tích chấp thuận nộp tiền trồng rừng thay thế là 15,119 ha.

8. Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) - đoạn qua tỉnh Tuyên Quang; diện tích chấp thuận nộp tiền trồng rừng thay thế là 2,187 ha (diện tích 2,187 ha này là một phần trong tổng diện tích phải trồng rừng thay thế của toàn bộ Dự án).

Gia Phan - Phú Nguyễn

Nguồn CL&XH: https://xahoi.congly.vn/chat-vat-trong-hon-227-ha-rung-thay-the-o-tuyen-quang-444052.html