Châu Á thúc đẩy khí đốt toàn cầu bất chấp biến động giá
Gần 2/3 công suất nhà máy nhiệt điện dầu và khí trên toàn cầu đang được phát triển xuất hiện tại châu Á, tập trung chủ yếu tại Trung Quốc và Đông Nam Á.
Tổ chức Giám sát năng lượng toàn cầu (Global Energy Monitor – GEM) mới đây cho biết, dưới sự thúc đẩy của Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á, công suất nhiệt điện sử dụng dầu và khí tự nhiên trên toàn cầu đã tăng 13% trong năm ngoái, bất chấp biến động giá và chi phí năng lượng sạch thấp tại khu vực này.
Theo dữ liệu mới nhất, năm quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Brazil, Việt Nam, Bangladesh và Mỹ, chiếm khoảng một nửa tổng công suất nhiệt điện dầu và khí đang được phát triển.
Cụ thể, các dự án nhà máy nhiệt điện sử dụng dầu và khí trên toàn cầu đang được phát triển - những dự án đã được công bố, hoặc đang ở giai đoạn tiền xây dựng và xây dựng - đã tăng 13% vào năm 2022, lên mức 783GW.
Trong đó, châu Á đóng góp gần 2/3, và chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm 1/5 công suất toàn thế giới, nhiều hơn ba quốc gia hàng đầu tiếp theo là Brazil, Việt Nam và Bangladesh cộng lại.
GEM ước tính, nếu tất cả dự án đang phát triển tại Trung Quốc hoàn thành xây dựng, công suất từ khí đốt của nước này sẽ tăng hơn gấp đôi.
Tổ chức này cho biết thêm, các nhà máy điện chạy dầu và khí đốt mới có tổng công suất 207GW đã bắt đầu được xây dựng vào năm 2021, tăng 23% so với năm 2021. Tương tự, gần 3/4 công suất này là ở châu Á, chủ yếu tập trung ở Trung Quốc.
Trung Quốc đã cam kết đạt mức phát thải carbon cao nhất vào năm 2030, và trung hòa carbon vào năm 2060. Tuy vậy, ngay cả khi tăng cường phát triển năng lượng tái tạo, công suất khí đốt của nước này vẫn tăng ở mức báo động, do nhu cầu điện ngày càng cao hơn, và chuyển đổi từ than sang khí đốt.
Sau Trung Quốc và Brazil, Việt Nam hiện đứng thứ ba toàn cầu về tổng công suất của các dự án nhiệt điện khí đang trong quá trình phát triển, với gần 44GW đã được công bố hoặc đang chuẩn bị xây dựng, tăng 5 lần so với mức công suất hiện có.
GEM đánh giá, sự phát triển ngành khí của Việt Nam chủ yếu được thúc đẩy bằng nỗ lực vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài, đồng thời, dịch chuyển chính sách với sản xuất điện than.
Quy hoạch điện VIII, được phê duyệt vào tháng 5/2023, đặt mục tiêu tăng sản lượng điện chạy bằng khí đốt từ ngưỡng khoảng 9% năm 2022 lên mức 25% vào năm 2030, trong đó, khoảng 15% đến từ nhiệt điện LNG.
Cuối năm ngoái, Việt Nam đã cùng các đối tác thông qua thỏa thuận JEPT trị giá 15,5 tỷ USD. Thỏa thuận này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng, mở ra cơ hội cho nhiệt điện khí, bao gồm cả nhà máy điện LNG đầu tiên – nhà máy Nhơn Trạch 3 đang trong quá trình xây dựng.
Jenny Martos, Quản lý dự án Công cụ theo dõi nhà máy điện sử dụng dầu, khí toàn cầu của GEM, đánh giá, khí tự nhiên tiếp tục tăng trưởng mặc dù danh tiếng của nó với tư cách là một nhiên liệu chuyển đổi rẻ hơn, sạch hơn và đáng tin cậy hơn đang mất dần đi.
Biến động giá đã khiến nhiều quốc gia từ bỏ các kế hoạch sử dụng khí tự nhiên.
Cùng với đó, mức độ nghiêm trọng từ tác động của khí tự nhiên đối với biến đổi khí hậu được hiểu rõ hơn mỗi ngày, vì nó gây rò rỉ khí methane – một loại khí nhà kính gây tác động lớn.
Trong khi đó, các sự kiện thời tiết cực đoan đang khiến các nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch dần hoạt động thất bại. Tuy nhiên, việc chuyển đổi khỏi dầu và khí đốt vẫn đang không diễn ra đủ nhanh ở bất kỳ đâu, vị này đánh giá.