Chật vật với vắc-xin ngừa Covid-19
Tiêm chủng ngừa Covid-19 đang được cả thế giới coi là vũ khí hữu hiệu nhất chống đại dịch chưa từng có trong lịch sử.
Tuy nhiên, thời gian nghiên cứu phát triển vắc-xin thần tốc đã dẫn đến nhiều hệ lụy, cộng với sự phức tạp liên quan đang khiến nhiều nước phải chật vật với chính phương thức chống virus Covid-19 được coi là sắc bén này.
Tại châu Đại Dương, New Zealand trong năm 2020 từng được coi là hình mẫu chống dịch của thế giới nhờ áp dụng chiến thuật phong tỏa sớm, thực hiện thành công cả hai mục tiêu vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Tuy nhiên, khi bước vào giai đoạn tiêm chủng đại trà thì quốc đảo này lại đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ.
Sau vài tháng triển khai, New Zealand mới tiêm vắc-xin được gần 2,2 % dân số, một tỷ lệ quá thấp so với kỳ vọng và không đủ để chống dịch hiệu quả.
Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra ở các “hình mẫu chống dịch” khác như Hàn Quốc, Nhật Bản và trên đảo Đài Loan khi tại đây đều có chưa có đến 4% dân số được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19.
Lý do chính khiến nhiều nơi ở châu Á - Thái Bình Dương có tình trạng ì ạch trong chiến dịch tiêm chủng là vì đã không sớm đặt mua vắc-xin từ các nhà sản xuất, dẫn đến không chủ động được nguồn cung.
Tại chiều ngược lại, Israel đang là nước dẫn đầu thế giới về tỷ lệ dân số được tiêm chủng nhờ sớm đặt mua hầu hết các loại vắc-xin trong khi cả thế giới còn đang do dự. Nhờ đó từ tuần này, Israel đã có thể dỡ bỏ quy định người dân phải bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài.
Trong khi đó, không phải cứ có tỷ lệ tiêm chủng cao thì đại dịch sẽ được kiểm soát, mà kết quả còn phụ thuộc vào chất lượng vắc-xin sử dụng.
Chile là trường hợp điển hình của tình huống này khi có tới hơn 1/3 dân số được tiêm phòng và thuộc hàng cao nhất Nam Mỹ, nhưng dịch vẫn bùng phát làn sóng thứ hai, buộc chính phủ phải ban bố phong tỏa cả nước kể từ đầu tuần này.
Dịch vẫn bùng phát bất chấp tiêm chủng đạt hiệu quả cao tại Chile được các chuyên gia giải thích là do yếu tố vắc-xin. Tiến sỹ Axel Kahn, nguyên Giám đốc Viện nghiên cứu sức khỏe và y học quốc gia Pháp (INSERM) cho biết, dù có hơn 1/3 dân số Chile đã được tiêm chủng nhưng hầu hết mới tiêm một mũi và số người được tiềm phòng đủ hai mũi chỉ chiếm hơn 10%, nên dịch bùng phát là điều bình thường.
Chile cũng chỉ sử dụng vắc-xin CoronaVac của Trung Quốc vốn đạt hiệu quả phòng bệnh chỉ 79% nếu tiêm đủ hai liều, thấp hơn nhiều so với con số 94% của vắc-xin Pfixer/BioNTech.
Còn nếu mới tiêm một liều thì hiệu quả chỉ đạt dưới 10%, nghĩa là gần như vô dụng trong phòng bệnh. Theo giới chuyên gia quốc tế, đây là lý do chính khiến Chile dù tỷ lệ tiêm chủng cao nhưng dịch vẫn bùng phát dữ dội.
Các loại vắc-xin là vũ khí hữu hiệu để chống dịch hiện nay nhưng không thể hoàn toàn dựa vào phương thức này.
Tiêm chủng chỉ phát huy tối đa tác dụng khi tỷ lệ dân số được tiêm đạt tới ngưỡng miễn dịch cộng đồng là khoảng 80% dân số, cộng với các biện pháp phòng dịch cơ bản vẫn phải được duy trì như đeo khẩu trang và tránh tụ tập đông người.
Cuộc chiến chống Covid-19 hiện đã nhìn thấy những tín hiệu tích cực nhưng để thanh toán hoàn toàn đại dịch này như nhân loại đã từng làm với các đại dịch trước đây thì cần một hành động thống nhất toàn cầu, đặc biệt trong việc phân phối công bằng vắc-xin.
Chỉ cần một quốc gia hay một khu vực vẫn để dịch hoành hành vì thiếu vắc-xin thì thế giới vẫn còn đầy đủ khả năng lại bị nhấn chìm trong virus.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/the-gioi/chat-vat-voi-vac-xin-ngua-covid-19-CDUs93XMR.html