Châu Á: Hoạt động sản xuất dần phục hồi
Trong tháng 12/2021, các nhà máy tại châu Á đang dần hồi phục hoạt động trở lại, khi các nước chuyển sang chiến lược sống chung với Covid-19, dù những hạn chế về nguồn cung và chi phí đầu vào tăng cao vẫn kìm hãm triển vọng của một số nền kinh tế.
Biến chủng Omicron với số ca nhiễm toàn cầu đang không ngừng gia tăng khiến các nhà hoạch định chính sách phải lo lắng. Điều này càng đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc đã khiến một số công ty phải tạm ngừng sản xuất, đe dọa làm gián đoạn sản lượng của những nhà sản xuất chip khổng lồ như Samsung Electronics.
Mặt khác, theo các cuộc khảo sát gần đây, tác động trực tiếp từ biến chủng Omicron lên sản lượng hàng hóa dường như đã giảm bớt. Vào tháng 12, hoạt động sản xuất tại các nhà máy Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong 6 tháng, theo chỉ số nhà quản lý thu mua (PMI) của Caixin / Markit.
Kết quả từ các cuộc khảo sát tư nhân tập trung vào các doanh nghiệp nhỏ ở các vùng duyên hải cũng cho thấy kết quả tương tự. Khi so sánh với chỉ số PMI chính thức của Trung Quốc, những dữ liệu này cũng thể hiện các hoạt động tại các nhà máy ngày càng trở nên sôi động.
Không kể nền kinh tế lớn nhất khu vực, các quốc gia khác thuộc Đông Nam Á như Malaysia, Philippines, Việt Nam, cũng chứng kiến những sự khởi sắc trong các hoạt động sản xuất tại nhà máy.
Tại Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, hoạt động sản xuất trong tháng 12/2021 tiếp tục gia tăng, đánh dấu mức tăng trưởng của tháng thứ 11 liên tiếp. Trong tháng này, chỉ số PMI của Nhật Bản đứng ở mức 54,3. Việc chỉ số này duy trì được trên ngưỡng 50 đã cho thấy những hoạt động mở rộng nhất định. Tuy nhiên, mức này thấp hơn mức 54,5 của tháng 11 do tăng trưởng đơn đặt hàng mới giảm bớt.
PMI của Hàn Quốc thì tăng lên 51,9 từ mức 50,9 trong tháng 11 để đánh dấu tháng mở rộng thứ 15 liên tiếp. Nguyên nhân của sự tăng trưởng này là do nhu cầu trong nước tăng cao bù đắp cho doanh số bán hàng ở nước ngoài chậm chạp. Nhà xuất khẩu bellwether Hàn Quốc cũng đã chứng kiến các nhà máy chính của mình có tốc độ mở rộng nhanh nhất trong 3 tháng.
Tại Ấn Độ, các hoạt động sản xuất tiếp tục mở rộng trong tháng 12. Tuy nhiên, tốc độ đã chậm lại so với tháng 11 do áp lực giá tăng cao vẫn là mối lo ngại thường trực.
Chuyên gia kinh tế tại Capital Economics Alex Holmes cho biết: “Các chỉ số PMI sản xuất và dữ liệu thương mại cho thấy ngành công nghiệp tập trung vào xuất khẩu của châu Á đang dần lấy được đà vào đầu năm”. Ông cũng bổ sung thêm tuy biến thể Omicron có những mối đe dọa nhất định tới triển vọng tăng trưởng, nó không có khả năng gây ra nhiều gián đoạn cho ngành như Delta đã làm trong quý III năm 2021.
Một báo cáo nghiên cứu, các nhà phân tích tại Morgan Stanley cho hay: “Chúng tôi kỳ vọng xuất khẩu và chi phí vốn của châu Á sẽ được duy trì nhờ sự phục hồi kinh tế toàn cầu đang tiếp diễn. Đồng thời, các chỉ số PMI sản xuất của châu Á cũng sẽ được duy trì ở mức tích cực trong những tháng tới”.
Mặt khác, một số nhà kinh tế lại cảnh báo rằng tình trạng thiếu hụt nguồn cung và chi phí đầu vào tăng cao sẽ là những rủi ro lớn với các nước phụ thuộc vào xuất khẩu như Hàn Quốc. Joe Hayes, nhà kinh tế cấp cao của IHS Markit, nhận định: “Với vị thế của Hàn Quốc trong ngành công nghiệp ô tô và điện tử, cần phải có những cải thiện đáng kể trong chuỗi cung ứng toàn cầu trước khi chúng ta thấy được ý nghĩa thật sự của việc tăng trưởng sản xuất”.
“Biến thể Omicron gây ra rủi ro tăng trưởng trong ngắn hạn bằng cách trì hoãn sự phục hồi ngành tiêu dùng. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm vaccine cao hơn ở châu Á có thể giúp hạn chế thiệt hại lên tăng trưởng so với làn sóng dịch Delta trước đó”, các nhà phân tích tại Morgan Stanley cho hay.