Chatbot giống ChatGPT có tác dụng bất ngờ
Theo một nghiên cứu của Đại học Stanford (Mỹ) được công bố trên Springer Nature, trí tuệ nhân tạo có thể giúp những sinh viên cô đơn có thể hòa đồng hơn, thậm chí là ngăn tự tử.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu cho 1.006 sinh viên từ 18 tuổi trở lên sử dụng chatbot Replika trong hơn một tháng. Đây là chatbot được giới thiệu với tính năng "luôn lắng nghe, luôn nói chuyện và luôn ở bên bạn".
Cũng giống như ChatGPT, Replika sử dụng các mô hình ngôn ngữ lớn tiên tiến để tương tác với người dùng.
Kết quả, nhóm nghiên cứu phát hiện "90% sinh viên trẻ, độc thân, thu nhập thấp" trong khảo sát này trải qua sự cô đơn và Replika trở nên rất hấp dẫn với những sinh viên không có người tâm sự.
Sinh viên thu nhập thấp thường không đủ khả năng chi trả cho việc tư vấn hoặc trị liệu, nhưng rất may là họ tìm thấy niềm an ủi khi có bạn đồng hành là AI.
Lợi ích mà chatbot này mang lại thậm chí còn lớn hơn việc lắng nghe vì chúng giúp những sinh viên cô đơn trở nên hòa đồng hơn trong thế giới thực.
Phát hiện này cũng gợi ý rằng với một số người, ví dụ như sinh viên cô đơn, người bạn đồng hành là AI có thể đóng vai trò như một công cụ quý giá để xây dựng các kỹ năng xã hội và sự tự tin.
Ngoài ra, điều gây ngạc nhiên nhất là 30 người trong số hơn 1.000 người tham gia đã chủ động nói rằng Replika ngăn họ tự tử. Một người cho biết nhiều lần chatbot này đã cản người đó tự kết liễu đời mình.
Theo Forbes, bản chất của việc tương tác với chatbot AI là ít áp lực nên có thể giúp sinh viên dễ dàng chia sẻ khó khăn mà mình đang gặp phải.
Tính linh hoạt của những chatbot như Replika cũng cho phép người dùng chọn giới tính, tên và trang phục cho AI, đồng thời cung cấp cơ chế phản hồi để góp phần nâng cao hiệu quả khi tương tác.
Một nghiên cứu được công bố trên trang web của John Wiley & Sons cho thấy hơn 80% sinh viên đại học hiện nay gặp khó khăn về mặt cảm xúc. Nhiều người không thể tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ truyền thống do hạn chế tài chính nên các chatbot AI chính là giải pháp thay thế hoặc cầu nối tạm thời trước khi sinh viên có thể tìm gặp chuyên gia là con người.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Stanford nêu rằng chúng ta vẫn cần nhiều nghiên cứu khác để hiểu rõ về tác động của AI đối với sức khỏe tâm thần và khả năng kết nối xã hội, nhưng nghiên cứu này đã cung cấp cái nhìn cơ bản về tiềm năng của AI trong việc hỗ trợ giải quyết những thách thức cấp bách của ngành giáo dục.
Thông qua việc cung cấp nguồn hỗ trợ phi truyền thống, các chatbot AI có thể sẽ là cứu tinh cho những sinh viên đang cảm thấy thiếu chỗ dựa tinh thần.
Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/chatbot-giong-chatgpt-co-tac-dung-bat-ngo-post1475267.html