Châu Âu năm 2024: Biến động và khủng hoảng

Năm 2024 có thể nói là một 'cơn ác mộng' của châu Âu với hàng loạt cuộc khủng hoảng tiếp diễn và thậm chí còn diễn biến nghiêm trọng hơn - từ tác động tiêu cực bên ngoài cho đến rạn nứt từ bên trong; bao trùm khắp mọi lĩnh vực như chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội.

Một khu vực đã quá già cỗi, lỏng lẻo với mâu thuẫn cũ - thách thức mới, liệu sẽ phải làm gì để trụ vững trong bối cảnh địa chiến lược diễn biến phức tạp hiện nay. Đặc biệt là khi Tổng thống đắc cử tại Mỹ vốn có quan điểm “không mặn mà” với các đồng minh xuyên Đại Tây Dương và lại vừa ra “tối hậu thư” căng thẳng về thuế quan với khu vực.

Làn sóng ủng hộ cánh hữu được thể hiện rõ ràng nhất thông qua kết quả của cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu hồi tháng 6 vừa qua. Ảnh: Le Frontalier

Làn sóng ủng hộ cánh hữu được thể hiện rõ ràng nhất thông qua kết quả của cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu hồi tháng 6 vừa qua. Ảnh: Le Frontalier

Các cơn địa chấn chính trị rung chuyển châu Âu năm 2024

Có thể tóm tắt tình hình năm 2024 ở châu Âu bằng 2 từ là "lo lắng" và "thay đổi". Trước tình hình kinh tế có phần ảm đạm của khối 27 trong năm 2023, ngay từ đầu năm, châu Âu đã phải đối mặt với làn sóng biểu tình của người nông dân trước lo lắng không tiêu thụ được sản phẩm khi phải đối mặt với nông sản giá rẻ nhập khẩu từ Ukraine. Các điều khoản đến từ Thỏa thuận Xanh châu Âu dường như bóp nghẹt các chủ trang trại, người trồng trọt, họ kêu gào sự giúp đỡ từ phía chính phủ.

Ngoài ra, cuộc xung đột Nga – Ukraine ngày càng có nhiều diễn biến mới phức tạp và gia tăng căng thẳng cũng khiến người dân châu Âu càng thêm lo lắng. Họ lo cho an toàn của bản thân, lo sợ chiến tranh có thể bùng nổ. Các diễn biến mới ở khu vực Trung Đông cũng phần nào đó khiến châu Âu thêm bất an: Nỗi lo về một cuộc khủng hoảng năng lượng, về làn sóng người di cư tị nạn, về những bất ổn an ninh do dân nhập cư mang đến. Cuối năm 2023, Italy đã phải chật vật vượt qua cơn khủng hoàng nhập cư tăng đột biến. Dư âm của sự kiện ấy vẫn còn ảnh hưởng sâu sắc không chỉ với Rome mà còn tại nhiều nước Đông Âu trong bối cảnh Khối 27 vẫn đang gồng mình « hỗ trợ » người tị nạn Ukraine.

Từ những lo lắng về kinh tế, an ninh và tương lai, người dân châu Âu yêu cầu các Chính phủ phải có hành động quyết liệt. Trước sự bế tắc tại nhiều quốc gia khi không đưa ra được giải pháp hữu hiệu, người dân nước sở tại đã buộc phải tự đưa ra giải pháp cho riêng mình. Họ lựa chọn thay đổi, tin vào những lực lượng chính trị mới với những lý tưởng quyết liệt. Phe cực hữu nói riêng và các đảng cánh hữu nói chung, ngày càng nhận được sự ủng hộ của giới trẻ, ngay cả các cử tri trung niên cũng dần thay đổi tư tưởng khi liên tục phải đối mặt với sự thất vọng về các chính trị gia truyền thống ở châu Âu.

Làn sóng ủng hộ cánh hữu được thể hiện rõ ràng nhất thông qua kết quả của cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu hồi tháng 6 vừa qua, hai nhóm cánh hữu, gồm Khối Bảo thủ và Cải cách châu Âu (ECR) cùng Nhóm Bản sắc và Dân chủ (ID), hiện chiếm tới gần 19% trong tổng số 720 nghị sĩ, tạo nên sức ảnh hưởng đáng kể trong việc đưa ra những chính sách mới của Liên minh châu Âu (EU).

Riêng tại Pháp, liên minh cầm quyền theo đường lối trung dung do đảng Phục hưng của Tổng thống Emmanuel Macron dẫn đầu hứng chịu thất bại nặng nề khi chỉ nhận khoảng 15% số phiếu bầu, còn đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (RN) đối lập nhận hơn 30% số phiếu. Điều này đã dẫn tới việc ông Macron tuyên bố giải tán Quốc hội và tiến hành bầu cử sớm. Tiếp theo đó là một loạt các căng thẳng chính trị và kết thúc bằng việc lần đầu tiên trong hơn 60 năm qua, một chính phủ mới thành lập trong vòng 3 tháng tại Pháp sụp đổ khi bị Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Chính trường Đức cũng gặp cơn địa chấn tương tự khi liên minh 3 đảng trong chính phủ sụp đổ hồi đầu tháng 11. Việc Thủ tướng Đức Olaf Scholz sa thải Bộ trưởng Tài chính theo chủ nghĩa tự do Christian Lindner do những khác biệt không thể vượt qua về chính sách kinh tế và ngân sách, đã kéo theo đó là hầu hết các bộ trưởng Đảng Dân chủ Tự do (FDP) đều từ chức. Tuy nhiên nguyên nhân sâu xa đến từ cuộc khủng hoảng năng lượng, tỉ lệ lạm phát tăng cao và thiếu hụt ngân sách. Điều này cũng phần nào giúp phe cực hữu tại Đức ngày càng có được sự ủng hộ đông đảo của các cử tri.

Sự bất ổn của hai đầu tàu Đức và Pháp đang đặt cả EU trước nguy cơ mất phương hướng trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Trung Quốc đang ngày một gia tăng và cần sự dẫn dắt để vượt qua những thách thức mới trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương khi ông Donald Trump chính thức làm chủ Nhà Trắng trong tháng 1 tới.

Xu hướng trỗi dậy của phe cực hữu

Tại Pháp và Đức, phe cực hữu đang có được sự ủng hộ của người dân và dần khẳng định được sức nặng nhất định trong việc đưa ra những quyết định định hướng tương lai của đất nước.

Chính phủ Pháp sụp đổ sau khi đảng cực hữu "Tập hợp quốc gia" (RN) hợp tác với liên minh cánh tả "Mặt trận bình dân mới" (NFP) đề xuất bỏ phiếu bất tín nhiệm. Ở Đức, sự bất ổn trong chính phủ liên minh cộng với hàng loạt khó khăn, thách thức về kinh tế, xã hội đã giúp đảng cực hữu "Sự lựa chọn vì nước Đức" (AfD) giành thắng lợi lịch sử tại 2 bang miền Đông là Sachsen và Thuringen. Tại Áo, đảng Tự do (FPO) cực hữu đã chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử hồi cuối tháng 9 khi giành hơn 29% số phiếu ủng hộ.

Ở cấp độ lục địa, như tôi đã đề cập trước đó, phe cánh hữu hiện chiếm tới gần 140 trong tổng số 720 ghế, tương đương với 1/5 tổng số nghị sĩ tại Nghị viện châu Âu, tạo ra sức ảnh hưởng to lớn. Nguyên nhân của vấn đề này bắt nguồn từ việc người dân châu Âu, đại đa số là giới trẻ, dần mất lòng tin vào các chính trị gia truyền thống. Phần lớn trong số họ sử dụng những nền tảng xã hội để cập nhật những thông tin chính trị. Nhắm vào yếu tố này, phe cực hữu ở châu Âu đã tạo ra các đề tài gây tranh cãi trên mạng xã hội để thu hút giới trẻ. Họ đã tận dụng rất tốt thuật toán của các mạng xã hội, khi những thông điệp gây tranh cãi thường được ưu tiên bởi chúng tạo tương tác tốt hơn các nội dung chính trị nghiêm túc.

Với thế mạnh ngày càng củng cố, phe cực hữu đang đứng trước nhiều cơ hội có thể tham gia vào các bộ máy chính trị ở nhiều quốc gia, qua đó đặt sức nặng lên những quan điểm chính sách được cho là "cực đoan", "cấp tiến" của các đảng này. Như vậy, các quyết sách sắp tới của châu Âu sẽ dần trở nên cứng rắn hơn trong các vấn đề di cư, tăng cường an ninh biên giới. Đơn cử như mới đây, Ủy ban châu Âu bật đèn xanh cho kế hoạch từ chối tiếp nhận đơn xin tị nạn của một số nước châu Âu. Đây là một vấn đề mà các chính trị gia Đảng Xanh vẫn luôn lên án và cho rằng sẽ ảnh hưởng đến quyền tự do con người. Dù lý do có là gì đi chăng nữa thì kết quả này là minh chứng cho sự thay đổi khi phe cánh hữu dần nắm thế chủ động.

Bên cạnh lý do kinh tế, những xung đột về văn hóa, xã hội, vấn đề nhập cư hay khoảng cách giàu nghèo tại nhiều nước châu Âu cũng khiến cử tri ngả theo các đảng cực hữu. Sự tăng tiến của phe cực hữu tỷ lệ thuận với sự bất mãn của người dân đối với các chính sách hiện tại của EU. Tranh cãi sẽ là điều không thể tránh khỏi nhưng quan trọng hơn cả là EU sẽ buộc phải thay đổi trước khi người dân tự làm điều này. Và sự thay đổi đó sẽ không chỉ giới hạn trong các vấn đề như hội nhập hay chính sách đối ngoại, nó sẽ là một sự thay đổi ở mọi cấp độ và không bị giới hạn bởi bất kỳ lĩnh vực nào.

Kế hoạch của châu Âu năm 2025

Một vấn đề cấp thiết mà EU cần giải quyết trước mắt, đó là việc tìm ra các đường lối ngoại giao và kinh tế phù hợp để tiếp tục gắn kết mối quan hệ xuyên Đại Tây dương trong bối cảnh chính phủ của ông Donald Trump sắp đi vào hoạt động.

Trong một diễn biến mới nhất, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cảnh báo rằng Liên minh châu Âu có thể đối mặt với việc áp thuế quan nếu khối này không cắt giảm thâm hụt ngày càng tăng với Washington bằng cách thực hiện các giao dịch dầu khí với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trước lời đe dọa của ông Trump, EU đã xác nhận sẵn sàng hợp tác với Mỹ về vấn đề năng lượng.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây không chỉ gói gọn trong lĩnh vực dầu khí mà các tuyên bố trong tương lai của ông Trump sẽ dần trở nên khắt khe hơn và đẩy yếu tố bất lợi cho phía châu Âu. Chính vì vậy, EU không chỉ đơn thuần là chấp thuận một cách thụ động và cần có những biện pháp ngoại giao hữu hiệu. Biện pháp này cần đáp ứng hai yếu tố, một là đảm bảo sự uyển chuyển để không làm phật lòng nền kinh tế số một thế giới, hai là cần cứng rắn để bảo vệ quyền lợi của Khối 27 và sẵn sàng đương đầu với Washington khi cần thiết.

Ngoài ra, EU cũng cần hoạch định một kế hoạch dài hạn cho cuộc xung đột Nga – Ukraine và đặt ra các kịch bản có thể xảy ra. Châu Âu đang dần kiệt quệ khi cứ "đâm đầu" hỗ trợ cho Kiev. Đã đến lúc châu Âu cần ngồi lại với nhau, thống nhất quan điểm về cuộc xung đột và lên một lộ trình lâu dài. Ảnh hưởng của cuộc xung đột đang đè nặng lên người dân và trong bối cảnh tình hình ngày càng phức tạp, điều mà bất cứ người châu Âu mong chờ không phải là phe nào giành chiến thắng mà chỉ đơn giản là một giải pháp hữu hiệu chấm dứt nỗi lo về an ninh và kinh tế.

Thêm vào đó, châu Âu cũng cần thống nhất được tiếng nói chung liên quan đến vấn đề Trung Đông. Sự chia rẽ về quan điểm trong chính nội bộ Khối 27 đang khiến EU mất vị thế trên trường quốc tế. Lục địa già cần hết sức cẩn trọng trong việc đưa ra quan điểm, đây sẽ có thể là ngòi nổ cho một cuộc chiến ở cấp bậc lục địa, kéo theo nguy cơ EU phải đương đầu với các cuộc khủng hoảng về năng lượng và di cư mới.

Anh Tuấn/VOV-Paris

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/chau-au-nam-2024-bien-dong-va-khung-hoang-post1144450.vov