Châu Âu đối mặt với áp lực lớn về kinh tế-xã hội
Tỷ lệ sinh thấp không chỉ là vấn đề của riêng châu Âu mà còn là xu hướng toàn cầu, gây áp lực lớn về kinh tế và xã hội cho các quốc gia.

Người dân mua sắm tại các cửa hàng ở Tauentzienstrasse, Berlin (Đức). Ảnh: Getty Images/TTXVN
Tình trạng suy giảm tỷ lệ sinh xuống dưới mức đảm bảo sự ổn định dân số đang đặt ra một vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, các nhà khoa học nhận thấy rằng người châu Âu đang dần chấp nhận cuộc sống không có con cái, khi cứ 11 người châu Âu trong độ tuổi từ 20 đến 29 thì có 1 người đang có kế hoạch như vậy.
Năm ngoái, có khoảng 84.000 trẻ em được sinh ra tại Cộng hòa Czech, tương ứng với tỷ lệ trung bình một phụ nữ sinh ra 1,3 trẻ em, trong khi để dân số không bị suy giảm thì tỷ lệ này phải đạt ít nhất là 2,1. Tuy nhiên, không có quốc gia châu Âu nào khác đạt tỷ lệ sinh này. Bulgaria là quốc gia có tỷ lệ sinh tốt nhất với 1,81 trẻ em trên một phụ nữ, trong khi Malta là nước thấp nhất với tỷ lệ chỉ là 1,06.
Đây không chỉ là vấn đề của riêng châu Âu mà còn là xu hướng toàn cầu. Nếu như vào những năm 1960, trung bình thế giới có khoảng 5 con trên một phụ nữ thì ngày nay con số này chỉ là 2,3. Chỉ số này đã giảm xuống dưới 2,1 ở 2/3 số quốc gia. Ở Hàn Quốc, mỗi phụ nữ chỉ sinh ra 0,7 trẻ em. Đến năm 2100, tỷ lệ sinh sẽ giảm xuống dưới "điểm tới hạn" là 2,1 ở 97% các quốc gia và các nhà nhân khẩu học dự đoán tỷ lệ sinh đủ để duy trì quy mô dân số chỉ có ở Samoa, Tonga, Somalia, Niger, Chad và Tajikistan.
Điều này có nghĩa là ngày càng có nhiều cặp đôi chọn cách chung sống mà không có con. Ở châu Âu, chỉ gần 10% phụ nữ và 8% nam giới trong độ tuổi từ 20 đến 29 có kế hoạch sinh con. Các nhà nhân khẩu học và xã hội học đưa ra một số lý do cho xu hướng này.
Một là do phụ nữ tham gia vào thị trường lao động. Việc làm mẹ khiến người phụ nữ phải tạm thời nghỉ ngơi, kéo theo thu nhập giảm và mức sống cũng thấp hơn. Phụ nữ cũng đang đạt được trình độ học vấn cao hơn, mở ra nhiều con đường khác nhau để tự khẳng định mình ngoài vai trò truyền thống của người mẹ. Vai trò của đàn ông và phụ nữ trong gia đình đã thay đổi đáng kể. Đã không còn cái thời đàn ông là trụ cột chính và thường là trụ cột duy nhất trong gia đình. Các gia đình ngày nay hầu hết đều có hai nguồn thu nhập. Tuy nhiên, gánh nặng việc nhà thường cao hơn đáng kể đối với phụ nữ khiến họ không coi việc làm mẹ là ưu tiên trong cuộc sống.
Một yếu tố quan trọng khác là cuộc cách mạng nhân khẩu học, bắt đầu vào những năm 1960 với sự thay đổi toàn diện về mặt xã hội. Các chuẩn mực truyền thống, bao gồm cả chuẩn mực tôn giáo, dần lùi vào dĩ vãng và thay vào đó là những lý tưởng mới. Châu Âu hiện đại nhìn nhận tình trạng không có con như thế nào? Đây chính là nội dung mà một nhóm nghiên cứu quốc tế do nhà xã hội học người Hungary Ivett Szalmová từ Viện Xã hội học Budapest dẫn đầu tập trung vào.
Theo đó, nhà xã hội học Szalmová và các cộng sự đã thu thập dữ liệu từ hai cuộc khảo sát lớn được tiến hành tại 27 quốc gia châu Âu, cụ thể là Nghiên cứu giá trị châu Âu và Khảo sát xã hội châu Âu. Trong số những người tham gia khảo sát, cư dân Cộng hòa Czech, Hà Lan và khu vực Bắc Âu tỏ ra là những nơi “dễ chấp nhận” nhất với quyết định không sinh con của phụ nữ. Ngược lại, những người ít ủng hộ việc này nhất là cư dân ở Trung và Đông Âu từ Hungary, Estonia hoặc Bulgaria. Tại Cộng hòa Czech, khoảng 30% dân số có cái nhìn thấu hiểu đối với những người phụ nữ khi quyết định không làm mẹ, đây là tỷ lệ tương đương với Italy hoặc Slovakia. Ở Na Uy hoặc Hà Lan, tỷ lệ ủng hộ việc phụ nữ không có con là từ 80% đến 90%.
Trong khi đó, người Đan Mạch có quan điểm phức tạp với những phụ nữ cố tình không có con khi 80% trả lời "Có" cho câu hỏi liệu con cái có phải là điều kiện cần thiết để người phụ nữ có cuộc sống hạnh phúc hay không, nhưng đồng thời, 90% chấp thuận việc phụ nữ có quyền quyết định sống mà không có con.
Theo khảo sát này, việc đàn ông quyết định không có con là điều khó chấp nhận nhất đối với người dân ở Bulgaria, Hungary và Estonia, nhưng lại dễ chấp nhận nhất đối với người Na Uy và Hà Lan. Người Đan Mạch một lần nữa lại coi con cái là quan trọng để cuộc sống trọn vẹn hơn, nhưng hầu hết mọi người không bận tâm đến quyết định đàn ông nên có con hay không.
Nhìn chung, nghiên cứu cho thấy phụ nữ dễ được chấp nhận tình trạng không có con hơn nam giới. Quan điểm đối với cuộc sống không có con cũng phụ thuộc vào trình độ học vấn. Tỷ lệ những người tốt nghiệp đại học có kế hoạch sinh con nhiều hơn những người có trình độ tiểu học. Tình hình cũng tương tự đối với người cao tuổi, họ coi con cái là điều kiện tiên quyết để hoàn thiện cuộc sống nhiều hơn so với thế hệ trẻ.
Nếu vào những năm 1960, thế giới lo sợ về cuộc khủng hoảng dân số quá mức thì ngày nay rõ ràng là sự gia tăng dân số quá mức không phải mối đe dọa đối với hành tinh trong tương lai gần. Ngược lại, sau năm 2030, tỷ lệ sinh toàn cầu có thể sẽ giảm xuống dưới 2,1 trẻ em trên một phụ nữ, có nghĩa là dân số Trái đất sẽ bắt đầu xu hướng giảm. Điều này gây ra một vấn đề nghiêm trọng cho thế giới.
Thật kỳ lạ khi hy vọng môi trường sinh thái nói chung sẽ được cải thiện nhờ vào sự suy giảm dân số, bởi vì các quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất lại là những quốc gia khai thác nhiều tài nguyên nhất từ thiên nhiên và phải chịu phần lớn sự tàn phá thiên nhiên. 1/10 dân số giàu nhất thế giới chịu trách nhiệm cho một nửa lượng khí thải nhà kính thông qua các hoạt động của họ, trong khi 4 tỷ người nghèo nhất thế giới chỉ thải ra 1/10 tổng lượng khí nhà kính vào khí quyển.
Theo phân tích của nhóm khảo sát, ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), số người trên 65 tuổi trên tổng số 100 người trong độ tuổi lao động sẽ tăng từ 30 người vào năm 2020 lên 59 người vào năm 2060. Số người tham gia hoạt động kinh tế sẽ giảm ở các nước OECD. Điều này đòi hỏi phải tăng chi tiêu cho lương hưu và chăm sóc sức khỏe.
Việc quyết định không sinh con không phải là yếu tố quan trọng duy nhất dẫn đến sự suy giảm tỷ lệ sinh. Theo đó, rối loạn khả năng sinh sản cũng là nguyên nhân quan trọng, ảnh hưởng tới 20% các cặp vợ chồng ở các nước phát triển kinh tế. Điều này được minh họa rõ ràng qua tình hình ở Tây Ban Nha, nơi 9% trẻ em được sinh ra chỉ nhờ thụ tinh nhân tạo. Tại Cộng hòa Czech, con số này chiếm hơn 6% tổng số trẻ sơ sinh, đứng thứ ba ở châu Âu sau Tây Ban Nha và Đan Mạch. Tình trạng không có con ngoài ý muốn thường là hậu quả của việc trì hoãn việc làm cha mẹ cho đến khi khả năng sinh sản tự nhiên giảm xuống.
Những nhận thức về các yếu tố này cho phép các nhà nhân khẩu học dự đoán sự phát triển của dân số loài người và giúp xã hội có cơ hội chuẩn bị trước cho thời điểm mà tỷ lệ sinh thấp bắt đầu trở thành vấn đề kinh tế-xã hội nặng nề.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chau-au-doi-mat-voi-ap-luc-lon-ve-kinh-te-xa-hoi/371048.html