Châu Âu - khi mùa đông gõ cửa
Ngày 22-8, giá bán buôn khí đốt tại thị trường châu Âu lại thiết lập một mức cao kỷ lục, khi các hợp đồng tương lai giao vào tháng 9 tới tại Trung tâm giao dịch Title Transfer Facility (TTF) ở Hà Lan tăng 14,6%, đứng ở mức 280,24 euro/MWh. Cùng thời điểm này năm ngoái, giá bán buôn khí đốt châu Âu chỉ vào khoảng... dưới 27 euro. Những cơn bão tuyết mùa đông buốt giá dường như đã kịp thổi tới, ngay khi mùa thu còn chưa thực sự bắt đầu.
Gió bấc trái mùa
Bây giờ mới là cuối tháng 8 nhưng viễn cảnh u ám về một mùa đông lạnh giá thậm chí đã được phác thảo tương đối rõ nét từ hồi đầu hè, khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại miền Đông Ukraine chuẩn bị vào cao trào. Năng lượng đã được giới quan sát quốc tế sớm tiên liệu sẽ trở thành điểm yếu chí mạng của châu Âu, vốn phụ thuộc quá mức vào nguồn cung dầu mỏ cũng như khí đốt từ Nga, để Moscow sử dụng như một thứ “vũ khí đặc biệt” nhằm duy trì thế cân bằng toàn cục, trong vòng vây trừng phạt và cấm vận từ phương Tây.
Từ thời điểm ấy, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã phải chạy đua tìm giải pháp đảm bảo nguồn cung năng lượng, nhằm lấp đầy các bể dự trữ, khi đối mặt nguy cơ thiếu khí đốt trong mùa đông khắc nghiệt, đặc biệt là nếu Moscow cắt hoàn toàn các nguồn cung cấp quen thuộc.
Viễn cảnh ấy đang trở thành hiện thực. Hay nói đúng hơn, khi Tập đoàn năng lượng quốc doanh Gazprom của Nga tuyên bố sẽ tạm dừng cung cấp khí đốt qua hệ thống đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) 1 trong 3 ngày cuối tháng 8, dự kiến từ ngày 31-8 đến 2-9, để bảo trì, châu Âu thấy mình trở thành có cơ hội trải qua một “phép thử” khốc liệt. Phép thử về khả năng chống chịu với sự thiếu hụt chưa từng có, với những cơn “bão giá” mỗi lúc một kinh khủng, với những áp lực toàn diện đè nặng lên các chính phủ... Để, xét cho cùng, cân nhắc một cách nghiêm túc đề xuất từ phía Ukraine cũng như một số thành viên EU, rằng hãy “cương quyết đoạn tuyệt” với nhiên liệu xuất xứ Nga.
Thay đổi để thích ứng (hoặc ít nhất là để sinh tồn), do đó, trở thành đòi hỏi bất khả kháng đối với không chỉ các quốc gia, mà với cả mỗi cá nhân công dân EU.
Ở Latvia, người dân đã phải điều chỉnh thói quen tiêu dùng kể từ cuối tháng 7, khi họ hiểu quá rõ thế nào là một “mùa đông không khí đốt”. Thí dụ, tại thành phố Rezekne, gần biên giới Nga, do giá năng lượng quá đắt, người dân buộc phải cắt nước nóng từ đường ống chung do thành phố cung cấp để lắp đặt bình nước nóng riêng.
Từ khi cuộc xung đột mới bùng nổ, Italy đã giới hạn nhiệt độ hệ thống điều hòa ở trường học và các tòa nhà công cộng để giảm tiêu thụ năng lượng. Tây Ban Nha và Đức cũng đã triển khai các sáng kiến tương tự. Trong đó, nước Đức tập trung vào việc giảm điều hòa nhiệt độ trên các phương tiện giao thông công cộng và khuyến khích sử dụng vòi sen tiết kiệm nước, một số thành phố đã giảm nhiệt độ nước của các bể bơi và giảm hệ thống chiếu sáng đô thị.
Trong khi đó, nước Pháp đã và đang quay lại với những chiến dịch chống lãng phí năng lượng từng được triển khai vào những năm 1970. Các cửa hàng sử dụng máy điều hòa nhiệt độ sẽ luôn phải đóng kín cửa, nếu không sẽ bị phạt tiền. Pháp cũng đã giới hạn mức trần giá khí đốt đối với người tiêu dùng.
Trên toàn châu Âu, rất nhiều người dân đã tiến hành lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà của mình, dù đương nhiên là ở khu vực ôn đới thì hiệu quả của chúng không cao. Rất nhiều người chuyển về sử dụng than đá (nếu không phải là tích trữ củi khai thác trong rừng, như một số chính phủ cho phép).
Than đá - thứ nhiên liệu tưởng chừng đã bị lãng quên trong đời sống sinh hoạt hằng ngày ở cựu lục địa - trở lại với “vương vị” từng sở hữu từ thế kỷ 21. Từ mùa hè, người dân Đức đã nối nhau đi mua than đá dự phòng cho mùa đông. Đó là những con người may mắn, thực sự may mắn, khi họ vẫn còn ở trong những căn nhà kiểu cũ, với những lò sưởi than hay củi. Và, như Frithjof Engelke, chủ một doanh nghiệp cung cấp than đá ở Đức thổ lộ: “Sản xuất than vào mùa này là khá bất thường. Thông thường, đối với chất đốt thể rắn như than đá, chúng tôi không có khách đặt trước nhiều thời gian đến như vậy, nhưng năm nay không có gì diễn ra như thường lệ”.
Mà theo Gazprom dự báo, giá khí đốt ở châu Âu có thể tăng thêm 60% trong mùa đông trước mắt.
Bóng ma suy thoái
Cao hơn những cơn vật vã nhằm duy trì sinh hoạt cá nhân thường nhật của mỗi công dân không bị xáo trộn quá mức, là những mệnh đề hóc búa đặt ra ở tầm quản trị kinh tế - xã hội vĩ mô, liên quan đến khí đốt nói riêng và sự thiếu hụt nguồn cung năng lượng nói chung, ở châu Âu.
Theo chuyên gia Fabian Ronningen (thuộc công ty nghiên cứu năng lượng Rystad Energy), các vấn đề liên quan đến cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn. “Nếu đánh giá trên thang điểm từ 1-10, tôi sẽ cho cuộc khủng hoảng này điểm 8. Tôi cho rằng đó là mức độ tồi tệ của cuộc khủng hoảng ở thời điểm này. Đáng sợ là một từ chính xác để mô tả nó”, ông nhận định, trên tờ Business Insider.
Chuyên gia Matt Oxenford - bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) trực thuộc Tập đoàn The Economist (Anh) - dự đoán: Nếu nguồn cung khí đốt của Nga đến châu Âu qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 dao động trong khoảng từ 0-20% trong những tháng tới, châu Âu có thể rơi vào suy thoái vào mùa đông 2022-2023. Theo ông Oxenford, với cơ sở hạ tầng khí đốt hiện tại, nước Đức không thể bù đắp lượng khí đốt bị cắt giảm 80% từ Nga nếu không giảm mạnh nhu cầu và có nguy cơ rơi vào suy thoái. Nếu “trái tim của EU” không thể hoạt động khỏe khoắn, dĩ nhiên, tác động có thể lan tỏa khắp châu Âu.
Nhìn chung, nguồn cung khí đốt từ Nga trong tháng 7 đã giảm khoảng 70% so với cùng kỳ năm ngoái, tô đậm thêm viễn cảnh các nhà máy trên khắp châu Âu buộc phải ngừng hoạt động. Vì sao? Vì tình trạng thiếu hụt trầm trọng cũng như chi phí tăng vọt có thể khiến các chính phủ bắt buộc phải phân bổ khí đốt theo hạn mức - nghĩa là mang khuynh hướng “tem phiếu” và cũng sẽ phải lên các kế hoạch khổng lồ nhằm giải cứu ngành năng lượng, khi các công ty thuộc khu vực tư nhân “không thể gánh nổi những chi phí này” - Henning Gloystein, Giám đốc tại công ty rủi ro chính trị Eurasia Group, từng nhận xét.
Cùng ập tới vào một thời điểm, “gánh nặng của giá khí đốt và giá dầu cao sẽ thực sự có nghĩa là chúng ta sẽ chứng kiến một số nền kinh tế châu Âu giảm mạnh tăng trưởng trong năm tới” - ông Amrita Sen, Giám đốc nghiên cứu của Energy Aspects nhận định. Đó là chưa kể, những tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan theo tiến trình biến đổi khí hậu toàn cầu (như nắng nóng và hạn hán) cũng góp thêm tác động mạnh mẽ khiến giá điện cũng tăng vọt. Giá điện tăng, giá dầu tăng, giá khí đốt tăng, chi phí sinh hoạt tăng, chi phí sản xuất tăng..., thì theo những hiệu ứng dây chuyền tất yếu, nguy cơ phá sản, thất nghiệp, lạm phát... cũng như tâm trạng bất mãn trong xã hội hay những cuộc biểu tình, những hình thức phản kháng chắc chắn cũng sẽ trở nên rõ nét.
Nói không ngoa, khi Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Robert Habeck phát biểu rằng “chưa có kịch bản nào đảm bảo được an toàn năng lượng cho nước Đức ở những mùa đông tiếp theo” thì nguy cơ nền kinh tế châu Âu “bị nhấn chìm” trong vòng xoáy vẫn hiện hữu.
Không cần phải nhìn đâu xa, ngày 22-8, ông Benjamin Nabarro - chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Citi bank (Mỹ) dự báo lạm phát của Anh (nước đã rời EU) sẽ đạt đỉnh ở mức 18%, gấp 9 lần mức mục tiêu của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), vào đầu năm 2023, do khủng hoảng năng lượng.
Châu Âu đang hướng sang khí đốt của Na Uy, như bám lấy một chiếc phao cứu sinh. Vấn đề là, chính phía Na Uy cũng cảnh báo, rằng dù họ đã nỗ lực tối đa, lượng khí đốt xuất khẩu cũng chỉ có thể tăng khoảng 10%. Trong khi đó, Dòng chảy phương Bắc 1, nếu được nối lại hoạt động, cũng chỉ có thể đạt mức 33 triệu m3/ngày, tương đương 20% công suất - như Gazprom thông báo. Nghĩa là, tình trạng thiếu hụt vẫn không mấy được cải thiện, trong ngắn hạn. Nó cũng khiến mục tiêu đạt mức dự trữ khí đốt 95% vào ngày 1-11 mà Berlin đề ra trở nên mỗi lúc một xa vời.
Nước Đức, cũng như nước Pháp, trên cương vị là hai cường quốc lãnh đạo EU, đều đã buộc phải tuyên bố kiểm soát chặt chẽ quyền sở hữu quốc gia đối với các cơ sở cung cấp năng lượng hàng đầu, đặc biệt là các nhà máy điện hạt nhân, nhằm dự phòng cho những tình huống “nguy cấp”.
Song, có lẽ, nhìn về mùa đông tới và cả những mùa đông sau nữa, EU cũng như toàn phương Tây cần những phương thức tiếp cận khác, đột phá hơn và toàn diện hơn, cho cuộc khủng hoảng toàn cầu đích thực đã và đang ló dạng này.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/chau-au-khi-mua-dong-go-cua-i665062/