Châu Á phải nỗ lực nhiều trước viễn cảnh kinh tế đầy sóng gió

Đây là thời điểm đầy thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách châu Á để giải quyết áp lực đối với tăng trưởng kinh tế và xử lý tình trạng lạm phát gia tăng.

Ngày 26-4, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố Triển vọng kinh tế khu vực, sau Triển vọng kinh tế thế giới được công bố một tuần trước, theo kênh Channel New Asia.

Nhiều sóng gió

Tại cuộc họp báo công bố Triển vọng kinh tế khu vực, bà Anne-Marie Gulde-Wolf, Quyền Giám đốc Vụ Châu Á và Thái Bình Dương của IMF, cảnh báo khu vực châu Á phải đối mặt với viễn cảnh tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự kiến và lạm phát cao hơn.

Tăng trưởng chậm và giá cả tăng, cùng với những thách thức của chiến tranh, dịch bệnh và các điều kiện tài chính thắt chặt sẽ làm trầm trọng thêm sự nan giải khi đánh đổi giữa chính sách hỗ trợ phục hồi với kiềm chế lạm phát và nợ.

Các nhà kinh tế IMF

Việc Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow đã khiến giá lương thực và nhiên liệu tăng trên toàn thế giới, trong khi các ngân hàng trung ương lớn đang tăng lãi suất để chống lạm phát, điều này sẽ gây áp lực lên các quốc gia có nợ cao.

Nếu nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng và lâu dài hơn do các đợt phong tỏa chống COVID-19 kéo dài hoặc lan rộng hơn hoặc do thị trường bất động sản sụt giảm lâu hơn dự kiến sẽ mang lại “rủi ro đáng kể cho khu vực”.

Cụ thể theo Triển vọng kinh tế khu vực, dự báo tăng trưởng của châu Á sẽ chỉ còn 4,9%, do ảnh hưởng từ sự suy thoái ở Trung Quốc. Lạm phát dự kiến sẽ tăng 3,2% trong năm nay, cao hơn 1% so với dự đoán hồi tháng 1.

Triển vọng tăng trưởng và lạm phát khác nhau trong khu vực, tùy thuộc vào sự phụ thuộc của các quốc gia vào năng lượng nhập khẩu và liên kết với Trung Quốc. Chẳng hạn đà tăng trưởng ở các quốc đảo Thái Bình Dương bị đình trệ nhiều, trong khi Úc tăng nhẹ, theo bà Gulde-Wolf.

Song theo bà Gulde-Wolf, bất chấp viễn cảnh kinh tế trì trệ trên, “châu Á vẫn là khu vực năng động nhất thế giới và là nguồn quan trọng của tăng trưởng toàn cầu”. Tuy nhiên, bà cho rằng đây là thời điểm đầy thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách châu Á để giải quyết áp lực đối với tăng trưởng kinh tế và xử lý tình trạng lạm phát gia tăng. Bà lưu ý thêm một thực tế rằng “những sóng gió” này nếu không được xử lý sẽ làm trầm trọng thêm thiệt hại từ đại dịch COVID-19.

Người dân băng qua một con phố tại khu mua sắm nổi tiếng Akihabara ở Tokyo (Nhật) ngày 24-3. Ảnh: AFP

Người dân băng qua một con phố tại khu mua sắm nổi tiếng Akihabara ở Tokyo (Nhật) ngày 24-3. Ảnh: AFP

Những điều cấp thiết cần làm

Trong báo cáo mới nhất của mình về diễn biến tài khóa toàn cầu, IMF ghi nhận rằng giá lương thực và năng lượng cao đã làm tăng nguy cơ bất ổn xã hội, đặc biệt là ở các quốc gia có thu nhập thấp đang phải vật lộn với mức nợ cao sau đại dịch COVID-19 và hiện đang phải đối mặt với chi phí đi vay cao hơn trong bối cảnh lãi suất tăng. Theo thông tin từ ông Vitor Gaspar, Giám đốc phụ trách tài chính IMF, các hộ gia đình nghèo đã chi tới 60% ngân sách cho thực phẩm, so với chỉ 10% của các hộ gia đình trung bình ở các nền kinh tế tiên tiến.

Theo ông Gaspar, đã có nhiều bằng chứng cho thấy các cuộc khủng hoảng tài chính, đại dịch và giá cả biến động hoặc tăng cao có thể làm trầm trọng thêm sự chia rẽ, xung đột và chính sách tài khóa có vai trò quan trọng trong việc giải quyết những lo ngại đó.

“Chính phủ đóng vai trò đặc biệt để bảo vệ những người dễ bị tổn thương khi mọi thứ sụp đổ và còn một chặng đường dài để giữ sự gắn kết xã hội” - ông Gaspar nói với hãng tin Reuters, đồng thời nhấn mạnh rằng “điều bắt buộc tuyệt đối đối với các chính sách công ở mọi nơi là phải cung cấp an ninh lương thực cho mọi người”.

Ngày 20-4, IMF khuyến cáo rằng các nước sẽ cần có bước đi mạnh, bắt đầu với việc hỗ trợ tài chính cho những nhóm dân cư dễ bị tổn thương bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì giá năng lượng, lương thực tăng. Họ hiện đang đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng nghiêm trọng do xung đột Nga - Ukraine.

Bản thân ông Gaspar ủng hộ các biện pháp khẩn cấp như chuyển tiền mặt có mục tiêu thay vì trợ cấp rộng rãi, tổng quát có thể gây tốn kém.

IMF cũng lưu ý rằng các nước cần thận trọng trong việc triển khai các biện pháp nhằm hạn chế sự tăng giá trong nước, vì điều này cũng có thể làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng trên toàn cầu giữa cung và cầu, khiến giá cả tăng cao hơn.

Ngoài ra, các nước cần cân nhắc thắt chặt chính sách tiền tệ đối phó với lạm phát, nước có nợ cao có thể phải cắt giảm chi tiêu và thậm chí tìm cách đàm phán giảm nợ. Bản thân bà Gulde-Wolf cũng nói tại cuộc họp báo ngày 26-4 rằng “việc thắt chặt tiền tệ sẽ cần thiết ở hầu hết quốc gia, tốc độ thắt chặt phụ thuộc vào diễn biến lạm phát trong nước và áp lực bên ngoài”.•

Nợ công toàn cầu gần bằng tổng GDP toàn cầu

Sau khi phải thực hiện các khoản chi chưa từng có trong cao điểm đại dịch COVID-19 khiến nợ toàn cầu lên tới 226.000 tỉ USD (tương đương 99,2% tổng sản phẩm quốc nội - GDP) vào năm 2020 - mức nợ cao nhất trong một năm kể từ thời Chiến tranh thế giới thứ hai, hiện nhiều quốc gia thiếu khả năng giải quyết triệt để cuộc khủng hoảng mới nhất.

IMF dự đoán nợ công toàn cầu sẽ giảm xuống 94,4% GDP vào năm 2022 và ổn định khoảng 95% GDP trong trung hạn. Tuy nhiên, mức đó cũng cao hơn 11% so với trước đại dịch.

Giám đốc phụ trách tài chính IMF Vitor Gaspar cho biết IMF sẽ tiếp tục thúc đẩy các thay đổi để đảm bảo sự rõ ràng hơn về quy trình tái cơ cấu nợ trong khuôn khổ chung của nhóm G20 và với tiến trình nhanh hơn, cũng như khả năng đóng băng việc thanh toán nợ trong quá trình đàm phán và có sự đối xử tương đương với các chủ nợ tư nhân và công.

ĐĂNG KHOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/chau-a-phai-no-luc-nhieu-truoc-vien-canh-kinh-te-day-song-gio-post678480.html