Châu Âu đối mặt một mùa hè nóng bỏng

Ngày 31/3, giới chức vùng Valencia xác nhận, đám cháy bắt đầu từ ngày 23/3 đã thiêu rụi khoảng 4.300ha rừng; là đám cháy rừng lớn đầu tiên trong năm 2023 ở Tây Ban Nha. Hơn 2.000 người dân sinh sống tại 3 ngôi làng Higueras, Pavias và Torralba del Pinar đã phải sơ tán khi mà gió mạnh lên tới 70 km/giờ làm đám cháy dữ dội hơn.

Một người nông dân lái máy kéo qua vùng đất khô nứt nẻ tại Marais Breton ở Villeneuve (Pháp). Nguồn: Reuters.

Một người nông dân lái máy kéo qua vùng đất khô nứt nẻ tại Marais Breton ở Villeneuve (Pháp). Nguồn: Reuters.

Lượng mưa thấp kỷ lục

Tuy nhiên, không chỉ từ vụ cháy rừng tại Tây Ban Nha, hiện giới khoa học khí tượng châu Âu đều lo ngại rằng những gì đã diễn ra trong tháng 3 năm nay cho thấy châu Âu sẽ phải đối mặt với một mùa hè nóng bỏng.

Theo Hệ thống thông tin cháy rừng châu Âu (EFFIS), cháy rừng tại châu lục này đặc biệt nghiêm trọng trong năm 2022, trong đó Tây Ban Nha là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất với gần 493 vụ cháy rừng, thiêu rụi 307.000ha rừng. Mùa đông hanh khô bất thường vừa qua tại phần lớn khu vực phía nam châu Âu đã làm giảm độ ẩm trong đất, là nguyên nhân gây ra các vụ cháy rừng sớm.

Các quốc gia trong khu vực Sừng châu Phi (HOA), trong đó có Ethiopia, Kenya và Somalia, đang phải đối mặt với hạn hán nghiêm trọng sau 5 mùa mưa khô hạn. Chương trình Lương thực thế giới của Liên hợp quốc (WFP) cảnh báo, tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng chưa từng có ở đây do hạn hán. WFP cho biết, khoảng 5,4 triệu người ở Kenya có thể rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 6. Còn tại Somalia, ước tính khoảng 6,5 triệu người. Trong khi đó, tại Ethiopia, chỉ tính riêng các khu vực chịu ảnh hưởng hạn hán, có tới gần 12 triệu người cần hỗ trợ lương thực khẩn cấp, tăng 60% so với đầu năm 2022.

Kể từ ngày 26/3, một đợt nắng nóng nữa lại xuất hiện ở châu Âu, trong khi lượng mưa thấp kỷ lục, lượng tuyết rơi ít đến bất ngờ. Mực nước trên nhiều con sông, kênh và hồ trên khắp châu Âu đang xuống mức thấp báo động, có khả năng dẫn tới một đợt hạn hán nghiêm trọng.

Ở Pháp, Cơ quan thời tiết Meteo France đã đếm được 32 ngày liên tiếp có tổng lượng mưa dưới 1 mm ở khu vực hồ Saint Cassien. Đây là đợt khô hạn dài nhất kể từ năm 1959. Ông Giovanni Clatot, quản lý khu vực hồ, nói: "Đã lâu rồi nước hồ không dâng lên. Nước đang chạm đến mực nước đáy. Nếu trời vẫn không mưa kéo dài, rất có thể lòng hồ sẽ không khác gì mặt ruộng".

Nhưng vẫn chưa nặng nề bằng Tây Ban Nha, khi nhiều vùng của nước này đã rơi vào tình trạng kéo dài sau 36 tháng mà lượng mưa dưới mức trung bình. Ngày 27/3, hình ảnh ghi nhận tại một số hồ chứa nước vùng Catalan thấp đến mức có thể nhìn thấy đáy hồ. Ông Aemet Ruben Del Campo - nhà khí tượng học, nhận định: "Hạn hán ở Catalan và phía đông bắc của bán đảo nói chung đặc biệt nghiêm trọng. Nó chịu ảnh hưởng của đợt thiếu mưa kéo dài. Trong vòng 100 năm qua, người ta không ghi nhận được năm nào vùng Catalan lại ít mưa đến như thế".

Còn tại nước Đức, mực nước sông Rhine ở khu vực phía tây nước này đã ở mức thấp đáng báo động. Những bãi đá lần đầu tiên lộ ra do hạn hán. Ông Karsten Brandt - nhà khí hậu học, cho biết: "Nơi tôi đang đứng ở đây, bình thường phải có nước. Mực nước ở đây ít nhất là từ 1 mét đến 1,5 mét, thậm chí có thể đến gần mức trung bình 2 mét. Điều đó có nghĩa là như mọi khi thì tôi hoàn toàn ngập ở dưới nước. Nhưng nay thì đã khác rồi".

Cảnh báo đáng lo ngại

Những gì đang diễn ra được giới khoa học khí tượng châu Âu cho là chỉ dấu rõ ràng về hạn hán trên phạm vi toàn châu lục trong năm 2023. “Nó có thể tương đương với hạn hán năm 2022, khi mà 47% lãnh thổ châu Âu rơi vào tình trạng cảnh báo hạn hán với độ ẩm của đất bị thâm hụt; 17% lãnh thổ trong tình trạng báo động khi thảm thực vật bị ảnh hưởng. Năng suất ngô năm 2022 tại châu Âu thấp hơn 16% so với mức trung bình của 5 năm trước. Sản lượng đậu tương và hoa hướng dương giảm lần lượt là 15% và 12%. Mực nước thấp đã cản trở vận tải đường thủy, tải trọng hàng của các tàu chở than, dầu buộc phải giảm xuống. Việc sản xuất thủy điện cũng bị ảnh hưởng, còn các nhà máy điện than, khí và điện hạt nhân thiếu nước cung cấp cho hệ thống làm mát” - một báo cáo của Đài quan sát khí tượng châu Âu.

Trong khi đó, tiến sĩ Laurence Wainwright (Đại học Oxford, Anh) cho biết, “đợt hạn hán kéo dài trong năm 2022 có thể là nghiêm trọng nhất tại châu Âu trong 500 năm qua. Tuy nhiên, năm 2023 này có thể con số đó sẽ là 501 năm”.

Trưng ra hình ảnh những con tàu chở hàng phải vượt qua phao nguy hiểm nằm trên vùng đất khô hạn ở Dusseldorf (bang North Rhine-Westphalen, Đức), tiến sĩ L.Wainwright cho rằng mùa hè năm nay nhiều nơi tại châu Âu sẽ tái diễn cảnh nhiệt độ lên tới trên 40 độ C, cháy rừng bùng phát trên diện rộng do thời tiết khô hạn khiến cây khô héo dễ bắt lửa.

Còn bà Vikki Thompson, chuyên gia về khí hậu tại Đại học Bristol (Anh), cho biết tuy mùa hè năm nay chưa đến nhưng không khó để nhận ra mực nước các dòng sông châu Âu đã xuống thấp. “Con sông ở Burgundy (Pháp) cạn trơ đáy. Gần 50% lãnh thổ EU có nguy cơ bị hạn hán. Đó là cái chết cho các loài cá và là tin xấu cho con người khi nguồn cung cấp nước cạn kiệt, mùa màng bị tàn phá” - bà V.Thompson nói.

Đáng lo ngại hơn khi giới khoa học thủy văn còn đưa ra cảnh báo rất có thể sau nắng nóng là đến lũ lụt do những trận mưa như trút nước.

Ở thời điểm hiện tại, giới khoa học nông học châu Âu đang bày tỏ lo ngại khi các vườn cây olive héo lụi. Gia đình ông Juan Antonio Delgado (ở vùng ngoại ô thành phố Jaen, miền nam Tây Ban Nha) có truyền thống trồng và sản xuất dầu olive. Nhưng kể từ năm 2021 đến nay đã thất thu. Nhìn những cánh đồng olive cằn cỗi, ông Delgado nói: "Trong 58 năm qua, tôi chưa từng chứng kiến năm nào khô cằn như thế này”.

Theo ông Manuela Garcia - Chủ tịch hợp tác xã olive ở thành phố Jaen thì cây olive là sinh kế của người dân. Không những thế, loài cây này còn như một biểu tượng văn hóa tự nhiên của vùng đất. Tây Ban Nha trồng olive nhiều gấp 3 lần so với Italy và Hy Lạp. Bộ Nông nghiệp nước này cho biết, vụ mùa khó khăn đe dọa hơn 350.000 nông dân trồng olive của nước này.

“Olive là cây trồng biểu tượng của Tây Ban Nha, biểu tượng của vùng Địa Trung Hải giờ lại trở thành biểu tượng cho những thách thức mà cộng đồng phải đối mặt trong một thế giới ngày càng nóng hơn” - ông M.Garcia lo lắng nói.

THẾ TUẤN

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chau-au-doi-mat-mot-mua-he-nong-bong-5713855.html