Châu Âu: Để Đông về bớt lạnh
Trước viễn cảnh nguồn cung khí đốt bị gián đoạn, giữa mùa Hè nắng nóng, Liên minh châu Âu (EU) đang gấp rút triển khai kế hoạch ứng phó với mùa Đông.
Tích cực ứng phó
Ngày 26/7, các bộ trưởng năng lượng của 27 nước thành viên EU đã thông qua thỏa thuận cắt giảm tiêu thụ khí đốt, theo tinh thần của kế hoạch khẩn cấp về năng lượng của Ủy ban châu Âu.
Theo kế hoạch này, từ ngày 1/8, các nước thuộc EU sẽ cắt giảm 15% mức tiêu thụ khí đốt trung bình trong mùa Đông năm năm qua. Mục tiêu của việc tiết kiệm là đảm bảo nguồn khí đốt dự trữ cho mùa Đông sắp tới. EU cũng đặt ra mục tiêu đến ngày 1/11, các quốc gia thành viên sẽ đạt 80% năng lực dự trữ khí đốt.
Trước khi xung đột tại Ukraine bùng nổ, EU phụ thuộc 40% nguồn cung từ Nga. Sau năm tháng xung đột, lượng cung ứng khí đốt từ Nga cho EU đã giảm 30% so với trung bình giai đoạn 2016-2021. Tuy nhiên, với việc EU liên tiếp đưa ra các gói trừng phạt nhắm vào Nga, gần đây nhất là gói thứ 7 vào ngày 21/7, người dân châu Âu có lý do để lo ngại mùa Đông sắp tới sẽ khó khăn khi liên tiếp kể từ trung tuần tháng Sáu, nguồn cung từ Nga bị cắt giảm.
Người tiêu dùng, các hộ gia đình châu Âu là những người đầu tiên bị ảnh hưởng bởi họ sử dụng trực tiếp khí đốt để sưởi ấm vào mùa Đông hoặc điện được sản xuất từ nhiên liệu nhập khẩu. Cho đến thời điểm này, các hộ tiêu dùng vẫn nhận được bảo hộ của các chính phủ. Tuy nhiên, sự chuyển đổi sang cơ chế phân bổ chắc chắn sẽ làm giá nhiên liệu bùng nổ khi thống kê cho thấy vào lúc cao điểm, mức tiêu thụ điện và khí đốt của châu Âu mùa Đông có thể gấp năm lần mùa Hè.
Không chờ đợi kế hoạch của cả khối, từng quốc gia riêng lẻ trong EU cũng đã chạy đua lấp đầy các kho dự trữ khí đốt hóa lỏng từ nhiều nguồn khác nhau.
Đức, nền kinh tế lớn nhất EU, tiêu thụ khoảng 90 tỷ mét khối khí đốt hàng năm trong đó có tới 55% là nhập khẩu từ Nga. Sau khi xung đột tại Ukraine bùng nổ, tỷ lệ này giảm xuống còn 26%. Nước này hiện cũng đã dự trữ được 58% khả năng, cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai của EU cũng đã đạt mức dự trữ 77% năng lực và dự kiến sẽ đạt 85% vào ngày 1/11.
Đa dạng giải pháp
Chính phủ các nước EU cũng ban hành hàng loạt các biện pháp nhằm giảm tiêu thụ năng lượng ngay trong mùa hè.
Từ đầu tháng Bảy, Italy, nền kinh tế lớn thứ ba của EU cũng ban hành kế hoạch khẩn cấp theo đó đèn chiếu sáng xung quanh các tượng đài phải tắt, các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa sớm vào lúc 19h. Italy nhập khẩu đến 95% tổng lượng khí đốt mà nước này sử dụng, 40% trong số đó đến từ Nga.
Tại Pháp, chính phủ mới đây ban hành hai sắc lệnh áp dụng mức phạt cao đối với các cơ sở mở cửa trong khi bật điều hòa vào mùa Hè và máy sưởi vào mùa Đông nhằm tiết kiệm nhiên liệu.
Còn tại Tây Ban Nha, nước không phụ thuộc nhiều vào nguồn cung khí đốt từ Nga, chính phủ cũng đề ra mục tiêu cắt giảm 7-8% lượng tiêu thụ năng lượng để hỗ trợ các nỗ lực chung của cả khối.
Để đảm bảo cung ứng điện cho người dân và sản xuất, một vài chính phủ cũng xem xét việc gia hạn các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than (Đức, Áo, Hà Lan).
Tại Pháp, TotaleEnergies sẽ sớm cho hồi hương trạm khí hóa ga Cape-Ann đang ở Trung Quốc để có thể cung ứng 10% tiêu thụ khí đốt của Pháp. EU và các nước thành viên đang đầu tư nhiều tỷ USD vào việc xây dựng các chuỗi kho, trạm và đường ống để nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG).
Theo Independent Commodity Intelligence Services, chỉ tính riêng thời gian từ tháng 2-4/2022, các nước EU và Anh nhập khẩu 28,2 triệu tấn LNG tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. EU cũng dự kiến tuyên bố tăng nhập khẩu LNG thêm 50 tỷ mét khối so với năm 2021. Để đảm bảo nguồn cung, trong Hè này, các quan chức cấp cao, thậm chí cả các nguyên thủ quốc gia thành viên EU liên tục tới Qatar, Azerbaijan, Na Uy và Algeria để ký kết các thỏa thuận.
Các nước thành viên EU cũng kích hoạt “cơ chế đoàn kết năng lượng EU” vốn được hình thành từ năm 2017. Cho đến nay, đã có sáu thỏa thuận song phương theo cơ chế này được ký kết gồm thỏa thuận Đức-Đan Mạch, Đức-Áo, Estonia-Latvia, Lithuania-Latvia, Italy-Slovenia và Phần Lan-Estonia. Croatia và Slovenia cũng chuẩn bị ký kết một thỏa thuận tương tự. Chính phủ Pháp lần đầu cho biết sẵn sàng kích hoạt cơ chế này để hỗ trợ Đức trong trường hợp khẩn cấp.
Với hàng loạt sự chuẩn bị này, tưởng chừng như EU đã sẵn sàng cho một mùa Đông lạnh giá khi vắng khí đốt Nga. Song đó chưa phải là tất cả. Theo dự báo của Moody’s, năm 2023, tăng trưởng của Eurozone chỉ đạt 0,9% GDP. Nếu Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt mùa Đông tới, GDP của khu vực có thể giảm 3% năm 2023. Một “mùa Đông kinh tế” ảm đạm vẫn còn ở phía trước châu Âu.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chau-au-de-dong-ve-bot-lanh-193174.html