Châu Âu gấp rút cản bước Trung Quốc!
Trước cuộc chiến xe điện đang hiện hữu, EU sẽ phải làm gì để ngăn đà chiếm lĩnh thị trường của các ông lớn Trung Quốc?
Các nhà sản xuất xe điện (EV) của Trung Quốc có thể cần phải điều chỉnh chuỗi cung ứng và chuyển hướng xuất khẩu trong năm tới nếu cuộc điều tra chống trợ cấp của Liên minh châu Âu (EU) làm phát sinh thêm mức thuế trừng phạt mới.
Ngày 13/9, EU thông báo sẽ bắt đầu cuộc điều tra về những tác động từ chính sách trợ cấp của Bắc Kinh đối với các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc trong việc chiếm lĩnh thị trường châu Âu.
Vào tháng 5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết EU không nên để cho Trung Quốc mặc sức hoành hành tại thị trường xe điện, giống như thị trường pin mặt trời.
Xu Lifan của Beijing News nhận định: “Sau cuộc điều tra, EU có thể áp dụng thuế quan bổ sung đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc”.
Động thái này chưa chắc có thể cản bước nhiều công ty xe điện Trung Quốc hay thúc đẩy sự phát triển các hãng xe điện châu Âu, do nhà sản xuất Trung Quốc có thể điều chỉnh chuỗi cung ứng và kênh xuất khẩu để hạn chế thiệt hại.
Theo Công ty Luật Zhong Lun có trụ sở tại Bắc Kinh, thời gian điều tra tối đa đối với một vụ kiện chống trợ cấp của EU là 13 tháng hoặc ít hơn. Do vậy, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc cần phải tăng tốc điều chỉnh chuỗi cung ứng nếu không muốn gánh áp lực lớn từ thuế chống trợ cấp.
Hiện tại, mức thuế đối với xe điện Trung Quốc đang là 10% ở châu Âu và 27,5% ở Mỹ.
Thị trường vượt trội
Theo Reuters, trong 7 tháng đầu năm nay, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc là BYD, Nio và Xpeng đã bán được 820.000 xe ở châu Âu, tăng khoảng 55% so với cùng kỳ năm 2022. Thị phần của các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc ở châu Âu đã tăng lên 13% trong năm 2023, từ mức 6% vào năm 2021.
Ủy ban Châu Âu cho biết thị phần xe điện Trung Quốc ở châu Âu có thể đạt 15% vào năm 2025 nếu tốc độ hiện tại được duy trì.
Đối với loại xe chạy hoàn toàn bằng điện, thị phần của các nhà sản xuất Trung Quốc tại Âu là khoảng 4% vào năm 2021, 6% vào năm 2022 và 8% từ đầu năm 2023 - theo công ty tư vấn ô tô Pháp Inovev. Công ty này cũng dự đoán con số sẽ tăng lên khoảng 12,5-20% vào năm 2030, với doanh số hàng năm dự kiến đạt từ 725.000 đến 1,16 triệu xe.
Theo một báo cáo của KPMG, ba thị trường hàng đầu của xe điện Trung Quốc tại châu Âu trong năm 2022 là Bỉ (198.000 chiếc), Vương quốc Anh (109.000 chiếc) và Slovenia (47.000 chiếc).
Trước ưu thế vượt trội đó, cả Pháp và Đức đều tán thành quyết định của EU về điều tra chống trợ cấp đối với xe điện của Trung Quốc.
Bộ trưởng Bộ châu Âu Pháp Laurence Boone cho biết: “Chúng tôi sẽ không để thị trường của mình tràn ngập những chiếc xe điện được trợ giá quá mức, đe dọa các công ty châu Âu giống như các tấm pin mặt trời trước đây”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết: “Đây là động thái cạnh tranh không lành mạnh và cần phải hành động dứt khoát để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh”.
Về phía Trung Quốc, Bộ Thương mại nước này hôm 14/9 cho biết: “Đây chẳng khác nào hành động bảo hộ trắng trợn khiến cho chuỗi cung ứng toàn cầu bị phá vỡ nghiêm trọng”.
Hiện tại, khoảng 58% tổng số ô tô điện trên toàn thế giới được sản xuất ở Trung Quốc. Theo Hiệp hội Xe khách Trung Quốc (CPCA), trong 8 tháng đầu năm nay, doanh số bán lẻ xe điện tại Trung Quốc đã tăng 36% lên 4,44 triệu chiếc so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, nhu cầu xe điện trong nước ở Trung Quốc cũng như thị trường bên ngoài đang có dấu hiệu chững lại, theo Alicia Garcia-Herrero, kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Natixis.
Theo bà, với việc ban hành Đạo luật Giảm lạm phát (IRA), Mỹ đặt mục tiêu giảm phụ thuộc vào Trung Quốc trong chuyển đổi năng lượng, bao gồm việc giảm mạnh nhập khẩu pin điện và xe điện. Tương tự, EU cũng đang gấp rút áp thuế chống bán phá giá đối với xe điện Trung Quốc.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chau-au-gap-rut-can-buoc-trung-quoc.html