ChatGPT sẽ tác động ra sao tới lĩnh vực xuất nhập khẩu và logistics?
ChatGPT sẽ có tác động mạnh mẽ vào ngành xuất nhập khẩu và logistics, đặc biệt là trong các khâu marketing, chăm sóc khách hàng, thu thập và phân tích dữ liệu để đưa ra quyết định kinh doanh.
Với quy mô xuất nhập khẩu của Việt Nam ngày càng gia tăng, việc ứng dụng công nghệ cũng như trí tuệ nhân tạo (Al) vào quá trình sản xuất-kinh doanh đã giúp doanh nghiệp tiết giảm nhiều chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm, tạo thêm nhiều đột phá trong tiến trình hội nhập.
ChatGPT sẽ tạo thêm cú hích cho tăng trưởng
Trong điều kiện của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và rất nhiều biến động về kinh tế, chính trị, xã hội..., logistics đang thể hiện vai trò quan trọng trong việc liên kết chặt chẽ các bên liên quan, duy trì và chống đứt gãy chuỗi cung ứng, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững toàn cầu.
Nhận diện được cơ hội, ngày càng nhiều doanh nghiệp bắt đầu sử dụng các phần mềm để nâng cao hiệu quả sản xuất-kinh doanh và năng lực tài chính và quản trị.
Ông Trần Hoàng Anh, Giám đốc một doanh nghiệp nội thất trên địa bàn Hà Nội cho biết hiện đơn vị có gần 30 nhân viên marketing làm công tác nghiên cứu thị trường, trong đó thị trường Trung Quốc và một số nước ASEAN là chủ yếu.
Ước tính chi phí mỗi năm cho lĩnh vực này lên tới hàng tỷ đồng, song việc xây dựng kế hoạch để mở rộng thị trường nhiều khi không đạt kết quả cao, phải bàn đi tính lại nhiều lần, mất rất nhiều thời gian.
“Tôi đã dùng thử ChatGPT để lập kế hoạch sản xuất-kinh doanh cho doanh nghiệp, dựa trên một số tiêu chí, như: xác định đối tượng khách hàng, phân tích đối thủ cạnh tranh, ngân sách cho marketing... thì ứng dụng này có thể phác họa ra cả kế hoạch, định hướng mà doanh nghiệp cần đi trong thời gian tới chỉ trong vài giây,” ông Tùng nói.
Tuy vậy, đại diện doanh nghiệp này cho rằng, đây mới là thử nghiệm và công nghệ cũng chỉ hỗ trợ để tối ưu hóa các hoạt động của doanh nghiệp và chưa thể thay thế được con người.
Còn theo ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Tập đoàn định hướng phát triển theo hướng chú trọng công nghiệp thông minh; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác; giảm những khâu trung gian khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Với việc ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, mặc dù nhiều vị trí việc làm bị thay thế bởi thiết bị tự động hóa, song nhờ ứng dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo, định hướng phát triển ngành dệt may trong giai đoạn tới cũng tạo ra những vị trí việc làm mới như thiết kế thời trang, marketing, công nhân kỹ thuật bảo trì ở trình độ điện tử, cơ điện tử cao…
Ông Hiếu cho rằng, một yếu tố rất quan trọng đối với ngành, đó là nếu đầu tư công nghệ, xây dựng hệ thống quản lý sản xuất hợp lý, giúp nâng cao năng suất lao động thì đơn giá lao động trên một sản phẩm sẽ giảm mà vẫn đảm bảo đáp ứng lương lao động cao.
"Điều này cũng giúp ngành may giải quyết vấn đề thiếu lao động, tạo cơ hội để ngành dệt may Việt Nam bứt phá, thoát ra khỏi xu thế tận dụng nhiều lao động nhưng lương thấp, lao động không ổn định,” ông Cao Hữu Hiếu nói.
Theo đáng giá của chuyên gia, ChatGPT là một thành tựu vượt bậc của trí tuệ nhân tạo trong thời gian gần đây, khi có thể giúp con người "trò chuyện" với một phần mềm, một con người ảo với nội dung sống động, gần với tự nhiên như giữa hai người thật với nhau.
Còn với hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp, theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, ngoài việc tính chính xác của thông tin do ChatGPT cung cấp cần kiểm chứng trong một số trường hợp, có thể thấy ChatGPT sẽ có tác động đến một số ngành nghề, lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực đòi hỏi tư duy, tính sáng tạo.
Đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu và logistics, ông Hải đánh giá, tác động của ChatGPT hiện nay chưa thấy rõ. Tuy nhiên, thành công ban đầu của chat bot này sẽ kích thích sự phát triển nhanh hơn nữa của trí tuệ nhân tạo.
Đơn cử, trí tuệ nhân tạo sẽ có tác động mạnh mẽ vào một số ngành trong lĩnh vực này, đặc biệt là trong các khâu marketing, chăm sóc khách hàng, thu thập và phân tích dữ liệu để đưa ra quyết định kinh doanh, giám sát, quản lý và tự động hóa hoạt động của cảng, kho bãi, trung tâm logistics, hỗ trợ hoạt động giao nhận, vận tải...
“Trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chúng ta sẽ còn chứng kiến và sẵn sàng đón nhận nhiều thay đổi nữa từ những thành tựu do khoa học-công nghệ đem lại,” ông Trần Thanh Hải nói.
Dấu ấn xuất nhập khẩu
Năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ 4, song xuất nhập khẩu cả nước vẫn đạt con số kỷ lục với tổng kim ngạch đạt 668,55 tỷ USD.
Trong đó, xuất khẩu năm 2021 đạt hơn 336,3 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020 còn nhập khẩu đạt 332,2 tỷ USD, tăng 26,5%. Giúp Việt Nam xuất siêu hơn 4 tỷ USD trong năm 2021. Với kết quả này, Việt Nam đã lọt nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Bước sang năm 2022, kinh tế Việt Nam tiếp tục chứng kiến sự bứt phá ngoạn mục khi kiểm soát thành công đại dịch COVID-19. Đáng chú ý, xuất nhập khẩu là một điểm sáng khi đạt hơn 732,5 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm trước và duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với mức thặng dư 11,2 tỷ USD (cao gấp hơn 3,3 lần năm trước).
Kết quả tích cực nêu trên không thể không kể đến đóng góp của ngành dịch vụ logistics. Với vị trí địa lý đặc biệt nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng tập trung giao lưu rất mạnh, Việt Nam được đánh giá là có thế mạnh về địa kinh tế, rất thuận lợi để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ logistics.
Theo báo cáo về chỉ số logistics năm 2022 do nhà cung cấp dịch vụ kho vận hàng đầu thế giới (Agility) công bố, Việt Nam đứng thứ 11 trong bảng xếp hạng Top 50 quốc gia đứng đầu thị trường logistics mới nổi, đứng thứ 4 tại khu vực Đông Nam Á.
Mặc dù có kết quả tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng và là năm thứ 7 liên tục có xuất siêu, song các nhà chức trách cũng chỉ ra rất nhiều thách thức cho hoạt động xuất khẩu trong năm 2023 và các năm tới.
Trong đó, sản xuất công nghiệp phải đối mặt với việc thị trường bị thu hẹp bởi các áp lực lạm phát, kinh tế toàn cầu suy giảm, nhất là ở những thị trường đối tác lớn của Việt Nam… dẫn đến sụt giảm đơn hàng ở các ngành hàng xuất khẩu lớn như (dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ...).
- Năm 2022, Việt Nam xuất siêu tới 11,2 tỷ USD:
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhìn nhận, tất cả những yếu tố trên có thể tác động đến sản xuất, xuất nhập khẩu và lưu thông hàng hóa trên phạm vi toàn cầu. Rất nhiều khu vực và rất nhiều quốc gia đã bộc lộ rõ sự đứt gãy của các nguồn cung, thị trường thế giới ngày càng thu hẹp, ngày càng khó khăn và những điều đó sẽ tác động đến nền kinh tế của Việt Nam.
“Nền kinh tế của chúng ta hiện giờ có độ mở rất lớn, tới hơn 200%, do vậy mọi biến động của thế giới đều có thể tác động đến xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế…,” ông Diên nói./.