Châu Âu công bố chùm vệ tinh mới theo dõi lượng phát thải khí nhà kính

Giám sát phát thải khí nhà kính từ không gian sẽ giúp thế giới đi đúng hướng để đạt được các mục tiêu giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Sứ mệnh không gian mới được Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) và chương trình quan sát Trái đất Copernicus của Liên minh châu Âu công bố trong Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu COP26 tại Glasgow vào ngày 2.11. Dự án này sẽ dựa trên một chòm sao vệ tinh chuyên dụng.

Chòm sao được gọi là Năng lực hỗ trợ giám sát và xác minh CO2 của châu Âu (CO2MVS), giúp quan sát lượng khí thải do con người tạo ra, hiện đang được phát triển bởi ESA và Tổ chức khai thác vệ tinh khí tượng châu Âu (EUMETSAT). Khi ở trên quỹ đạo, các vệ tinh sẽ đo nồng độ của 2 loại khí nhà kính phổ biến nhất là carbon dioxide (CO2) và methane (CH4) một cách chi tiết và trong thời gian gần như thực tế, đại diện chương trình Copernicus cho biết.

Carbon dioxide được thải ra trong quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch và trong nông nghiệp, là loại khí làm nóng khí hậu phổ biến nhất, chiếm gần 80% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Khí methane mặc dù chỉ chiếm khoảng 16% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu, nhưng lại có tác dụng làm ấm bầu khí quyển Trái đất gấp 80 lần so với carbon dioxide và do đó cũng là một nguyên nhân đáng lo ngại.

Đại diện Copernicus cho biết công cụ vệ tinh mới sẽ “thay đổi cuộc chơi”, cho phép các nhà nghiên cứu khí hậu quan sát các nguồn phát thải khí nhà kính riêng lẻ như các nhà máy điện và địa điểm sản xuất nhiên liệu hóa thạch. Các vệ tinh hiện nay đo lường những thay đổi về nồng độ carbon dioxide trong khí quyển, nhưng chủ yếu liên quan đến các biến thể tự nhiên trong chu trình carbon mà không thể chỉ ra các nguồn công nghiệp riêng lẻ.

Công ty GHGSat của Canada hiện đang sử dụng ba tế bào vi mô để phát hiện các nguồn phát thải khí methane. Dự án này phóng vệ tinh đầu tiên vào năm 2016, đã đo thành công sự rò rỉ khí methane từ các hoạt động khai thác dầu ngoài khơi cũng như các bãi xử lý chất thải. Nhưng chòm sao mới được thiết kế để quan sát ở phạm vi rộng hơn, chi tiết hơn và độ chính xác cao hơn so với những vệ tinh hiện có, theo đại diện Copernicus.

Dữ liệu thu thập sẽ được tích hợp vào các mô hình máy tính về bầu khí quyển và sinh quyển của Trái đất đang được Cơ quan Giám sát khí quyển Copernicus (CAMS) sử dụng. CO2MVS sẽ do Trung tâm Dự báo thời tiết tầm trung châu Âu (ECMWF) quản lý thay cho Ủy ban châu Âu với sự tài trợ của EU.

“Kể từ khi bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp, chúng tôi đã thấy nồng độ carbon dioxide tăng nhanh hơn bao giờ hết và cần phải thực hiện các bước để giảm phát thải một cách đáng kể. Bằng cách cung cấp dữ liệu chính xác và nhất quán trên toàn cầu về lượng khí thải do con người tạo ra, chúng tôi có thể hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách trước thách thức to lớn này”, Richard Engelen, Phó giám đốc CAMS nói.

Theo đại diện Copernicus, chòm sao CO2MVS mới sẽ được vận hành vào năm 2026, kịp thời để giúp thế giới xem xét tiến độ trong việc hạn chế phát thải khí nhà kính theo yêu cầu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký kết vào năm 2015. Trong thỏa thuận đó, các quốc gia trên thế giới đã cam kết giảm khí thải nhà kính với những lộ trình riêng. Dù vậy, khí thải gây nóng lên toàn cầu vẫn tăng nhanh hơn dự kiến, đạt mức kỷ lục trong năm nay bất chấp đợt giảm ngắn ngủi trong năm 2020 vì đại dịch.

Hiệp định Paris đặt mục tiêu giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 1,5°C so với giai đoạn tiền công nghiệp. Trong trường hợp mục tiêu này thất bại, lằn ranh cuối cùng ngăn chặn thảm họa biến đổi khí hậu là giữ cho nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2°C so với giai đoạn tiền công nghiệp.

Biến đổi khí hậu đang gây nên những thiên tai, thảm họa chưa từng có tiền lệ trên khắp thế giới. Thế giới đã nóng lên 1,1°C và tiến nhanh đến giới hạn báo động đỏ. Đánh giá vừa qua của Liên Hợp Quốc dự đoán mức tăng nhiệt độ sẽ vượt mốc 1,5°C trong hai thập kỷ tới.

Long Hải

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/chau-au-cong-bo-chum-ve-tinh-moi-theo-doi-luong-phat-thai-khi-nha-kinh-173993.html