ChatGPT ra đời, phải 'gieo' cho học sinh động lực học tập để cạnh tranh được với máy móc trong tương lai

ChatGPT ra đời, điều quan trọng là phải làm sao để nền giáo dục thực sự 'gieo' cho học sinh động lực học tập. Các em học vì chính bản thân mình, để cạnh tranh với máy móc trong thời đại sắp tới chứ không phải đối phó với thầy cô.

Chuyên gia giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương cho rằng, ChatGPT là lời cảnh báo việc phải thay đổi cách ra đề và cách đánh giá, kiểm tra. (Ảnh: NVCC)

Chuyên gia giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương cho rằng, ChatGPT là lời cảnh báo việc phải thay đổi cách ra đề và cách đánh giá, kiểm tra. (Ảnh: NVCC)

Đó là chia sẻ của Chuyên gia giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương - nhà sáng lập Trường Tomato Children's Home và đưa mô hình “trường học kiến tạo” về Việt Nam, với báo TG&VN.

Một ngày nào đó, ChatGPT hay các phần mềm AI tương tự sẽ trở nên phổ biến như Google hiện nay. Trước viễn cảnh đó, theo bà, giáo dục cần phải điều chỉnh theo hướng nào để thích ứng?

Thực ra, ChatGPT không phải thách thức đầu tiên mà giáo dục phải đối mặt. Tuy nhiên, nó là thách thức mà giáo dục buộc phải thay đổi hoàn toàn so với những làn sóng trước kia. Nhớ lại, khi Google ra đời cũng dấy lên làn sóng xôn xao là chúng ta có nên cấm học sinh sử dụng Google hay không?

Tôi hỏi học sinh chia sẻ cách em hiểu về một từ nào đó như thế nào? Ngay lập tức các em trả lại cho tôi rất nhiều câu trả lời theo kiểu “bác học”. Tôi nhìn những câu chữ mà các em dán vào chatbox thì biết các câu trả lời đến từ Google. Khi tôi hỏi các em có hiểu gì về những định nghĩa này không thì phần lớn các em bảo rằng không hiểu lắm. Tuy nhiên, chúng ta đâu thể cấm học sinh sử dụng Google?

Bởi nhờ có Google, nhờ có các từ điển bách khoa online mà học sinh có thể được giải phóng khỏi những chuyện phải ghi nhớ, học thuộc lòng. Làm sao có thể học thuộc lòng được hết kho kiến thức của nhân loại? Dù có những mặt trái nhưng Google đã chứng minh rằng công cụ này giúp ích rất nhiều cho việc học của con người.

ChatGPT cũng vậy, nó giống như phiên bản Google mới. Nó không chỉ tìm kiếm những nguồn, câu trả lời mà còn có thể giúp chúng ta tổng hợp từ các câu trả lời khác nhau thành kết quả của riêng mình. Đồng thời, nó có thể trả lời một vấn đề cụ thể nào đó, có thể làm thay chúng ta không chỉ ghi nhớ mà còn phân tích, tổng hợp, tạo ra một sản phẩm mới.

Làn sóng lo ngại có nên cấm ChatGPT trong trường học cũng là điều dễ hiểu, vì các nhà giáo dục đều lo ngại việc học sinh sẽ trở nên lười học. Khi cái máy có thể trả lời thay mình bài tập, các em sẽ mất dần động lực học tập. Điều quan trọng là phải tìm cách nào đó chứ không phải cấm bởi chúng ta làm sao có thể đi ngược được làn sóng công nghệ? Nếu cấm cũng không thể tận dụng được mặt lợi của công nghệ để đi lên.

Vậy định hướng ở đây là gì? Chúng ta phải thay đổi cách ra đề và kiểm tra việc học của học sinh như thế nào? Có nên kiểm tra kỹ năng mà máy móc đều có thể làm được như kiểm tra kỹ năng ghi nhớ, học thuộc, trình bày lại? Nên chăng chuyển sang cách thức kiểm tra đòi hỏi học sinh phải đưa ra tư duy độc đáo, khả năng phản biện, đánh giá.

Trẻ cần tham gia nhiều vào hoạt động tương tác, thảo luận tạo ra câu trả lời. Những câu trả lời theo hướng trải nghiệm, hướng tới tư duy phản biện, đánh giá, kỹ năng sáng tạo sẽ thích nghi hơn với thời đại công nghệ. Nhưng tôi nghĩ, điều quan trọng hơn không phải chỉ thay đổi cách đánh giá hoặc ra đề. Nếu học sinh chỉ làm bài tập với tâm thế vượt qua “ải” nào đó, chắc chắn khi có công cụ hỗ trợ, các em sẽ nhờ đến nó.

Chúng ta phải làm sao để nền giáo dục thực sự “gieo” cho học sinh động lực học tập. Các em học vì chính bản thân mình, để hiệu quả hơn trong cuộc cạnh tranh với máy móc trong thời đại sắp tới chứ không phải đối phó với thầy cô. Nếu không có động lực thì dù thầy cô ra đề kiểu nào, các em cũng sẽ tìm cách đối phó.

Làm sao để “gieo” vào các em động lực, nguyên tắc, giá trị về sự liêm chính và tử tế trong việc học, đó mới là liệu pháp lâu dài. Còn chuyện thay đổi cách ra đề, thay đổi cách kiểm tra chỉ là liệu pháp ngắn hạn mà thôi.

Giáo dục theo lối nhồi nhét kiến thức và ghi nhớ sẽ còn rất ít giá trị. Có phải thay vì tập trung vào ghi nhớ thông tin và kiến thức, điều quan trọng hơn là dạy học sinh biết cách đưa ra cách đặt câu hỏi?

Nhiều người nói, trí tuệ nhân tạo có gì đâu mà lo lắng, vì chúng ta sẽ biến nó thành công cụ cho công việc của mình. Tuy nhiên, nếu muốn sử dụng công cụ thì trước hết phải có kỹ năng chỉ huy nó, chứ không phải cứ bấm nút thì máy sẽ làm thay.

Tôi cũng sử dụng ChatGPT để phục vụ rất nhiều việc cho mình, từ việc soạn giáo án chi tiết đến thiết kế quy trình, mẫu biểu đánh giá nhân sự… Nhưng hoàn toàn để làm được những mẫu biểu như vậy không phải tôi chỉ ấn nút enter là ChatGPT sẽ tự động làm việc thay.

"Sự xuất hiện của ChatGPT và làn sóng AI mới này cho thấy, rõ ràng chúng ta không cần những con người chỉ biết lặp lại, trình bày lại kiến thức. Thay vào đó, chúng ta cần những con người có tư duy kiến tạo, tư duy chỉ huy để có thể sử dụng AI một cách hiệu quả và không lệ thuộc vào nó".

Tôi thấy, để ChatGPT có thể tạo ra sản phẩm chất lượng thì cách đặt câu hỏi cũng phải chất lượng. Ví dụ, để soạn ra được giao án tốt, nếu chỉ đặt câu hỏi hãy soạn cho tôi một giáo án thì ChatGPT sẽ gửi trả lại mình giáo án rất hời hợt. Nhưng nếu có thể chỉ dẫn cho ChatGPT theo lối hãy soạn cho tôi giáo án với cấu trúc như thế này, những tiêu chí như thế kia có được không?

Trong tiến trình ChatGPT đưa ra câu trả lời, tôi liên tục đặt câu hỏi gợi mở khác và đưa ra phản hồi để điều chỉnh. Ví dụ, tôi hỏi ChatGPT rằng: Bạn có thấy hoạt động này quá lớn so với học sinh tiểu học hay không? Bạn có thể đề nghị một số hoạt động phù hợp với học sinh tiểu học hay không? Bạn có thể đề nghị một số hoạt động mang tính chất trải nghiệm hay không?

Kỹ năng đặt câu hỏi mang tính chất chỉ huy cho máy phản hồi kết quả, điều chỉnh kết quả cực kỳ quan trọng. Ngoài ra, kỹ năng đặt câu hỏi để phản biện, thẩm định những cái máy tạo ra cũng quan trọng. Bởi vì, ChatGPT không phải lúc nào cũng gửi lại cho mình những câu trả lời chính xác. Có những câu trả lời có thông tin không đầy đủ, có sai lệch. Do đó, mình phải có những nghi ngờ nhất định để kiểm chứng chứ không phải lệ thuộc hoàn toàn vào kết quả máy tạo ra.

Tư duy kiến tạo chính là một trong những lối tư duy giúp chúng ta có thể giải quyết được những vấn đề của chính bản thân và xung quanh mình thông qua việc quan sát, đặt câu hỏi và kiểm chứng.

Sự xuất hiện của ChatGPT và làn sóng AI mới này cho thấy, rõ ràng chúng ta không cần những con người chỉ biết lặp lại, trình bày lại kiến thức. Thay vào đó, chúng ta cần những con người có tư duy kiến tạo, có tư duy chỉ huy để có thể sử dụng AI một cách hiệu quả và không lệ thuộc vào nó.

Sự xuất hiện của ChatGPT và làn sóng AI mới này cho thấy, rõ ràng chúng ta không cần những con người chỉ biết lặp lại, trình bày lại kiến thức. (Nguồn: AFP)

Sự xuất hiện của ChatGPT và làn sóng AI mới này cho thấy, rõ ràng chúng ta không cần những con người chỉ biết lặp lại, trình bày lại kiến thức. (Nguồn: AFP)

Ý thức về bản thân, cảm xúc và tình yêu thương là những lĩnh vực mà các cỗ máy khó lòng chạm đến. Từ sự ra đời của ChatGPT, bà nghĩ gì về chương trình giáo dục mang tính khai phóng?

Tôi thường nghe nói, AI không thể cạnh tranh với con người về mặt cảm xúc hay trực giác. Vậy luận điểm này có đúng hay không? Tôi đã đọc được những nghiên cứu, đã tự mình trực tiếp thực hiện một số thử nghiệm về AI. Trong đó, người ta đã bắt đầu dùng AI để nhận diện về cảm xúc và phán đoán tình huống như thế nào?

Mặc dù rất thô sơ, nhưng tôi thấy những cỗ máy đó đã có những bước tiến khá kinh ngạc. Nếu những công nghệ như vậy còn được cải tiến trong tương lai thì một ngày nào đó AI có thể tham gia vào những khía cạnh cảm xúc và dự đoán tình huống cũng không còn xa.

Chúng ta sẽ tạm có một lợi thế cạnh tranh ở trong ngắn hạn mà thôi. Quay trở lại việc gọi năng lực cảm xúc là năng lực riêng của con người, nhưng vấn đề là sử dụng cảm xúc đó cho việc gì? Trong khi, nếu cảm xúc chỉ được sử dụng một cách tự phát, không có phong độ ổn định, vậy làm sao chúng ta có thể cạnh tranh được với cỗ máy?

Tôi cũng có nhiều bạn nhân viên trẻ thuộc Gen Z ở trong các tổ chức của mình. Tôi nhận thấy, các bạn để cho cảm xúc chi phối mình chứ không làm chủ được cảm xúc.

Nếu một người thầy vô cảm, không dành sự quan tâm, sự nhạy bén của mình trong quá trình quan sát lớp học và dự đoán nhu cầu học sinh thì khi đó chắc gì chúng ta có khả năng nhạy bén hơn một cỗ máy biết phân tích và đo lường cảm xúc?

Thành ra, năng lực cảm xúc đúng là một năng lực riêng của con người nhưng nó phụ thuộc vào cách mà chúng ta giáo dục học sinh sử dụng cảm xúc của mình như thế nào? Các em cần phải biết cách điều hòa cảm xúc của mình, giữ cho mình sự bình tĩnh, phong độ làm việc ổn định trước nghịch cảnh. Khi đó, cảm xúc mới trở thành một năng lực có tính cạnh tranh với máy móc, nếu không thì nó sẽ là trở lực.

Ngoài ra, khả năng tự quan sát bản thân về điểm mạnh, điểm yếu cũng cực kỳ quan trọng trong giai đoạn này. Sắp tới, không chỉ ChatGPT mà hàng loạt công cụ khác ra đời khiến chúng ta hoang mang. Chúng ta sẽ phải làm gì, phải học cái gì, phải dùng AI như thế nào?

Trong thời đại công cụ và thông tin trở nên ồ ạt, việc hiểu rõ thế mạnh của bản thân, điều bạn muốn tạo ra với cuộc đời của mình là điều đầu tiên để giúp các em có thể sống được trong thế giới AI. Công cụ rất nhiều nhưng nếu không biết nên dùng công cụ nào để giải quyết vấn đề gì thì chúng ta sẽ dễ dàng bị ngộp, bị “mất tích” trong làn sóng ấy.

Trước sự ra đời của các hệ thống AI, con người cần giữ được tâm thế chủ động trước máy móc và công nghệ ra sao?

Để giữ được tâm thế chủ động trong thời đại sắp tới là chuyện không dễ dàng. Bởi làn sóng này rất khác, sẽ không diễn ra theo kiểu chỉ cần chúng ta vượt qua lần này thì mọi thứ sẽ trở lại trạng thái cân bằng mới. Các nhà nghiên cứu tương lai dự đoán rằng, thời đại sắp tới sẽ có những làn sóng thay đổi ập đến liên tục, khoảng cách giữa làn sóng này và làn sóng trước nó ngày càng trở nên ngắn lại.

Ví dụ, hôm nay, chúng ta vừa kịp thích nghi với ChatGPT thì rất có thể không biết lần sau sẽ có công cụ mới xuất hiện và nó sẽ làm tiếp tục làm đảo lộn tình hình. Chúng ta sẽ phải học lại và thích nghi từ đầu. Trạng thái thay đổi liên tục dễ khiến chúng ta cảm thấy hoang mang, mệt mỏi, kiệt sức vì phải học cách thích nghi liên tục. Chúng ta không biết điều gì sẽ xảy đến với cuộc đời của mình.

Cho nên, trong thời kỳ mới này, tôi nghĩ để có được tâm thế chủ động, đầu tiên, chúng ta phải chấp nhận sự bất địch, mơ hồ, không chắc chắn và phức tạp đó chính là trạng thái mới của thế giới.

Thứ hai, để có thể sống tốt trong thế giới, việc chăm sóc bản thân cả thể chất lẫn tinh thần là vô cùng cần thiết. Rất khó để sống chủ động và bình thản trong thế giới đó nếu chúng ta không có một thể chất tốt, một trạng thái tinh thần vững vàng.

Bên cạnh việc không ngừng kêu gọi, thúc đẩy con người phải đi nhanh hơn, nỗ lực đổi mới bản thân mình để thích nghi với những bước tiến mới, chúng ta cũng đừng quên phải chăm sóc con người. Làm sao để học sinh có được tâm thế chủ động trước trạng thái mới, chăm sóc sức khỏe tinh thần, thể chất để các em có thể trở thành những con người vững vàng trước những làn sóng mới.

Thế hệ các em đang phải đối mặt với những thách thức mới, những người lớn đi trước cũng chưa chắc có kinh nghiệm để truyền cho các em cách làm như thế nào để vượt qua. Do vậy, việc chăm sóc ý chí, sức khỏe, thể chất, tinh thần của các em sẽ là mục tiêu quan trọng không kém chuyện nâng cao, mài giũa trí tuệ của các em cho thời đại mới.

Xin cảm ơn bà!

Nguyệt Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chatgpt-ra-doi-phai-gieo-cho-hoc-sinh-dong-luc-hoc-tap-de-canh-tranh-duoc-voi-may-moc-trong-tuong-lai-216765.html