ChatGPT thế hệ mới: Những cơn sóng trong ngành tài chính
Sự ra đời và phổ biến của ChatGPT trong thời gian qua đã mở ra một thời kỳ mới không chỉ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), mà còn có ảnh hưởng lớn đến nhiều lĩnh vực khác, trong đó phải kể đến ngành tài chính. ChatGPT tạo ra một làn sóng cải tiến trong giáo dục, nghiên cứu, và đầu tư tài chính. Tuy nhiên, sự phát triển này cũng đặt ra các câu hỏi về rủi ro, đạo đức và tác động đến thị trường lao động trong ngành tài chính.
Giáo dục, nghiên cứu trong lĩnh vực tài chính được tiếp sức bởi ChatGPT
Việc áp dụng ChatGPT trong giảng dạy một số môn tài chính đã mang lại sự linh hoạt, cá nhân hóa trong việc truyền đạt kiến thức. Với sự hỗ trợ của ChatGPT, một giảng viên có thể tiết kiệm khá nhiều thời gian trong việc thiết kế và chuẩn bị môn học, từ đề cương đến nội dung bài giảng, các bài tập. Các ví dụ minh họa trên giảng đường cũng trở nên hấp dẫn hơn. Lấy ví dụ trong nội dung phân bổ danh mục đầu tư, chức năng “data analysis” của ChatGPT-4 có thể đưa ra kết quả hầu như tức thời khi có yêu cầu thay đổi tham số đầu vào. Không những vậy, việc trình bày kết quả dưới dạng đồ thị (plotting) cũng giúp người học dễ hình dung và tiếp thu hơn.
Với những người làm nghiên cứu thì ChatGPT có thể được xem là một trợ lý đắc lực. Người làm nghiên cứu sẽ mất ít thời gian hơn cho việc chuẩn bị dữ liệu, hay tổng hợp phân tích các nghiên cứu trước đó (literature review). Nếu trước đây phải dùng đến những phần mềm chuyên dụng thì hiện nay ChatGPT-4 có thể “học” từ các nội dung mà người dùng tải lên, và đưa ra các tóm tắt rất hiệu quả. Việc tìm kiếm các tài liệu tham khảo có liên quan đến chủ đề nghiên cứu cũng trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều với các plugins.
Bên cạnh công việc chính là giảng dạy và nghiên cứu thì một giảng viên đại học ngày nay còn phải thực hiện nhiều công việc khác mang tính chất hành chính, công việc của cộng đồng nghề nghiệp. Với sự trợ giúp của ChatGPT, việc soạn thảo một e-mail, một báo cáo sẽ giảm đi đáng kể thời gian nhàm chán. Khi đó giảng viên sẽ có nhiều thời gian để phát triển các hoạt động cốt lõi của mình, tập trung nhiều hơn cho chất lượng.
Đầu tư và giao dịch tài chính có thêm công cụ hỗ trợ
Với khả năng học và phân tích một lượng lớn dữ liệu, ChatGPT-4 và có thể các thế hệ sau hoàn toàn có khả năng cung cấp cho nhà đầu tư những thông tin cô đọng, giá trị, hữu ích trong việc hỗ trợ ra các quyết định. Một số nghiên cứu gần đây của Kim, Muh và Nikolaev (2023) đã cho thấy ChatGPT hay Generative AI đã hỗ trợ rất tốt nhà đầu tư trong việc phát hiện ra những rủi ro tiềm ẩn của doanh nghiệp từ các báo cáo, các tài liệu có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc gạn lọc thông tin từ vô số các báo cáo dài lê thê (bloated disclosures) của doanh nghiệp cũng trở nên dễ dàng và nhẹ nhàng hơn với các nhà đầu tư biết khai thác ChatGPT. Các tính năng như tóm tắt các nội dung chính, hay các câu hỏi liên quan đến nội dung các báo cáo đã được “học” đã khiến không ít người sử dụng phải ngạc nhiên.
Một số nhà đầu tư còn dùng ChatGPT để cá nhân hóa chiến lược đầu tư của mình, phù hợp với khẩu vị rủi ro, hiện trạng tài chính và mục tiêu kế hoạch tài chính của riêng mình. Mặc dù ChatGPT luôn khuyến nghị nên tham vấn một nhà tư vấn đầu tư chuyên nghiệp được cấp phép nhưng khi cung cấp được cho ChatGPT những thông tin rõ ràng, chính xác thì những câu trả lời của ChatGPT cũng rất xác đáng và thuyết phục. Sở dĩ có khả năng như vậy bởi vì trong cơ sở dữ liệu thư viện của ChatGPT có rất nhiều nghiên cứu, phân tích, thông tin được tổng hợp từ rất nhiều nguồn.
Đối với những người tham gia giao dịch tài chính thì việc xây dựng các giao dịch thuật toán, kiểm định các mô hình hay chiến thuật cũng trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn trước đây rất nhiều. ChatGPT hiện nay được đánh giá là rất hiệu quả trong việc điều chỉnh, cải thiện các thuật toán được lập trình. Có những trường hợp, thay vì phải mày mò hàng tuần để hoàn thành phần coding, thì hiện nay ChatGPT có thể hoàn thành trong tích tắc, và những người có kiến thức và kinh nghiệm có thể bắt đầu từ giải pháp của ChatGPT, tiết kiệm được rất nhiều thời gian công sức.
Tính hai mặt của vấn đề
Bên cạnh những tác động tích cực, và được xem là một động lực mới cho tăng trưởng kinh tế với tác động làm tăng năng suất lao động, thì ChatGPT nói riêng và Generative AI nói chung cũng đặt ra một số vấn đề đau đầu cho các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và xã hội. Những vấn đề như quyền riêng tư, bản quyền, đạo đức trong việc khai thác và phát triển AI hiện đang là chủ đề tạo nhiều tranh luận.
Ví dụ, một số trường đại học trên thế giới coi việc sinh viên sử dụng ChatGPT để làm bài luận, bài tập là vi phạm liêm chính học thuật, hay một số tạp chí nghiên cứu cũng cấm ChatGPT là đồng tác giả hay đưa ra một số hướng dẫn cụ thể trong việc sử dụng ChatGPT.
Vì ChatGPT hay các công cụ tương tự vẫn chưa đến độ chín mùi nên vẫn còn có những sai sót. Vấn đề là có những sinh viên sử dụng ChatGPT nhưng lại chưa đủ khả năng hiểu hay đánh giá kết quả mà ChatGPT đưa ra có chuẩn hay không, lại tin tưởng hoàn toàn vào ChatGPT.
Việc làm trong ngành tài chính cũng sẽ bị ảnh hưởng như một số ngành nghề khác. Những công việc lặp đi lặp lại, hay những tác vụ phân tích cơ bản sẽ phải bị thay thế. Nhưng việc làm mới sẽ được tạo ra do nhu cầu cần những lao động có khả năng làm việc với ChatGPT, những người phải có kiến thức, kỹ năng cả về tài chính lẫn sử dụng thành thạo các câu lệnh (prompt), hoặc biết cách chỉ cho ChatGPT “học” đúng.
AI và ChatGPT là một xu hướng lớn, lâu dài của xã hội. Việc sử dụng ChatGPT và các công cụ tương tự là điều không thể tránh khỏi nhưng cần được tiếp cận một cách cân nhắc, với sự hiểu biết về cả lợi ích lẫn những rủi ro tiềm ẩn.