Châu Á - Thái Bình Dương và tầm quan trọng của chuyển đổi số
Giới chuyên gia nhận xét, tốc độ tiến bộ không ngừng của công nghệ quả thực rất đáng kinh ngạc.
ChatGPT, trước đây vốn là một điều mới mẻ, nhưng nay đã và đang ngày càng được tích hợp vào cuộc sống hàng ngày. Máy bay không người lái hiện đang bay trên bầu trời, giúp cung cấp thực phẩm, thuốc men và cứu trợ thiên tai đến những nơi xa xôi nhất trên thế giới. Cùng với đó là vệ tinh chiếu sáng các ngôi làng ở dãy Himalaya bằng kết nối Internet cũng đã được đưa vào hoạt động.
Đồng thời, công nghệ số cũng tạo ra nhiều đột phá trong công nghệ sinh học, robot, công nghệ nano, khoa học môi trường và nghiên cứu y học, báo hiệu các giải pháp chuyển đổi cho nhân loại và hành tinh.
Tuy nhiên, giữa những điều kỳ diệu này vẫn tồn tại một thực tế khắc nghiệt rằng tiến trình đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của Liên hợp quốc vào năm 2030 đang chậm lại đáng kể. Bất chấp những tiến bộ về công nghệ, tiến độ nhìn chung vẫn chậm, đặc biệt là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi hành động vì khí hậu đang thụt lùi đáng báo động.
Sợi dây cứu sinh
Công nghệ số cung cấp một sợi dây cứu sinh bởi hứa hẹn sẽ mang tính chuyển đổi trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG), đặc biệt là đối với doanh nhân nữ và thanh niên, thúc đẩy tính toàn diện. Tuy nhiên, để giải phóng tiềm năng to lớn này, trước tiên, chính phủ các nước phải đảm bảo kết nối mạnh mẽ, cùng với đó là bồi dưỡng các kỹ năng cần thiết, ban hành luật phù hợp và đảm bảo tài chính.
Có thể nói rằng, kết nối luôn là chìa khóa và là điều thiết yếu cho sự phát triển toàn diện và bền vững, đặc biệt là ở các nước kém phát triển nhất, các nước đang phát triển không giáp biển và các quốc đảo nhỏ đang phát triển.
Thách thức và rào cản vẫn đang tồn tại
Tình trạng thiếu điện dai dẳng và lưới điện không ổn định, đặc biệt là ở các vùng nông thôn đang cản trở cơ sở hạ tầng cần thiết.
Theo thống kê, riêng năm 2023, 33% dân số toàn cầu vẫn chưa được kết nối mạng, trong đó 73% những cá nhân này sống ở các quốc gia có thu nhập thấp.
Chi phí cao của các thiết bị kỹ thuật số càng làm gia tăng khoảng cách này.
Cũng quan trọng không kém là sự phát triển các kỹ năng kỹ thuật số. Điều này được thể hiện rõ nhất trong việc phần lớn dân số ở các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là ở các quốc gia kém phát triển nhất ở châu Á - Thái Bình Dương đang thiếu các kỹ năng để tham gia vào nền kinh tế kỹ thuật số. Sự thiếu hụt này ngày càng trầm trọng hơn do chất lượng giáo dục kém, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.
Một vấn đề có liên quan là một môi trường pháp lý và quy định hiệu quả là điều không thể thiếu.
Nhiều quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương thiếu các quy định toàn diện về thương mại điện tử. Điều này để lại những khoảng trống đáng kể trong các lĩnh vực như hợp đồng trực tuyến, chữ ký điện tử, bảo vệ người tiêu dùng, an ninh mạng, thuế và quyền riêng tư về dữ liệu.
Ngoài ra, tài chính cũng là một yếu tố quan trọng khác. Cụ thể, tiếp cận vốn, đặc biệt là đối với phụ nữ và doanh nhân trẻ là yếu tố sống còn đối với sự tăng trưởng của lĩnh vực kỹ thuật số.
Được biết, khoảng 40% doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) ở các nước đang phát triển phải đối mặt với khoảng cách tài chính 5 nghìn tỷ USD, trong đó các doanh nghiệp do nữ làm chủ chỉ nhận được 3% vốn đầu tư mạo hiểm.
Trước bối cảnh này, hiện đang tồn tại nhu cầu cấp thiết về việc tăng đáng kể hỗ trợ tài chính.
Hợp tác, tăng cường hợp tác
Cải cách hiệu quả nhìn chung phụ thuộc vào sự hợp tác giữa chính phủ các nước, khu vực tư nhân và các bên liên quan khác, cũng như các đối tác phát triển. Công nghệ số đóng vai trò then chốt trong việc giải quyết những thách thức của SDG ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Hơn nữa, các nền tảng kỹ thuật số có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách thúc đẩy tinh thần kinh doanh kỹ thuật số và thương mại điện tử, trao quyền cho các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp do phụ nữ và thanh niên làm chủ, mở rộng phạm vi hoạt động và kích thích phát triển kinh tế.
Các sáng kiến công nghệ sinh học sẽ hỗ trợ tăng cường an ninh lương thực bằng cách phát triển các loại cây trồng có khả năng phục hồi, trong khi nông nghiệp giúp tăng năng suất và giảm rác thải. Giám sát môi trường cũng cung cấp dữ liệu quan trọng, giúp chính phủ theo dõi tình trạng phá rừng, giám sát ô nhiễm và dự đoán thiên tai.
Hiện nay chúng ta đang đứng giữa cuộc cách mạng số, nơi tính cấp thiết của hành động quyết đoán, thống nhất chưa bao giờ quan trọng hơn thế. Để giải quyết những thách thức to lớn phía trước, chính phủ các nước cần tận dụng kiến thức, kỹ năng và chuyên môn của mình.
Ngoài ra, cộng đồng quốc tế phải hành động để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Bằng cách ưu tiên kết nối, phát triển kỹ năng, luật pháp và tài chính bền vững, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể mở khóa tiềm năng chuyển đổi của công nghệ số. Mặc dù tương lai của chúng ta có thể bấp bênh, nhưng nó hứa hẹn một thế giới toàn diện và bền vững hơn nếu các nước đoàn kết trong nỗ lực toàn cầu để nắm bắt sự biến đổi kỹ thuật số tuyệt vời này.
Bây giờ là lúc để hành động, để đảm bảo rằng những lợi ích của kỷ nguyên số sẽ đến được với mọi người, ở mọi nơi.