Châu Âu cảnh giác

Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đảo ngược quyết định áp thuế đối ứng trong 90 ngày, Liên minh châu Âu vẫn nâng cao cảnh giác và chuẩn bị cho những điều không chắc chắn.

 Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh EU sẽ theo đuổi những chiến lược giúp châu Âu bớt phụ thuộc vào một nước Mỹ ngày càng thất thường. Ảnh: Reuters.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh EU sẽ theo đuổi những chiến lược giúp châu Âu bớt phụ thuộc vào một nước Mỹ ngày càng thất thường. Ảnh: Reuters.

Hôm 10/4, Liên minh châu Âu thông báo hoãn kế hoạch áp thuế trả đũa Mỹ sau quyết định đột ngột dừng thuế đối ứng với hầu hết quốc gia của Tổng thống Donald Trump.

Theo New York Times, thông báo của ông Trump không giúp châu Âu hoàn toàn thở phào nhẹ nhõm. Mức thuế quan mới cao hơn vẫn áp dụng với ôtô và các kim loại quan trọng, và hoãn không đồng nghĩa với hủy bỏ. Hôm 11/4, ông Trump tuyên bố sẽ không gia hạn thời gian tạm hoãn 90 ngày. Sự bất ổn đang tràn ngập khắp nơi, trở thành gánh nặng cho người tiêu dùng và các công ty trên khắp lục địa.

Tuy nhiên, động thái này cũng báo hiệu một tia hy vọng cho giới lãnh đạo châu Âu: Họ có thể đàm phán với Mỹ. Việc Washington đảo ngược quyết định diễn ra chỉ vài giờ sau khi châu Âu thông qua mức thuế trả đũa 10-25% với khoảng 23 tỷ USD hàng nhập khẩu Mỹ, trong đó có đậu nành, bơ đậu phộng và keo xịt tóc. Song xét tới thái độ của Mỹ, EU tuyên bố cũng sẽ tạm ngưng trong 90 ngày.

“Nếu đàm phán không thành công, chúng tôi sẽ áp dụng các biện pháp đối phó”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố. “Công tác chuẩn bị cho các biện pháp ứng phó vẫn đang được triển khai”.

Châu Âu có thời gian “tính toán, phân tích, suy ngẫm”

Trong tuyên bố về thuế có đi có lại hôm 2/4, ông Trump cho biết Liên minh châu Âu chịu ngưỡng 20%. Tuy nhiên, mức thuế 25% với ôtô, thép và nhôm vẫn còn hiệu lực, và biện pháp trả đũa do châu Âu phê duyệt hôm 9/4 nhắm vào các mức thuế với ngành kim loại, không phải dành cho thuế đối ứng đang được tạm hoãn.

Các quan chức hiện "dành chút thời gian để tính toán, dành chút thời gian để phân tích, dành chút thời gian để suy ngẫm", Olof Gill - phát ngôn viên Ủy ban châu Âu - cho biết trong buổi họp báo hôm 10/4.

Các quan chức Nhà Trắng bày tỏ lạc quan đòn trả đũa của châu Âu sẽ không có hiệu lực từ ngày 15/4, theo như kế hoạch ban đầu. “Thuế sẽ được hoãn trong 90 ngày, nhờ đó, các nước có thời gian đàm phán với tổng thống mà không cần lo lắng về chính sách đang treo lơ lửng”, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick nói.

Chính quyền Trump thay đổi quyết định sau khi chứng kiến thị trường bất ổn, nhưng nói rõ họ có kế hoạch hướng tới các thỏa thuận trong thời gian tạm hoãn. Rõ ràng. đây là tin tốt với các nhà hoạch định chính sách châu Âu, những người đang muốn đàm phán.

 Quan chức châu Âu nhiều lần đề xuất châu Âu và Mỹ nên giảm thuế với các sản phẩm công nghiệp, bao gồm cả ôtô, xuống mức 0. Ảnh: Reuters.

Quan chức châu Âu nhiều lần đề xuất châu Âu và Mỹ nên giảm thuế với các sản phẩm công nghiệp, bao gồm cả ôtô, xuống mức 0. Ảnh: Reuters.

Suốt nhiều tuần qua, các quan chức châu Âu đã tìm cách thuyết phục Mỹ. Những ngày gần đây, bà von der Leyen nhiều lần đề xuất cả châu Âu và Mỹ nên giảm thuế với các sản phẩm công nghiệp, bao gồm cả ôtô, xuống mức 0.

“Thuế quan gây tổn hại cho doanh nghiệp và người tiêu dùng”, bà khẳng định. “Đó là lý do tôi luôn ủng hộ thỏa thuận thuế quan bằng không giữa Liên minh châu Âu và Mỹ”.

Trong khi đó, ông Gill cho biết EU có thể “xem xét các lĩnh vực khác trong tương lai” để áp dụng thuế quan bằng không, tùy thuộc vào sự cởi mở của Mỹ.

Nỗi đau của châu Âu vẫn còn đó

Tuy nhiên, cho đến nay, giữa châu Âu và Mỹ chưa có nhiều tiến triển hướng tới bước đột phá. Châu Âu nhận thấy Mỹ muốn tái sắp xếp hệ thống thương mại toàn cầu, thay vì giành được một vài chiến thắng trong chớp nhoáng và quay lại hoạt động kinh doanh như thường lệ.

Nỗi đau của châu Âu chưa kết thúc. Mỹ duy trì mức thuế quan cứng rắn với Trung Quốc, đồng nghĩa làn sóng hàng hóa giá rẻ có thể tràn vào lục địa này. Các khoản thuế kìm hãm ngành ôtô Đức vẫn còn đó. Và châu Âu lo ngại về khả năng phải áp dụng thuế quan với dược phẩm từ Mỹ, có khả năng ảnh hưởng nặng nề đến những quốc gia như Ireland và Đan Mạch.

Trong bối cảnh bất ổn dai dẳng, châu Âu duy trì cách tiếp cận đa hướng. Châu Âu đã đề nghị đàm phán với Mỹ ngay cả khi giữ thái độ kiên quyết trả đũa, đồng thời nỗ lực đạt được thỏa thuận thương mại với các đối tác mới, thúc đẩy cắt giảm thủ tục hành chính và tăng cường sức mạnh cho ngành công nghiệp trong nước.

Bà von der Leyen nhấn mạnh châu Âu sẽ tiếp tục theo đuổi các chiến lược này, nhằm mục đích giúp EU bớt phụ thuộc vào một nước Mỹ ngày càng thất thường. Trong cuộc nói chuyện với lãnh đạo Canada, New Zealand và UAE, bà khẳng định: “Cuộc khủng hoảng này đã làm rõ một điều. Trong thời điểm bất ổn, thị trường chung là mỏ neo ổn định và phục hồi của chúng ta”.

Trí Ân

Nguồn Znews: https://znews.vn/chau-au-canh-giac-post1545107.html