Châu Âu cần 1.000 tỷ đô la để thay thế năng lực quân sự của Mỹ

Theo một nhóm nghiên cứu an ninh, châu Âu sẽ cần 1.000 tỷ đô la để thay thế các năng lực và thiết bị hiện đang được Mỹ cung cấp cho lục địa này.

Quân đội Mỹ tham gia một cuộc tập trận quân sự tại Đức vào ngày 12/3/2025. Ảnh: Getty Images.

Quân đội Mỹ tham gia một cuộc tập trận quân sự tại Đức vào ngày 12/3/2025. Ảnh: Getty Images.

Trong báo cáo mới nhất, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ước tính việc thay thế sức mạnh không quân sẽ phải trả giá đắt nhất. Chính quyền Mỹ đã ra hiệu muốn chuyển hướng khỏi sự hỗ trợ quân sự kéo dài hàng thập kỷ mà Washington đã cung cấp cho châu Âu.

Chính quyền Donald Trump cho biết họ muốn thu hẹp sự hiện diện của Mỹ tại Châu Âu, bao gồm cả việc từ bỏ vai trò là Tổng tư lệnh đồng minh tối cao của NATO tại Châu Âu, hay còn gọi là SACEUR.

Báo cáo của IISS nêu bật chi phí lớn mà các nước châu Âu phải đối mặt để lấp đầy khoảng trống an ninh do việc thu hẹp quy mô quân đội Mỹ trên lục địa này để lại, cũng như những khó khăn về chính sách do sự không chắc chắn về việc Mỹ có kế hoạch rút quân hay không.

IISS có trụ sở tại London cho biết mục đích của báo cáo vừa được công bố nhằm chỉ ra chi phí và yêu cầu về công nghiệp quốc phòng để NATO có thể phòng thủ trước mối đe dọa từ Nga trong tương lai mà không có Mỹ.

Đánh giá này giả định cuộc chiến ở Ukraine sẽ kết thúc vào giữa năm 2025 với một thỏa thuận ngừng bắn và Mỹ bắt đầu quá trình rút khỏi NATO.

Theo IISS, các thành viên châu Âu của NATO sẽ phải đối mặt với những thách thức đáng kể nếu Mỹ ngừng các cam kết quốc phòng đối với châu lục này, đặc biệt là khi IISS đánh giá Nga có thể tái lập lực lượng vào năm 2027 sau lệnh ngừng bắn ở Ukraine.

IISS ước tính chi phí để thay thế thiết bị và năng lực của Mỹ tại châu Âu trong 25 năm tới sẽ lên tới 1.000 tỷ đô la, trong đó khoảng 1/5 phải chi cho 400 máy bay bổ sung trên khắp châu Âu - một “mệnh lệnh khó khăn” khi dây chuyền sản xuất bị quá tải.

Việc mở khóa nguồn tài trợ này là khả thi, nhưng sẽ đi kèm với những thách thức đáng kể và đòi hỏi cách tiếp cận triệt để đối với chi tiêu quốc phòng gần với mức thời Chiến tranh Lạnh, trong đó chi tiêu sẽ cần phải vượt quá 3% GDP.

15% khác của con số này sẽ được sử dụng để thay thế 20 tàu khu trục của Mỹ, nhóm nghiên cứu cho biết thêm. Việc thay thế 128.000 quân nhân Mỹ cũng sẽ tốn hơn 12 tỷ đô la.

Việc xây dựng lại năng lực phòng thủ của châu Âu trong trung hạn là có thể. Nếu mỗi quốc gia NATO châu Âu đầu tư 2% GDP, sẽ có thêm 62 tỷ đô la cho lực lượng vũ trang của họ, IISS cho biết.

Chính quyền Mỹ khẳng định muốn rời xa châu Âu, một châu lục mà họ đã hỗ trợ về mặt quân sự trong nhiều thập kỷ kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Trong nhiều năm, Mỹ đã gánh vác gánh nặng quân sự tốn kém ở châu Âu, bao gồm cung cấp hậu cần, vận tải chiến lược, thông tin liên lạc, tình báo và khả năng trinh sát, cũng như tác chiến điện tử trên không và kho dự trữ đạn dược.

Tuy nhiên, một quan chức Trung Âu tham gia vào kế hoạch quốc phòng tại châu Âu cho biết Mỹ vẫn chưa đưa ra lộ trình phác thảo những năng lực mà Washington dự định rút khỏi châu Âu và những gì châu lục này sẽ phải thay thế khẩn cấp.

Các quan chức chính trị và quân sự châu Âu thừa nhận châu lục này từ lâu đã phụ thuộc quá mức vào Mỹ và cam kết củng cố ngành công nghiệp quốc phòng thông qua việc tăng đầu tư. Các nguồn tin trong ngành cho biết một số tiến triển đã đạt được trên khắp châu Âu, nhưng tốc độ chậm hơn dự kiến. Trọng tâm là lấp đầy các kho dự trữ thiết bị đã gửi đến Ukraine.

Thượng nghị sĩ Roger Wicker và Đại biểu Mike Rogers, hai chủ tịch đảng Cộng hòa của Ủy ban Quân vụ Thượng viện và Hạ viện Mỹ cho biết họ “rất lo ngại” về những lời đồn đoán Lầu Năm Góc muốn “cắt giảm đáng kể quân số Mỹ đồn trú ở nước ngoài”.

Vào đầu tháng 4, Rogers đã chỉ trích một số quan chức tại Lầu Năm Góc có quan điểm sai lầm và nguy hiểm về việc kiềm chế sự hiện diện của Mỹ tại Châu Âu.

Theo Financial Times, các cường quốc quân sự quan trọng nhất của châu Âu đang cùng nhau lập kế hoạch để đảm nhiệm phần lớn trách nhiệm bảo vệ lục địa. Điều này bao gồm một đề xuất gửi đến Nhà Trắng để châu Âu nắm quyền kiểm soát trong thập kỷ tới.

Tuy nhiên, theo hãng tin này, phải mất từ 5 đến 10 năm tăng chi tiêu quốc phòng thì châu Âu mới có được năng lực riêng để thay thế những năng lực hiện do Mỹ cung cấp, ngoại trừ vũ khí hạt nhân của Washington.

TD

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/chau-au-can-1-000-ty-do-la-de-thay-the-nang-luc-quan-su-cua-my-248922.htm