Châu Á chịu thiệt hại nặng vì thảm họa
Các chính trị gia và nhà hoạch định cần cam kết có nhiều chính sách khí hậu tham vọng hơn, đẩy nhanh sự chuyển đổi sang năng lượng xanh
Thế giới mỗi năm chứng kiến 350-500 thảm họa vừa và lớn trong vòng 2 thập kỷ qua. Tuy nhiên, các chính phủ "về cơ bản" vẫn đang đánh giá thấp tác động thực sự của chúng đối với cuộc sống và sinh kế của con người.
Đó là nhận định được đưa ra trong Báo cáo Đánh giá Toàn cầu 2022 của Văn phòng Liên Hiệp Quốc về giảm rủi ro thiên tai (UNDRR) ngày 26-4.
Theo báo cáo này, hoạt động của con người đang góp phần vào sự gia tăng của thảm họa, với số lượng có thể lên đến 560 mỗi năm vào năm 2030 và khiến tính mạng hàng triệu người gặp nguy hiểm. Báo cáo đề cập những thảm họa khác nhau, từ lũ lụt, hạn hán, bão cho đến động đất và dịch bệnh.
Biến đổi khí hậu đang gây ra nhiều sự kiện thời tiết cực đoan hơn trong lúc con người lại không chuẩn bị đủ để ứng phó các thảm họa tiềm tàng. Tác động của thảm họa còn được nêu bật bởi sự gia tăng dân số tại những khu vực dễ bị thiên tai.
"Việc nâng cao báo động bằng cách nói ra sự thật không chỉ cần thiết mà còn rất quan trọng... Hành động trước khi một thảm họa tàn phá sẽ ít tốn kém hơn là đợi cho đến khi nó xảy ra mới ứng phó" - bà Mami Mizutori, người đứng đầu UNDRR, nhận định.
Trong năm nay, Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn đã cảnh báo các tác động của biến đổi khí hậu, từ nắng nóng đến hạn hán và lũ lụt, sẽ xảy ra thường xuyên và khốc liệt hơn, gây thiệt hại cho thiên nhiên và con người. Tuy nhiên, theo IPCC, các biện pháp nhằm cắt giảm khí thải và thích ứng với tình trạng toàn cầu ấm dần lên đều đang bị tụt hậu.
Giờ đây, báo cáo mới của UNDRR cũng cho biết các thảm họa xảy ra ngày càng thường xuyên và dữ dội hơn, đe dọa đẩy thêm 100 triệu người vào cảnh nghèo trong năm 2030. Theo thống kê, thảm họa gây thiệt hại trung bình 170 tỉ USD mỗi năm trong thập kỷ qua. Chịu thiệt hại nặng nề là các nước đang phát triển, mất trung bình 1% GDP mỗi năm. Với các nước phát triển, tỉ lệ này là 0,1% - 0,3% GDP mỗi năm.
Về mặt địa lý, khu vực châu Á - Thái Bình Dương chịu thiệt hại nặng nhất (mất trung bình 1,6% GDP mỗi năm). Chẳng hạn tại Philippines, hàng triệu người vẫn đang vật lộn với hậu quả do bão Rai gây ra. Sau khi đổ bộ vào tháng 12-2021, bão này đã khiến hơn 300 người thiệt mạng, hàng trăm ngàn người phải rời bỏ nhà cửa và gây thiệt hại vật chất khoảng 500 triệu USD.
Nhiều chuyên gia kêu gọi các chính trị gia và nhà hoạch định cần cam kết có nhiều chính sách khí hậu tham vọng hơn và đẩy nhanh sự chuyển đổi sang năng lượng xanh để giúp đỡ các nhóm dễ bị tổn thương nhất. Một số ý kiến khác cho rằng các nước nên đầu tư xây dựng hệ thống có thể giúp người dân đối phó với mối đe dọa khí hậu.
Riêng bà Mizutori kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển vẫn còn chịu tác động của đại dịch Covid-19 trong bối cảnh nợ và lạm phát gia tăng. Sự giúp đỡ này sẽ cho phép các nước đang gặp khó ưu tiên hoạt động phòng chống rủi ro thảm họa.