Châu Á đề phòng nguy cơ lây lan dịch dịp Tết
Bộ Y tế Thái Lan đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ lây lan virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 khi các gia đình đoàn tụ để đón Tết Nguyên đán sắp tới.
Bộ Y tế Thái Lan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giãn cách xã hội nghiêm ngặt trong các cuộc họp mặt gia đình.
Các gia đình nên ăn mừng bằng cách sử dụng các cuộc gọi video để giảm gặp mặt trực tiếp, đặc biệt là với những người cao tuổi nằm trong nhóm có nguy cơ cao.
Mọi người nên đeo khẩu trang khi nói chuyện, hoặc sử dụng các ứng dụng trò chuyện có tính năng gọi video để giảm tiếp xúc trực tiếp.
Theo nhà chức trách Thái Lan, người dân sẽ vẫn phải tuân thủ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh cho đến khi có được khả năng miễn dịch cộng đồng.
Ngày 9/2, Bộ Y tế Thái Lan đưa ra cam kết sẽ hoàn tất tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho khoảng 30 triệu người, đạt gần 50% dân số Thái Lan, vào cuối năm 2021.
Tờ Bưu điện Bangkok dẫn lời Tiến sĩ Opas Karnkawinpong, Cục trưởng Cục Kiểm soát dịch bệnh (DDC) thuộc Bộ Y tế Thái Lan nói: “Nếu mọi thứ theo đúng kế hoạch, chúng tôi có thể bắt đầu chiến dịch tiêm chủng với ít nhất 5 triệu liều/tháng trong thời gian đầu, sau đó sẽ tăng lên 10 triệu liều/tháng để hoàn thành 61 triệu mũi tiêm trong năm 2021. Đây là chương trình tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử Thái Lan và chúng tôi cần tất cả các nhân viên sẵn sàng để thực hiện công việc này”.
Indonesia kéo dài lệnh cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài
Hôm qua, Indonesia đã quyết định kéo dài lệnh cấm nhập cảnh với du khách nước ngoài thêm hai tuần, tới ngày 22/2.
Theo đó, tất cả người nước ngoài vẫn bị cấm nhập cảnh vào Indonesia. Tuy nhiên, một số trường hợp ngoại lệ được nhập cảnh như người cư trú dài hạn, người đến từ các quốc gia trong thỏa thuận "hành lang đi lại", người được các bộ hoặc cơ quan Indonesia cấp phép đặc biệt. Những người này sẽ phải áp dụng các quy trình y tế, trong đó có cách ly 5 ngày.
Ngoài quy định này, Indonesia cũng yêu cầu các công chức, viên chức, binh sỹ, cảnh sát không ra khỏi các thành phố trong dịp Tết Nguyên đán và kỳ nghỉ cuối tuần từ ngày 12-14/2.
Tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại Đông Nam Á khi Indonesia, Phillipines và Thái Lan ghi nhận thêm nhiều ca mắc và tử vong trong ngày 8/2.
Với số ca nhiễm mới tăng 8.242 ca ghi nhận ngày 8/2, đến nay Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 1.166.079 ca mắc COVID-19, trong khi số ca tử vong lên tới 31.763 ca, tăng thêm 207 ca trong 24 giờ qua. Hiện dịch COVID-19 đã lây lan toàn bộ 34 tỉnh của nước này, trong đó, thủ đô Jakarta vẫn là điểm nóng.
Hôm 14/1, Indonesia đã chính thức triển khai giai đoạn một của chương trình tiêm chủng quốc gia miễn phí ngừa COVID-19 đối với các nhân viên y tế và công chức với 3 triệu liều vaccine CoronaVac do hãng Sinovac (Trung Quốc) cung cấp. Số liệu cập nhật của Chính phủ Indonesia cho thấy gần 800.000 người đã được tiêm mũi đầu tiên. Giới chức nước này cho biết 25 triệu liều vaccine khác dự kiến sẽ được sản xuất vào cuối tháng 3 tới với các nguyên liệu do Sinovac cung cấp.
Người dân Singapore cẩn trọng hơn
Năm nay, nhiều người Singapore giống như gia đình ông Eric Cheong (63 tuổi) sẽ đón Tết nguyên đán lặng lẽ hơn vì COVID-19.
Ông Cheong nói với kênh CNA: "Gia đình tôi chỉ làm bữa cơm sum họp đơn giản vào đêm 30, đón mừng năm mới với đại gia đình qua ứng dụng Zoom". Ngoài ra, gia đình ông Cheong sẽ không đến thăm nhà người thân và gặp gỡ mọi người.
Các hàng quán phục vụ tiêu dùng ngày Tết tại Singapore cũng phải tuân thủ quy định phòng dịch nghiêm ngặt. Trước sự gia tăng các ca mắc COVID-19 trong cộng đồng và nguy cơ lây lan dịp Tết, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Singapore Lawrence Wong đề nghị người dân không đến thăm quá 2 hộ gia đình/ngày. Các gia đình chỉ được tiếp 8 lượt khách/ngày và phải đeo khẩu trang ngay cả khi chụp ảnh.
Các nhà hàng ở Singapore đều đã kín chỗ, còn cửa hàng ăn uống ở các trung tâm thương mại được đặt trước gần 90% vào đêm giao thừa. Các nhà hàng cũng nhận rất nhiều đơn đặt trước của những khách ăn Tết tại nhà, nhiều đến nỗi họ thuê tài xế taxi để giao đồ ăn và giảm giá nếu khách hàng tự mang đi.
Nước láng giềng của Singapore là Malaysia đã thông báo cấm người dân đến nhà thăm hỏi nhau ngày Tết cũng như cấm các hoạt động mừng Tết như múa lân rồng, biểu diễn đèn lồng… "Các bữa tiệc đoàn tụ gia đình chỉ được phép tổ chức giữa các thành viên trong cùng một nhà", Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết trong cuộc họp báo ngày 4/2. Tất cả bang ở Malaysia ngoại trừ Sarawak đều đang áp dụng lệnh kiểm soát di chuyển cho đến ngày 18/2.
Tại Hàn Quốc, người dân bị cấm tụ tập từ 5 người trở lên, ngay cả trong dịp Tết Nguyên đán (từ ngày 11-13/2).
Để hạn chế đi lại dịp Tết, Trung Quốc đã bổ sung các hạn chế, đồng thời đưa ra các biện pháp khuyến khích để ngăn khoảng 300 triệu lao động nhập cư về quê. Các nhà chức trách đã yêu cầu những người về quê ở nông thôn phải cách ly 2 tuần và tự trả tiền xét nghiệm COVID-19. Song song đó, người lao động nhập cư ở lại các thành phố lớn sẽ được tặng quà, giảm giá mua sắm hay thậm chí là được thanh toán tiền điện thoại, khám chữa bệnh…