Châu Âu có khả năng tự bảo vệ mình

... Và Mỹ có cần mãi mãi là nhà cung cấp an ninh chính ở châu Âu không?

Lính Mỹ đứng trước một khẩu lựu pháo trong cuộc tập trận của NATO ở Grafenwoehr, Đức ngày 20/7. (Nguồn: AFP)

Lính Mỹ đứng trước một khẩu lựu pháo trong cuộc tập trận của NATO ở Grafenwoehr, Đức ngày 20/7. (Nguồn: AFP)

Trong nhiều thập kỷ, Mỹ có niềm tin vững vàng rằng NATO có vai trò rất quan trọng trong chính sách đối ngoại của mình.

Nhà ngoại giao kỳ cựu William Burns từng viết trong cuốn hồi ký của mình, bất kỳ người nào hoài nghi NATO ở Washington sẽ cảm thấy lạc lõng. Bà Kathleen J. McInnis - thành viên cấp cao của Chương trình An ninh quốc tế (Mỹ) – bình luận trên Foreign Policy rằng người Mỹ vẫn cần NATO, nhưng theo một cách khác.

Bà lập luận mạnh mẽ rằng NATO là cái gốc của “sự tự do và thịnh vượng kinh tế” mà người Mỹ được hưởng. Không chỉ thế, cung cấp an ninh cho người châu Âu thông qua NATO “cho phép Mỹ thiết lập chương trình nghị sự an ninh quốc tế”, tạo điều kiện thuận lợi cho Washington sau vụ khủng bố 11/9, giúp xử lý “các nhiệm vụ chống cướp biển ở Sừng châu Phi..., các vấn đề Trung Quốc, biến đổi khí hậu và hoạt động chống thông tin giả, ứng phó với đại dịch, di cư và khủng bố”.

NATO là một liên minh quân sự, ra đời nhằm đảm bảo an ninh cho các thành viên, ngăn chặn sự tấn công của Liên Xô. Tuy nhiên, Liên Xô đã tan rã, Đức đã thất bại, vậy vì đâu Mỹ vẫn đấu tranh giữ lại NATO sau Chiến tranh lạnh?

Câu trả lời rất đơn giản: NATO là cầu nối để Mỹ duy trì tư cách là người đảm bảo an ninh ở châu Âu.

Một báo cáo của tổ chức nghiên cứu Rand, được bà McInnis trích dẫn, đã ủng hộ ý tưởng “phòng thủ theo chiều sâu” ở châu Âu. Báo cáo nhận xét, các nhà lãnh đạo Mỹ miễn cưỡng áp dụng khái niệm này vì lo sợ rằng “các đồng minh của Mỹ quá yếu để có thể tự mình kiềm chế Liên Xô”.

Theo báo cáo đó, 4 sư đoàn mà Quốc hội đã đồng ý cử đến Đức vào năm 1950 “không có ý định ở lại đó vô thời hạn; thay vào đó, quân đội Mỹ sẽ được rút đi khi Tây Âu đã phục hồi, đủ để thực hiện biện pháp răn đe thông thường của riêng mình". Và Tây Âu đã phục hồi chưa đầy một thập kỷ sau đó.

NATO là cầu nối để Mỹ duy trì tư cách là người đảm bảo an ninh ở châu Âu. (Nguồn: AVIM)

NATO là cầu nối để Mỹ duy trì tư cách là người đảm bảo an ninh ở châu Âu. (Nguồn: AVIM)

Đến năm 1959, một bản ghi nhớ mô tả Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower đã than thở: “Người châu Âu đang xem việc triển khai này là một cam kết lâu dài và chắc chắn.

Trên thực tế, chúng ta đang gánh toàn bộ sức nặng của lực lượng răn đe chiến lược, phải tiến hành các hoạt động vũ trụ và các chương trình nguyên tử. Chúng ta đã chi trả cho hầu hết các cơ sở hạ tầng, và duy trì các lực lượng không quân và hải quân lớn cũng như 6 sư đoàn”.

Nhưng thời kỳ đó đã qua

Những phát triển gần đây ở châu Âu, được nhân lên sau cuộc chiến Nga-Ukraine, cho thấy người nào hoài nghi về vai trò của Mỹ như "nhà cung cấp an ninh chính ở châu Âu" có thể không còn lạc lõng.

Thời thế đã thay đổi. Đức không chỉ dừng phê duyệt Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (điều dường như không thể vào 6 tháng trước), mà còn thành lập quỹ 100 tỷ Euro (tương đương 107 tỷ USD) để củng cố quốc phòng và sau đó cam kết chi 2% GDP cho quốc phòng. Ba Lan và một số nước khác cũng cam kết tăng chi tiêu.

Nhưng như nhà khoa học chính trị Barry Posen đã nhận xét tại một hội thảo của Viện Cato gần đây, có lý do để lo lắng những cam kết này sẽ không thành hiện thực. Bởi vì, Mỹ đã nhanh chóng vào cuộc, gửi thêm 20.000 binh sĩ đến châu Âu để trấn an các đồng minh NATO.

Mặt trái của sự trấn an là khi bạn trấn an nhiệt tình, các đồng minh có thể sẽ tin bạn và có thể không làm gì để bảo vệ chính họ. Có vẻ như người châu Âu, tự tin đứng sau tấm khiên của Captain America, đã quay lại cuộc sống bình thường.

Ngân sách quốc phòng của Mỹ, vốn đã phình to ở mức 847 tỷ USD, sẽ sớm vượt mức 1.000 tỷ USD. Do vậy, việc duy trì bảo đảm an ninh cho châu Âu trong bối cảnh này là một yêu cầu xa xỉ với Mỹ. Và Mỹ cũng không thể duy trì, trong khi phải cạnh tranh hiệu quả với một Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ.

Vì những lý do đó, những người ủng hộ NATO với tư cách là một liên minh lâu dài có lẽ nên bắt đầu suy nghĩ về kế hoạch B, chứ không phải quảng cáo liên minh là liệu pháp chữa trị cho tất cả các vấn đề, từ biến đổi khí hậu, vi phạm bản quyền đến thông tin giả.

Châu Âu đủ giàu và đủ mạnh để tự vệ. Nhưng người châu Âu sẽ không làm như vậy trừ khi Mỹ thôi làm điều đó cho họ.

Thảo Đình

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chau-au-co-kha-nang-tu-bao-ve-minh-192106.html