Châu Âu cam kết tăng cường hợp tác với chính quyền mới của Mỹ

Hội nghị thượng đỉnh không chính thức của Liên minh châu Âu sau 2 ngày họp tại Hungary đã bế mạc.

Mặc dù khẳng định yếu tố tự cường của Liên minh châu Âu trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là an ninh và kinh tế song theo các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu, khối này vẫn cần hợp tác chặt chẽ với Mỹ nhằm đảm bảo lợi ích hài hòa của khối, khu vực và thế giới.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. (Ảnh: Reuters)

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. (Ảnh: Reuters)

Tuyên bố Budapest về Thỏa thuận cạnh tranh châu Âu phác thảo khuôn khổ chiến lược nhằm nâng cao vị thế của khối thông qua các cải cách và sáng kiến mục tiêu ở nhiều lĩnh vực. Một trong những ưu tiên hàng đầu mà các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu nhất trí là đảm bảo một thị trường chung hoạt động đầy đủ, phát huy hết tiềm năng của thị trường như một động lực chính cho đổi mới, đầu tư, hội tụ, tăng trưởng, kết nối và khả năng phục hồi kinh tế.

Tuyên bố cũng đề xuất thành lập một cơ sở công nghiệp quốc phòng châu Âu, phản ánh cách tiếp cận chiến lược nhằm củng cố năng lực quốc phòng và quyền tự chủ của Liên minh châu Âu. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo còn cam kết thực hiện đơn giản hóa nhằm giảm gánh nặng hành chính cho các doanh nghiệp. Đến giữa năm 2025, EU có kế hoạch giảm ít nhất 25% nghĩa vụ báo cáo, thúc đẩy môi trường thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo. Tuyên bố cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải đưa ra các biện pháp khẩn cấp để giảm giá năng lượng, vốn khiến các công ty châu Âu phải chịu bất lợi về khả năng cạnh tranh so với các doanh nghiệp Mỹ.

Mặc dù khẳng định yếu tố tự cường của Liên minh châu Âu trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là an ninh và kinh tế song theo các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu, khối này vẫn cần hợp tác chặt chẽ với Mỹ nhằm đảm bảo lợi ích hài hòa của khối, khu vực và thế giới. Trong một tuyên bố sau hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Xác-lơ Mi-xen nhấn mạnh:

"Tôi hoàn toàn tin rằng tất cả các nhà lãnh đạo châu Âu đều muốn củng cố mối quan hệ với Mỹ. Chúng tôi đã có cuộc tranh luận trong 2 ngày qua, về tất cả các chủ đề bao gồm an ninh, quốc phòng… Và chúng tôi đã chuyển thông điệp đến cho ông Donald Trump rằng chúng tôi muốn hợp tác với ông ấy trong nhiệm kỳ, bao gồm cả về vấn đề Ukraine.

Ủng hộ lập trường của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong một tuyên bố cho biết, EU có đủ năng lực để làm những gì cần thiết nhưng khối này nên tìm kiếm các cuộc đàm phán một cách rất rõ ràngvới Mỹ.

Ông Olaf Scholz cho biết: “Chúng ta đã thảo luận về mối quan hệ Liên minh châu Âu – Mỹ sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Đây là tất cả chúng ta đều quan tâm. Mỹ là cường quốc mạnh nhất thế giới và đồng thời là một nền dân chủ mạnh mẽ là đối tác liên minh quan trọng nhất của chúng ta. Đó là lý do tại sao điều đó rất quan trọng vì Mỹ là và vẫn là đồng minh quan trọng của châu Âu. Sự hợp tác chặt chẽ vơíMỹ và tổng thống tương lai nước này là điều cần thiết cho hòa bình và an ninh trên toàn thế giới cũng như trên lục địa của chúng ta".

Tuyên bố của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đưa ra trong bối cảnh mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đã trải qua đầy biến động trong nhiệm kỳ tổng thống trước đây của ông Donald Trump từ việc ông chỉ trích gay gắt Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), thể hiện quan điểm mơ hồ về cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine và vấn đề biến đổi khí hậu. Tất cả những điều này khiến nhiều quan chức châu Âu không khỏi lo ngại khi ông một lần nữa chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua.

Hồng Nhung/VOV1 (Tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/chau-au-cam-ket-tang-cuong-hop-tac-voi-chinh-quyen-moi-cua-my-post1134352.vov