ChatGPT gây 'sốt', lợi nhiều nhưng cũng lắm nỗi lo
Công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) ChatGPT vừa khiến nhiều người sốt sắng dùng thử vừa khiến nhiều người lo ngại; nó gợi lên nhiều vấn đề khi ứng dụng, trong đó có hành lang pháp lý.
Gần đây, ChatGPT có lẽ là từ khóa gây chú ý đối với nhiều người trên thế giới. Với khả năng làm thơ, soạn nhạc, viết văn, viết tiểu luận… có vẻ “sạch nước cản”, công cụ này đang “phá đảo” số lượng người dùng so với những mạng xã hội hot nhất hiện nay.
ChatGPT là gì?
Vào tháng 11-2022, công ty chuyên nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) có trụ sở tại TP San Francisco, bang California (Mỹ) đã ra mắt sản phẩm thử nghiệm chatbot ChatGPT, mô phỏng cuộc trò chuyện giữa người với người. Chatbot (hộp trò chuyện) là một chương trình máy tính sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) để hiểu các câu hỏi của khách hàng và tự động trả lời các câu hỏi này.
Chatbot không chỉ là một công cụ để trò chuyện thông thường mà nó còn thành thạo nhiều việc phức tạp hơn, ví dụ như viết hoặc sửa mã (code) máy tính, viết bài đăng, email, báo cáo theo yêu cầu, thậm chí là viết luận văn, viết kịch bản cho chương trình truyền hình hay làm thơ, soạn nhạc. Cũng cần lưu ý rằng những sản phẩm của chatbot này là sự “xào nấu” - tổng hợp, cắt ghép những nguồn thông tin sẵn có như sách, báo, văn bản, Wikipedia... có trên Internet.
Trong bài đăng trên blog của mình về việc ra mắt ChatGPT, Công ty OpenAI cho biết “định dạng đối thoại giúp ChatGPT có thể trả lời các câu hỏi, thừa nhận sai lầm của mình, trao đổi lại những kiến thức không chính xác và từ chối các yêu cầu không phù hợp”. ChatGPT còn được “đào tạo” để học từ các phản hồi của người dùng. Theo đó, người dùng sẽ xếp hạng và dạy lại ChatGPT nếu nó trả lời sai và chatbot này sẽ học từ những câu trả lời đó, từ đó giúp hệ thống xây dựng kiến thức.
Sự thông minh của ChatGPT đã tạo ra một cơn sốt người dùng khi vừa trình làng. Cụ thể, chatbot đã có 1 triệu người dùng chỉ sau năm ngày ra mắt. Để đạt được con số này, mạng xã hội Instagram phải mất 2,5 tháng, trong khi dịch vụ cung cấp âm thanh kỹ thuật số Spotify và dịch vụ lưu trữ tập tin trực tuyến miễn phí Dropbox phải mất lần lượt là năm và bảy tháng, theo trang thống kê Statista.
Tuy nhiên, Công ty OpenAI cũng thẳng thắn thừa nhận những hạn chế của ChatGPT, bao gồm chatbot này có thể đưa ra những câu trả lời nghe có vẻ hợp lý nhưng thực tế là sai kiến thức, đáp ứng những yêu cầu phi lý hay thể hiện thiên kiến.
Ví dụ, ông Steven Piantadosi, lãnh đạo phòng nghiên cứu về máy tính và ngôn ngữ của ĐH California-Berkeley, đăng lên Twitter rằng ông yêu cầu chatbot viết một chương trình với ngôn ngữ lập trình python để biết liệu người đó có nên bị tra tấn dựa vào quốc gia quê hương người đó hay không. ChatGPT đã viết một chương trình rằng những người ở bốn quốc gia cụ thể nên bị tra tấn.
Phản ứng về ChatGPT trong ngành giáo dục
Gần đây, ChatGPT đã vượt qua kỳ thi luật của ĐH Minnesota và một kỳ thi về quản lý kinh doanh tại Trường Kinh doanh Wharton của ĐH Pennsylvania (Mỹ), dù điểm không cao.
GS kinh tế Christian Terwiesch của Trường Wharton cho biết ChatGPT đã trả lời tốt những câu hỏi cơ bản về hoạt động quản lý và phân tích quy trình nhưng lại gặp khó khăn với các yêu cầu cao hơn và mắc những lỗi ngớ ngẩn về toán học cơ bản.
Còn GS luật Jon Choi của ĐH Minnesota cho biết ChatGPT đã phải vật lộn với những phần căn bản nhất của kỳ thi vào trường luật, chẳng hạn như phát hiện các vấn đề pháp lý và áp dụng các quy tắc pháp lý vào các tình tiết của một vụ án. Tuy nhiên, chatbot này sẽ là công cụ hữu ích để tạo ra bản thảo và sinh viên có thể sửa lại chúng, theo ông Choi.
Các giáo sư, nghiên cứu sinh của Trường ĐH California tại Riverside cũng cho biết bên cạnh những lợi ích mà ChatGPT mang lại trong việc tạo ra văn bản, chatbot này tỏ ra bất lực với các tác vụ yêu cầu logic, kiến thức chuyên ngành và tạo ra những thông tin lỗi thời vì hiện tại hầu hết văn bản mà ChatGPT tạo ra được lấy từ nguồn dữ liệu có sẵn trước năm 2021. Chatbot còn thiếu khả năng tư duy phản biện, tạo ra những câu văn “cứng”, sai ngữ pháp, thậm chí ngô nghê, không rõ ràng vì dùng thuật toán sao chép các mẫu phổ biến.
Dù vậy, để tránh học sinh, sinh viên chây lười, lạm dụng công cụ này trong việc học tập, nhiều nơi đã phải cấm sử dụng nó. Các bang New South Wales (NSW), Queensland và Tasmania ở Úc đã cấm truy cập ChatGPT trong các trường học của bang vì lo ngại công cụ này có thể được sử dụng để gian lận trong các bài đánh giá hoặc bài tập về nhà. Các trường công ở TP New York và TP Seattle (Mỹ) cũng đã cấm giáo viên và học sinh dùng ChatGPT trong trường học. Trường ĐH Sciences Po (Viện Nghiên cứu chính trị Paris, Pháp) cũng đã cấm sinh viên dùng chatbot này tại trường, nếu ai dùng có thể bị đuổi học hoặc thậm chí là không được học cao hơn.
Theo tạp chí Forbes, từ khi ChatGPT ra mắt đến nay, dường như có ba phản ứng chính: Cấm, phớt lờ hoặc hào hứng sử dụng. Hai phản ứng đầu dường như không phải là thực tế trung hoặc dài hạn bởi công nghệ này quá mạnh, quá dễ sử dụng và hữu ích cho nhiều người.
Tranh cãi việc ChatGPT là đồng tác giả
Các biên tập viên, nhà nghiên cứu và nhà xuất bản tạp chí trên thế giới đang tranh luận về việc cho các công cụ AI như ChatGPT làm đồng tác giả trong những tài liệu được xuất bản thì có phù hợp hay không. Hiện đã có bốn bài báo và bản thảo chưa qua bình duyệt (preprints) có ghi ChatGPT là đồng tác giả, gồm ba bài về lĩnh vực y tế đăng trên trang bioRxiv, tạp chí Nurse Education in Practice và Oncoscience.
Tuy nhiên, có những nhà xuất bản từ chối ghi tên “tác giả” đặc biệt này. Tổng biên tập tạp chí Nature ở London - bà Magdalena Skipper cho rằng việc ghi nhận quyền tác giả đi kèm với nó là trách nhiệm giải trình đối với tác phẩm và điều này không thể áp dụng với công cụ như ChatGPT. Tổng biên tập tạp chí Science - ông Holden Thorp có cùng ý kiến và coi việc sử dụng văn bản do AI tạo ra mà không có trích dẫn là đạo văn.•
Những tính năng bất ngờ của ChatGPT
Với ChatGPT, người dùng có thể hỏi về nhiều chủ đề học thuật như chính trị, lịch sử, kinh tế... đến những chuyện đời thường như tư vấn tình cảm, tìm kiếm lời khuyên để cải thiện quan hệ với gia đình, bạn bè, người yêu…
Khác với Google là trả kết quả tìm kiếm bằng cách gợi ý những trang web cung cấp kết quả tương ứng, ChatGPT sẽ trả lời ngay lập tức kết quả bạn mong muốn, tuy đôi khi nó không thực sự chính xác nếu câu hỏi quá dài hoặc quá ẩn ý.
Tính năng đáng chú ý nữa của ChatGPT là “sáng tạo” nội dung như viết truyện, làm thơ hay thậm chí là sáng tác nhạc. Khi PV Pháp Luật TP.HCM yêu cầu ChatGPT “viết một bài nhạc rap về vợ” , ChatGPT lập tức “ria” ra lời bài rap như sau: “Không có gì tốt hơn vợ/ Người đứng bên mình mỗi khi cần hỗ trợ/ Cô ta luôn biết lắng nghe và chia sẻ niềm yêu thương/... Cô ta là cảm hứng, là một người bạn đồng hành...”.
Nguồn PLO: https://plo.vn/chatgpt-gay-sot-loi-nhieu-nhung-cung-lam-noi-lo-post718025.html