Chật vật vì xăng tăng giá
Giá xăng tăng mạnh trong vài ngày qua, đã góp phần làm cho đời sống người lao động vốn đã khó nay càng thêm khó.
“Tắt ứng dụng thì đói, mà chạy chở khách thì ôm lỗ vì giá xăng hiện lên quá cao” - anh Lê Văn Tình (35 tuổi, quê Trà Vinh) giải bày nỗi niềm khi được hỏi về công việc. Vốn là tài xế xe công nghệ, thu nhập của anh Tình phụ thuộc vào các cuốc xe nhận trong ngày. Tuy nhiên, suốt 2 tháng, giá xăng liên tục lên cao, lần gần nhất (ngày 21/9) tăng 800 đồng/lít khiến anh Tình càng thêm lo lắng.
Nam tài xế cho biết, trung bình mỗi ngày nhận ít nhất khoảng 20 đơn hàng, giá cước trung bình dao động từ 20.000 - 25.000 đồng, trừ chi phí xăng dầu còn khoảng 15.000 - 20.000 đồng. Tính ra mỗi ngày cũng có thu nhập tối thiểu 300.000 - 400.000 đồng. Tuy nhiên, từ khi xăng “cứ lên mà không xuống”, thu nhập của anh Tình cũng giảm theo. “Mình cố gắng chạy thêm nhiều đơn hàng để lấy thu bù chi nhưng không kham nổi, chưa kể TPHCM thường xuyên kẹt xe, ngập nước… di chuyển chậm càng thêm tốn xăng, từ đó thu nhập giảm mạnh” - anh Tình nói.
Đơn hàng tại công ty giảm, thu nhập bấp bênh nên ngày nào chị Võ Thị Anh (công nhân may, ngụ quận 8) cũng tranh thủ nhận thêm chân đưa đón học sinh về nhà, học thêm… “Mình thỏa thuận giá cả với phụ huynh và nhận tiền mỗi đầu tháng. Nhờ đó cũng có thêm khoảng 1 - 1,5 triệu đồng/tháng, lo chi phí ăn uống, nhà trọ. Tuy nhiên mấy tháng qua, giá xăng tăng quá cao nhưng mình không thể tăng giá với phụ huynh vì sợ mất mối nên cố gắng cầm cự, tuy nhiên, tới giờ đã gần ngưỡng chịu đựng. Nếu thời gian tới giá xăng không thay đổi, lo rằng mình khó có thể tiếp tục công việc này” - nữ công nhân bộc bạch.
Chúng tôi đến nhiều xóm trọ công nhân đang làm việc tại khu chế xuất Tân Thuận (quận 7), điều làm công nhân quan tâm nhất hiện nay là giá xăng tăng cao làm cho nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm cũng tăng theo. Trên đường Bùi Văn Ba (quận 7), buổi chợ chiều luôn tấp nập công nhân, nay dường như cũng đìu hiu hơn. Bà Thủy, bán rau củ, tôm cá phe phẩy cái nón lá đã bạc màu, nói: “Đa số các loại thực phẩm giờ tăng giá từ 10 - 15% (3.000 - 5.000 đồng/kg) do chi phí vận chuyển tăng do xăng. Lương công nhân đã giảm vì công ty ít đơn hàng, nay lại càng phải dè xẻn, tằn tiện khi chi phí ăn uống tăng cao. Do vậy khách đến chợ mua sắm càng ít đi. Chúng tôi cũng lo lắng khi sức mua giảm”.
“Chúng tôi gom bữa sáng và bữa trưa làm một; đi làm bằng xe đạp hoặc đi bộ” - anh Trần Văn Bình (28 tuổi, công nhân Công ty PouYuen, quận Bình Tân) chia sẻ cách chi tiêu trong gia đình. Theo lời anh Bình, hiện tất cả các quầy hàng ăn sáng đều tăng giá trong gần một tháng qua. Món rẻ nhất là xôi, bánh mì cũng lên đến 20.000 đồng; các món còn lại như cơm tấm, hủ tiếu gõ… cũng từ 30.000 - 35.000 đồng/tô. Trong khi đồng lương công nhân chỉ khoảng 7 triệu đồng/tháng, trong đó hơn phân nửa lo cho con đi học, còn lại để ăn uống, thuê nhà… “Trước đây tôi cũng chạy xe ôm giao hàng kiếm thêm chút đỉnh nhưng từ khi giá xăng tăng cao đi đến khuya chỉ đủ tiền xăng nên đành bỏ nghề” - anh Bình nói, giọng buồn thiu.
Cần trích quỹ bình ổn
Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho biết, do tỷ lệ thuận với đà tăng của giá xăng dầu, có những thời điểm, chi phí nhiên liệu chiếm tỷ trọng rất cao, lên tới 40 - 45% chi phí vận tải đường bộ, cao nhất trong các phương thức. “Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, là đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất, do đó, khi xăng tăng giá không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Vì thế, vấn đề cần thiết hiện nay là phải nhanh chóng kìm hãm đà tăng giá xăng dầu cũng như các loại hàng hóa khác”, ông Liên nói.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, xăng dầu là mặt hàng quan trọng, có tác động ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sản xuất kinh doanh và mặt bằng giá cả hàng hóa. Giá xăng dầu tăng mạnh có thể tác động tới Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nền kinh tế. Việc điều hành giá xăng dầu phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - người dân và doanh nghiệp và đặc biệt đảm bảo sự ổn định của kinh tế vĩ mô.
“Trong bối cảnh, người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế đang gặp khó khăn, cơ quan chức năng cần thận trọng khi điều chỉnh giá xăng dầu. Nếu giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, cơ quan chức năng có thể dùng biện pháp can thiệp như tính toán thuế, phí nhằm điều tiết giá xăng dầu”, ông Long kiến nghị.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, giá xăng dầu tăng cao sẽ trực tiếp tác động đến túi tiền của người dân, doanh nghiệp nhất là người nghèo. Trong khi đó, tiền của người dân trong Quỹ Bình ổn giá xăng dầu vẫn ở mức cao. Ông Phú kiến nghị, khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, cơ quan chức năng cần trích Quỹ Bình ổn xăng dầu để kiềm chế mức tăng. Theo số liệu Bộ Tài chính, đến cuối tháng 7/2023, số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu ở mức hơn 7.400 tỷ đồng. Số dư tăng mạnh là do liên bộ Công Thương - Tài chính liên tục trích lập vào quỹ từ đầu năm đến nay.
Đến nay, giá xăng dầu trong nước tăng mạnh, lên gần 26.000 đồng/lít, xăng RON 95 ở mức 25.748 đồng/lít, RON 92 là 24.197 đồng/lít. Đây là mức cao nhất kể từ đầu năm tới nay. Từ đầu năm 2023 đến nay, giá xăng đã trải qua 27 lần điều chỉnh, trong đó có 16 lần tăng, 7 lần giảm và 4 lần giữ nguyên. Việc giá xăng dầu liên tục tăng là một trong những nguyên nhân chính kéo CPI tháng 8/2023 tăng 0,88%.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chat-vat-vi-xang-tang-gia-post1572019.tpo