Châu Âu đàm phán giảm giá bán vaccine ngừa Covid-19 cho các nước nghèo
Châu Âu đang cùng Mỹ phối hợp đàm phán với các nhà sản xuất vaccine ngừa Covid-19 để giảm giá bán cho các nước có thu nhập trung bình và thấp xuống còn khoảng 2 euro.
Phát biểu trên kênh truyền hình của báo Lefigaro (Pháp), Ủy viên thị trường nội địa châu Âu Thierry Breton cho biết, châu Âu ủng hộ mạnh mẽ vấn đề chia sẻ vaccine trên toàn cầu, hỗ trợ các nước nghèo có điều kiện tiếp cận vaccine ngừa Covid-19.
Ông Thierry Breton đã dẫn chứng một con số đáng lo ngại là hiện mới chỉ có 3% dân số châu Phi được tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19. Theo Ủy viên phụ trách thị trường nội địa châu Âu, để giảm bớt sự chênh lệch về tỷ lệ tiêm phòng vaccine trên toàn cầu hiện nay, châu Âu cũng như Mỹ cần phải xuất đi một nửa số vaccine sản xuất, giúp đỡ các nước châu Phi xây dựng cơ sở hạ tầng về vaccine và đặc biệt là giải quyết vấn đề giá vaccine vẫn còn rất cao hiện nay.
“Với các nhà sản xuất vaccine như Pfizer, Moderna… chúng tôi đang tiến hành các cuộc đàm phán nhằm hỗ trợ các nước có thu nhập trung bình và thấp. Bởi giá bán vaccine hiện vẫn còn quá cao và cần phải làm sao để mức giá khoảng 20 euro hiện nay xuống chỉ còn 2 euro” - ông Thierry Breton cho biết.
Theo các công bố mới nhất, ngoài số vaccine cam kết cho “Sáng kiến chia sẻ vaccine toàn cầu” (COVAX), từ nay đến giữa năm 2022, châu Âu sẽ dành khoảng 500 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 để tài trợ cho các nước nghèo.
Về phía các quốc gia thành viên, trong một phát biểu trước đại nhạc hội toàn cầu Global Citizen tổ chức tại Paris ngày 25/9, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thừa nhận, việc phân phối vaccine Covid-19 trên toàn cầu đang tồn tại sự bất bình đẳng, tiến độ tiêm chủng tại nhiều nước còn chậm, trong đó có một phần trách nhiệm của Pháp.
Theo đó, Pháp cam kết sẽ tăng gấp đôi số liều vaccine viện trợ từ 60 triệu lên 120 triệu liều. Đối với châu Phi, Pháp sẽ phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) để đẩy nhanh công tác tiêm chủng; đồng thời, sẽ điều hướng 20% quyền rút vốn đặc biệt nhận được từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho các dự án hỗ trợ khôi phục kinh tế tại châu Phi.
Nhiều quốc gia châu Âu khác cũng đưa ra các cam kết nâng số vaccine viện trợ cho các nước đang phát triển như Italia 30 triệu liều, Tây Ban Nha 7,5 triệu liều hay Đan Mạch cũng nâng gấp đôi số lượng vaccine tài trợ lên 6 triệu liều.
Theo một báo cáo của tổ chức “Y tế thế giới” (WHO), để nâng tỷ lệ tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 của thế giới lên 40% vào cuối năm 2021 thì các quốc gia cần phải tài trợ cho châu Phi ít nhất 500 triệu liều, số lượng vốn chỉ đủ để tiêm cho khoảng 17% dân số châu lục này./.