Phát hiện sinh vật kỳ bí 147 triệu năm tuổi trong mỏ đá tại Anh
Một phát hiện ngoạn mục đã làm chấn động giới khoa học khi các công nhân khai thác đá tình cờ tìm thấy tàn tích của một sinh vật cổ đại chưa từng được ghi nhận, ẩn mình trong lớp đá trầm tích 147 triệu năm tuổi trên đảo Portland, miền Nam nước Anh.
Theo trang Sci-News, hóa thạch được phát hiện tại thành hệ đá vôi Portland một trong những địa điểm khảo cổ nổi tiếng thuộc hạt Dorset là phần hàm và răng của một loài dực long chưa từng được biết đến. Đây là nhóm sinh vật bay cổ đại có quan hệ gần gũi với khủng long, từng thống trị bầu trời trong kỷ Jura và Phấn Trắng.

Ảnh đồ họa mô tả Ctenochasmatodea, là nhánh dực long mà sinh vật vừa được phát hiện ở Anh thuộc về - Ảnh: Zhao Chuang
Mặc dù mẫu vật đã bị tổn hại đáng kể do quá trình khai thác đá, những phần còn lại vẫn đủ để các nhà khoa học xác định đây là một loài hoàn toàn mới thuộc nhánh Ctenochasmatoideanhóm dực long sở hữu hàm răng dài, mảnh và mọc dày đặc.
Giáo sư Roy Smith và David Martill từ Đại học Portsmouth, những người dẫn đầu nhóm nghiên cứu, đã công bố phát hiện này trên tạp chí Proceedings of the Geologists’ Association. Họ xác định sinh vật kỳ lạ này sống vào cuối kỷ Jura, thuộc tầng Tithonian, cách đây khoảng 147 triệu năm.
Đặc điểm nổi bật của loài dực long này là chiếc hàm mỏng manh đặc điểm điển hình giúp nó bay lượn trên không, đồng thời phân biệt nó với các loài khủng long khác. Trong khi hình dung lại hình dáng của sinh vật này, các nhà khoa học mô tả nó như một phiên bản “quái vật hóa” của loài bồ nông một sinh vật vừa kỳ quái, vừa hấp dẫn.
Dù là "vua bầu trời" trong hàng chục triệu năm, hóa thạch của dực long lại cực kỳ hiếm gặp do cấu trúc xương mong manh dễ vỡ. Chính điều này khiến phát hiện lần này càng trở nên quý giá và đặc biệt.
Đáng chú ý, đảo Portland và vùng bờ biển Dorset nơi phát hiện mẫu vật cũng chính là một phần của “Bờ biển Kỷ Jura” Di sản Thế giới được UNESCO công nhận nơi lưu giữ hàng loạt hóa thạch minh chứng cho sự sống cổ xưa trên Trái Đất.