Châu Âu đối mặt 'cơn bão' thuế quan từ Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đẩy căng thẳng thương mại lên cao trào với việc đe dọa áp thuế toàn diện lên hàng hóa từ EU, tạo ra thách thức lớn cho quan hệ kinh tế xuyên Đại Tây Dương.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu đang gia tăng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra tuyên bố gây chấn động khi đe dọa sẽ áp đặt thuế quan toàn diện lên hàng hóa nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU). Động thái này được xem là một phần trong chiến lược "Nước Mỹ trên hết" của Trump, nhưng có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho cả hai bên bờ Đại Tây Dương.

Căng thẳng thương mại bắt nguồn từ cáo buộc của Tổng thống Trump về sự mất cân bằng trong quan hệ thương mại Mỹ-EU. Trong một tuyên bố trước báo giới tối 2/2, ông Trump cho rằng châu Âu đã phạm sai lầm lớn khi không mua thêm sản phẩm của Mỹ, dẫn đến thâm hụt hàng hóa và dịch vụ giữa hai bên đã lên tới 350 tỷ USD (dù theo ước tính chính thức của Chính phủ Mỹ, con số này chỉ nhỉnh hơn 131 tỷ USD vào năm 2022).

"Họ không lấy ô tô của chúng ta, họ không lấy sản phẩm nông nghiệp của chúng ta, họ hầu như không lấy gì cả, trong khi chúng ta phải nhận mọi thứ từ họ", Tổng thống Mỹ nhấn mạnh, trước khi cảnh báo khối 27 quốc gia của EU "chắc chắn" sẽ phải đối mặt với thuế quan từ Mỹ.

Quan hệ kinh tế Mỹ - EU đang rạn nứt trước những đe dọa áp thuế của Tổng thống Donald Trump. Ảnh: CANVA

Quan hệ kinh tế Mỹ - EU đang rạn nứt trước những đe dọa áp thuế của Tổng thống Donald Trump. Ảnh: CANVA

Bức tranh toàn cảnh phức tạp

Xét theo diễn biến những ngày qua, thì những tuyên bố trên không còn là lời đe dọa xuông. Tổng thống Trump trước đó đã áp thuế 25% lên hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada, 10% đối với hàng hóa Trung Quốc. Điều này buộc Mexico và Canada phải nhượng bộ trước những yêu cầu của Mỹ để có thể trì hoãn việc thuế quan có hiệu lực đến 1 tháng.

Tác động từ những lời đe dọa của ông Trump đối với EU cũng diễn ra tức thì. Khi thị trường mở cửa vào ngày 3/2, đồng euro giảm giá 1%, thị trường chứng khoán châu Âu chao đảo và không khí kinh doanh trở nên bất ổn.

Tất nhiên, lý do hàng đầu cho động thái áp thuế quyết liệt của ông Trump đến từ những chỉ số thâm hụt thương mại lớn giữa Mỹ với Mexico, Canada, Trung Quốc và EU. “Ông Trump bị ám ảnh với thâm hụt thương mại, và có thể bắt đầu từ những nơi mà ông ấy cảm thấy sẽ giành chiến thắng nhanh chóng”, Agathe Demarais, thành viên chính sách cấp cao tại Hội đồng Đối ngoại Châu Âu, cho biết với báo New York Times.

Các số liệu chính thức cho thấy bức tranh tổng thể còn phức tạp hơn nhiều. Theo trang thống kê Eurostat, năm 2023, EU xuất khẩu sang Mỹ số lượng hàng hóa trị giá 502 tỷ euro và chỉ nhập khẩu 344 tỷ euro hàng hóa từ bên kia Đại Tây Dương, tạo thặng dư 158 tỷ euro và chỉ thâm hụt 104 tỷ euro trong thương mại dịch vụ với Mỹ.

Chênh lệch thuế quan giữa hai bên còn rõ rệt hơn đối với một số mặt hàng. Chẳng hạn, mức thuế của EU lên ô tô nhập khẩu từ Mỹ lên tới 10%, so với mức 2,5% từ Mỹ với các loại xe từ châu Âu. Mức thuế trung bình của EU đối với thực phẩm và đồ uống nhập khẩu từ Mỹ cũng cao hơn 3,5% so với mức thuế tương tự từ Washington.

Song theo nhà kinh tế Kimberly Clausing thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, tuyên bố của Tổng thống Trump có phần thiếu chân thực, bởi “mô hình bảo hộ giữa Mỹ và châu Âu rất đồng đều, và hoàn toàn không có bằng chứng nào cho thấy Mỹ bị lợi dụng”.

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia Aurélien Saussay từ Viện nghiên cứu Grantham về Biến đổi khí hậu và Môi trường cho rằng điều này về cơ bản phản ánh sự khác biệt về chi phí sản xuất và chất lượng của các sản phẩm được cung cấp, cũng như tâm lý người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng lựa chọn từ châu Âu hơn các sản phẩm nội địa.

Bên cạnh đó, lịch sử cho thấy thặng dư thương mại chưa chắc phản ánh tình hình kinh tế của một quốc gia. Lần cuối cùng Mỹ có thặng dư thương mại tổng thể là vào năm 1975, khi nền kinh tế nước này vẫn đang trong giai đoạn suy thoái trầm trọng.

Cú đánh mạnh vào “đầu tàu” của EU

Việc mở rộng thuế quan sang EU sẽ tác động nghiêm trọng đến các ngành công nghiệp châu Âu, đặc biệt là ngành ô tô, máy móc, dược phẩm và hóa chất. Ngân hàng Deutsche Bank ước tính, thuế quan 10% có thể làm giảm GDP của EU từ 0,5-0,9%, trong khi tăng trưởng GDP dự kiến của khối này chỉ đạt 1,5% trong năm 2025.

Trong đó, Đức sẽ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, khi vừa bị ảnh hưởng bởi thuế quan với Mexico (nơi họ có nhiều nhà máy sản xuất), vừa phải đối mặt với thuế quan trực tiếp từ EU. New York Times tiết lộ, khoảng 2.100 công ty của Đức, trong đó có các hãng xe nổi tiếng như BMW, Volkswagen và Audi, đã đầu tư cơ mạnh vào sở sản xuất tại Mexico sau khi Tổng thống Trump ký kết thỏa thuận thương mại với Mexico và Canada trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.

"Nền công nghiệp Đức đang phải đối mặt với những ảnh hưởng trực tiếp từ các mức thuế quan mới, do họ cũng cung cấp hàng hóa cho thị trường Mỹ từ các nhà máy đặt tại Mexico và Canada”, Wolfgang Niedermark - thành viên nhóm vận động hành lang công nghiệp Đức BDI, lưu ý, "Ngành công nghiệp ô tô và các nhà cung cấp của họ, bao gồm cả ngành công nghiệp hóa chất với vai trò cung cấp nguyên liệu, sẽ chịu tác động mạnh mẽ hơn nhiều so với các lĩnh vực khác.

Theo ước tính từ Viện Prognos (Thụy Sĩ), xuất khẩu sang Mỹ đóng vai trò quan trọng đối với 1,2 triệu việc làm ở Đức. Việc áp thuế đối với hàng hóa châu Âu có thể khiến tới 300.000 người lao động Đức phải đối mặt với tình cảnh bấp bênh.

Ngành công nghiệp xa xỉ phẩm châu Âu cũng có nguy cơ hững chịu một cú giáng mạnh như những gì xảy ra năm 2019. Thời điểm đó, Mỹ từng áp đặt mức thuế 25% trong một thời gian ngắn đối với rượu vang Pháp và pho mát Italia, cũng như các mặt hàng da thuộc cao cấp như túi xách và hành lý từ các thương hiệu như Louis Vuitton và Gucci.

Cần đối thoại hay đối đầu?

Dĩ nhiên, EU cũng chứng tỏ mình không phải phe yếu trong cuộc chơi này, khi đã chuẩn bị các danh sách các mặt hàng Mỹ để đánh thuế đáp trả. Thậm chí, theo Robert Basedow - Phó giáo sư khoa Kinh tế chính trị quốc tế tại Viện Kinh tế và Khoa học Chính trị London thuộc Viện Châu Âu, EU có thể áp dụng nhiều biện pháp phi thuế quan như điều tra hoạt động chống cạnh tranh, tiêu chuẩn lao động, sửa đổi luật thuế để thu nhiều lợi nhuận hơn từ các công ty đa quốc gia có trụ sở chính ở Mỹ.

Tuy nhiên, hiệu quả của các biện pháp trên phụ thuộc vào khả năng thống nhất lập trường giữa các thành viên EU. Trong khi Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen tỏ ra cứng rắn khi tuyên bố "cần một phản ứng tập thể và mạnh mẽ", thì thủ tướng Ba Lan Donald Tusk lại cho rằng: “Chúng ta phải làm mọi cách để tránh điều đó – một cuộc chiến thuế quan hoặc chiến tranh thương mại hoàn toàn không cần thiết và ngu ngốc”.

Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhiều lần nhấn mạnh ưu tiên giải pháp đàm phán hơn đối đầu, thể hiện qua việc sẵn sàng tăng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ. Đồng thời, việc tăng chi tiêu quốc phòng và mua thiết bị quân sự cho Ukraine cũng được xem như một động thái nhằm làm hài lòng chính quyền Trump.

Theo tờ The Economist, Phía EU vẫn hiểu rõ rằng cần phải có một số "pháo hoa" ngoại giao. giữa lúc Tổng thống Trump tỏ ra quyết liệt để buộc châu Âu phải có những nhượng bộ về quốc phòng và vấn đề Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách ở châu Âu vẫn cần một chút” kịch tính” để buộc các quốc gia thành viên EU đoàn kết và đưa ra những quyết định khó khăn.

Cuối cùng, điều quan trọng nhất là cả Mỹ và EU đều phải nhận thức được rằng một cuộc chiến thương mại toàn diện sẽ mang lại thiệt hại cho cả hai. Sự linh hoạt, khả năng thỏa hiệp và nhìn xa trông rộng sẽ là chìa khóa để giải quyết những bất đồng này.

Thế giới đang theo dõi, chờ đợi xem liệu những cuộc đàm phán và chiến lược ngoại giao của Mỹ và EU có thể ngăn chặn một cuộc xung đột thương mại toàn diện hay không.

Việt Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chau-au-doi-mat-con-bao-thue-quan-tu-my-816574.html